Trang chủ arrow Tản mạn arrow Tục ngữ, ngạn ngữ, và phương ngôn
Tục ngữ, ngạn ngữ, và phương ngôn
24/01/2016

 

Tục ngữ, ngạn ngữ, và phương ngôn: Tục ngữ (tục: thói quen có đã lâu đời; ngữ: lời nói) là những câu nói gọn ghẽ và có ý nghĩa lưu hành tự đời xưa, rồi do cửa miệng người đời truyền đi. Tục ngữ còn gọi là ngạn ngữ vì chữ ngạn nghĩa là lời nói của người xưa truyền lại. Còn phương ngôn (phương: địa phương, vùng) là những câu tục ngữ chỉ thông dụng trong một vùng chứ không lưu hành khắp trong nước.

Ví dụ: "Giơ cao đánh sẽ" - "No nên bụt, đói nên ma"

Thành ngữ : Là những lời nói do nhiều tiếng ghép lại đã lập thành sẵn, ta có thể mượn để diễn đạt một ý tưởng của ta khi nói chuyện hoặc viết văn. Trong những câu ta thường gọi là tục ngữ, có rất nhiều câu chỉ là thành ngữ chứ không phải tục ngữ thật. Thí dụ: "dốt đặc cán mai" - "nói toạc móng heo" - "miệng hùm nọc rắn" - "tiền rừng bạc bể".

Sự khác nhau của thành ngữ và tục ngữ là ở chỗ này:

Một câu tục ngữ tự nó phải có ý nghĩa đầy đủ, hoặc khuyên răn hoặc chỉ bảo điều gì; còn như thành ngữ chỉ là những lời nói có sẵn để ta tiện dùng mà diễn một ý gì hoặc tả một trạng thái gì cho có mầu mè.

Câu ví : Trong số các thành ngữ của ta, có rất nhiều câu để so sánh hai sự vật với nhau, thứ nhất là một ý nghĩ ở trong trí với một vật, hoặc một cảnh tượng ở ngoài: những câu ấy tức là câu ví.

Thí dụ: "đắng như bồ hòn" - Trắng như trứng gà bóc" - "láo nháo như cháo với cơm" - "Nhởn nhơ như con đĩ đánh bồng" - "Thẳng như ruột ngựa" - "Nói như đóng đanh vào cột" - "Trông như trông mẹ về chợ". 


Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >