Trang chủ arrow Nghệ thuật ẩm thực arrow Yến sào - 燕 窩
Yến sào - 燕 窩
26/01/2017
Yến sào còn có tên là yết điểu, sống ở ngoài biển. Vào tháng tám thường hay đậu trên xà nhà của người Trung Quốc, ngậm bùn đất về làm tổ, đến mùa thu lại bay đi, khi đi thường đúng vào ngày xã (tức ngày Mậu hoặc ngày Kỷ của tháng hai và tháng tám âm). 

Người đời Tùy là Tiết Đạo Hành có thơ rằng: "Không lương lạc yến nê" (Xà trống rơi tổ yến). Người đời Đường có thơ rằng: "Cựu thời Vương Tạ đường tiền yến, phi nhập bình thường bách tính gia" (Chim yến hai nhà họ Vương họ Tạ xưa, lại bay vào nhà thường dân). Có lẽ chim yến hay bay đến làm tổ trên rường cột nhà của các nhà thế gia, vừa đẹp lại vừa vui. Họ Vương họ Tạ là những bậc khanh tướng thần thế của Nam triều, đến khi gặp cảnh suy vi, nhà cửa đổ nát, chim yến bỏ đi, bay đến làm tổ nhà thường dân. Nhà thơ lấy cái đó để gửi nỗi niềm cảm khái vậy! Trong Tống kỷ, thời kỳ Nam Bắc triều, có câu "Xuân yến lâm sào ư lâm mộc" (Mùa xuân chim yến về, làm tổ ở ngoài rừng). Bởi cung điện của họ Nam Tống bị họ Ngụy đốt phá cho nên mùa xuân chim yến bay về không có nơi làm tổ phải làm tổ ngoài rừng). Ấy là các sử gia nói theo kiểu ý tại ngôn ngoại vậy! Chim yến bay vào Trung Quốc (đất liền) lấy bùn làm tổ, vậy mà món ăn có tổ yến lại là món ăn cực ngon. Bởi khi chim yến về ngoài biển làm tổ trong hang núi, tổ yến ở đây khác với tổ yến làm bằng bùn ở Trung Quốc.

Có một thuyết cho rằng chim yến ngậm trứng cá ngân quện với nước dãi rồi nhả ra mà làm tổ. Hai thuyết chưa biết thuyết nào đúng. Nước ta ở các đảo ngoài biển huyện Ngọc Sơn, Thanh Hoa thường có tổ yến, dân địa phương đi thuyền ra trèo lên núi lấy, rẩt gian nan. Thời Lê dùng tổ yến làm đồ tiến ngự, cũng có đem sang bán ở Trung Quốc.

Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
Tiếp >