Trang chủ arrow Tản mạn arrow Chuyện Cao Biền
Chuyện Cao Biền
12/02/2013

Cao Biền có tài bắn rơi chim đang bay, nên còn được gọi là: Lạc điêu ngự sử. Biền ở tại Lĩnh Nam xưng vương, cho đắp thành Đại La ở phía tây sông Nhĩ Hà. Biền vốn thông minh lại tinh thông nhiều nghề, cũng như giỏi Thiên văn, Địa lý. Khi sang nước Nam, Đường Ý Tông triệu vào điện dụ rằng: Trẫm nghe nói, phương Nam có khí thiêng, ứng với ngôi vua, nay đại binh phái khanh đi công cán xem sao. Biền vâng mệnh, đánh dẹp xong Nam Chiếu, đi rong chơi trong nước ta, hễ gặp đâu đất tốt là ghi chép, mô tả, soạn thành sách. Đồng thời dùng thuật yểm cho nơi đó mất thiêng. Vì sợ đất Viêm Châu linh ứng sinh nhiều hào kiệt.

Khi đến núi Tản Viên ở tây thành Thăng Long. Biền cho mổ bụng một cô gái chưa chồng mười bẩy tuổi, vứt ruột rồi nhồi cỏ bấc vào, mặc quần áo, đặt ngồi tế, kèm theo sinh vật sống khi lễ. Khi thấy cô gái cử động thì rút gươm chém liền. Đêm đến Biền nằm mộng, thấy một người cưỡi ngựa xanh, đứng trong mây, hét lên một tiếng, rồi biến vào không trung. Ấy là thần Tản Viên.

Biền than rằng: Khí thiêng ở nước Nam rất thịnh, không lường được.

Một lần Biền đi đánh quân Nam Chiếu, khi đi qua đất thờ Nam giao học tổ là Sỹ Nhiếp. Bỗng thấy một người dung mạo phương phi, áo quần trang nhã, ra dẫn Biền đến một nơi có lâu đài la liệt, Biền được mời vào nhà, khi chủ khách an vị, chủ nhà nói:

Tôi ở đây đã lâu, nghe ngài đi đánh Nam Man, tôi rất cảm kích được ngài đến chơi, nay xin có một lời, không biết ý ngài ra sao?

Biền đáp: Ta vâng mệnh đi đánh giặc, nhằm cho dân được yên, nên có gì mà ta không nghe.

Chủ nhà nói: Nam Giao nhân lúc giặc dã, chẳng nơi nào được yên ổn. Nay nhờ uy ngài đã dẹp yên giặc, chỉ một trận là xong. Trăm họ nhờ ơn đâu có dám gì, chỉ mong được thuế má, công dịch nhẹ nhàng, và mong không bị quấy nhiễu. Đấy là kẻ già này muốn thế, xin ngài gia ơn cho.

Biền nói: Ngài nói rất đúng, những chuyện vòi vĩnh rượu thịt, vốn không phải chủ chương từ trên. Biền bỗng nhìn quanh không thấy ai nói chuyện với mình, mà xét lời nói lại từ thời Tam Quốc, bèn từ biệt mà đi, nhưng cũng chẳng thấy ai.

Biền bèn tìm người địa phương đến hỏi, người ta nói rằng đó là lời Sỹ Vương, từ trong mộ nói vọng ra. Biền bèn bâng khuâng rồi làm một bài ngũ ngôn tuyệt cú:

Tự Ngụy hoàng sơ hậu
Truyền lại ngũ bách niên
Đường, Hàm thông bát tải
Hạnh ngộ Sỹ Vương tiên.

Một hôm Biền đi chơi trên sông Nhĩ Hà, lúc xế chiều bỗng thấy khói lan toả trên sông, rồi gió sông thổi, sóng dựng đứng như núi. Biền bèn sai rẽ vào ngách sông con mà ẩn nấp. Ít lâu sau, mưa gió lặng, lúc đó khoảng canh hai, trăng đã nhú, bỗng Biền thấy như có tiếng chân người đi lại. Biền vén rèm thì thấy một ông lão, râu tóc trắng xoá, đầu đội khăn. Mặc áo đạo sỹ, đi lại trên sông nước mà đi như trên đất bằng.

Biền lên tiếng hỏi: Dám xin hỏi ngài là ai? ban đêm ngài làm gì đó ạ.

Người kia nói: Ta họ Tô tên Lịch, tự là Long Tuyền, và hỏi lại Biền:

Ngài là ai vậy? mà lại chịu khó chèo thuyền đến đậu ở đây?

Biền nói: Hôm qua, tôi đi dạo trên sông Nhĩ, nhân gặp sóng gió tạm lánh vào đây.

Người kia nói: Vậy ngài có phải Tiết độ sứ Yên Nam từ nhà Đường sang không?

Ông lão nói xong rẽ nước mà đi.

Biền cả kinh biết là đất thiêng, ghi tên gọi: Tô Lịch.

Sau Biền cho hội họp tướng lĩnh tại La Thành bầy thành thế trận, sắp đồ trấn yểm. Bỗng nhiên mây đen kéo đến, trời đất tối sầm, Nhĩ Hà sóng dựng. Gió to cuốn hết đi tất cả đồ tế lễ trấn yểm. Lúc đó mặt trời đã lên được ba con sào mà mây đen vẫn chưa tan. Những hố mà Biền đào để trấn đều bị sỏi đất lấp đầy.

Biền cả sợ, hội quân trở về, đêm đến Biền lại thấy ông già ở sông hiện về nói: Ta chính là tinh hoa của Long Đỗ, hào kiệt của đất thiêng, ngự ở đây đã lâu đời. Ta thấy ngài dự định yểm ta, ngài nên biết tự xét mình, để khỏi hối về sau.

Biền sợ quá thức dậy mồ hôi đầm lưng áo than rằng: Khí vượng Viêm Bang như vậy, ta không thể ở lâu được, có thể nguy. Bèn dâng biểu xin thay thế. Khi Biền về đi trấn ngự ở Thục Xuyên thì bị thủ hạ của mình sát hại.


Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >