Trang chủ arrow Bài viết arrow DANH Y ĐẤT HÀ NỘI - HOÀNG ĐÔN HÒA
DANH Y ĐẤT HÀ NỘI - HOÀNG ĐÔN HÒA
03/10/2010
Xứng danh Lương Dược triều Lê, có thể nói Hoàng Đôn Hòa đã để lại những thành quả thật lớn lao trong công tác dịch tễ và Quân y trong một thời kỳ chính trị phức tạp.

Về năm sinh năm mất của Hoàng Đôn Hòa, hiện vẫn còn chưa ngã ngũ. Ông sinh ra tại thôn Huyền Khê (Dư địa chí của Nguyễn Trãi), xã Thanh Oai Trung, tổng Thanh Oai Thượng, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên (01), giữa vùng đất “Linh Minh Đỗng Triệt”(02).

Thi đậu Giám Sinh, tinh thông y thuật, ông lại vui thú với cái chí dĩ sư bạch danh, ẩn cư dạy học (03). Từng chữa bệnh khỏi cho công chúa Phương Anh (Tức Phương Dung phu nhân), ông trở thành phò mã của triều đình. Năm Nguyên Hòa thứ nhất (1533) Trang Tông Dụ Hoàng Đế (Mạc Đại Chính năm thứ tư, Minh Gia Tĩnh năm thứ mười hai), vua Lê sai người sang Minh xin quân đánh Mạc (04), lúc này bệnh dịch tràn lan, ông đứng ra phát chẩn gạo, tiền, thuốc cho dân nghèo, chữa bệnh cứu người. Năm Gia Thái thứ hai (1574) đời Lê Thế Tông Nghị hoàng đế (Mạc Sùng Khang thứ chín – Minh Vạn Lịch thứ hai), nhà Mạc sai tướng vào cướp đất Nghệ An (05), lại đem quân xâm vào địa phận Thái Nguyên, ông được cử làm chức Điều Hộ Lục Quân theo đại quân đi đánh dẹp, vào vùng sơn lam chướng khí giúp tướng sĩ chống lại ngược tật, thổ tả bằng bài Tam Hoàng Hoàn gồm Vỏ Doãn (Hoàng Nàn), Hoàng Lực và Hùng Hoàng (* Chú ý: Phân biệt với bài Tam Hoàng Hoàn 三黄丸 gồm Hoàng Bá 黄柏 01 lạng,  Hoàng Cầm 黄芩 01 lạng,  Đại Hoàng 大黄 01 lạng (06) chủ trị tam tiêu tích nhiệt 三焦积热, tì vị tích trệ 脾胃积滞, mọi thứ hỏa xông lên, đối với các thứ lửa thừa do thực nhiệt đều lập công trong giây lát). Những công lao của ông đã góp phần lớn vào việc phấn dương tướng sĩ hùng nhuệ (07), đánh thắng nhà Mạc. Nhờ những công lao đó, ông được phong làm Lương Dược Hầu - Thị nội Thái Y Viện Chính Trưởng Thủ Phiên, cai quản Thái Y Viện, nhưng ông dứt khoát xin về quê cho đến khi mất được phong tặng là LƯƠNG DƯỢC LINH THÔNG CƯ SĨ (Sắc phong đầu tiên có câu: “Lương Dược Linh Thông Cư Sĩ, Chiêu Cảm Phổ Huệ, Phù Ứng Quảng Tế”).

Tác phẩm y học còn lại của ông có quyển Hoạt Nhân Toát Yếu 活人撮要 (Phép cốt yếu cứu sống người), bao gồm các kinh nghiệm phương về nhiều mặt lâm sàng từ Nội khoa, Ngoại khoa, Phụ khoa, Nhi khoa cho đến Thú y, Dưỡng sinh, Dược lý, Biện chứng luận trị (08).

Với những nghiên cứu của mình, ông cũng đã ghi chép lại 265 vị thuốc Nam với những bổ sung về mặt công dụng chủ trị như Vôi (09), Trầu (10), Bồ Kết (11), Củ nâu (12), lá Duối (13), lá Đậu ván (14), lá Huyết dụ (15), lá Chỉ thiên (16), vỏ Dưa chuột (17).v.v... rất giản dị và thú vị.

Theo tư tưởng “Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần, thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình” của Đại y sư Tuệ Tĩnh, ông đã thấm nhuần và đưa ra phép Tĩnh Công (18) Hô Hấp, đề cao tác dụng của việc Thanh Tâm (19).

Những thành quả lao động của Danh y Hoàng Đôn Hòa qua cuốn Hoạt Nhân Toát Yếu được biết tới như vậy nhờ vào công sưu tầm, cất giữ, biên soạn và bổ sung của một lương y làng Đa Sĩ khác là Trịnh Đôn Phác (20), người được coi là đã kế thừa và phát huy xuất sắc các bài thuốc của Danh y Hoàng Đôn Hòa.

Sống vào thế kỷ XVI, sinh ra từ vùng đất ngô khoai bến đò Đan Sĩ 丹 俟 (丹 仕), được biết đến ngày nay với cái tên Đa Sĩ 多仕 giàu truyền thống, với những cống hiến to lớn trong y tế quân sự và chữa thuốc cứu dân, cùng với tác phẩm Hoạt Nhân Toát Yếu quý báu, Danh y Hoàng Đôn Hòa xứng đáng được tôn vinh là bậc Hậu Đức Chí Nhân Đại Vương.

Khuất Lão Động Chủ Nguyễn Hạnh

Chú thích:

(01). Thần tích miếu làng Đa Sĩ có ghi: “Hoàng Đôn Hòa tại thôn Huyền Khê, xã Thanh Oai Trung, tổng Thanh Oai Thượng, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên”.

(02)  靈 明 洞 徹 Linh Minh Đỗng Triệt (Ánh thiêng chiếu rọi khắp nơi, chữ ghi trên nóc chùa Đa Sĩ, tức quán Lâm Dương ở thôn Đa Sĩ, xã Hiến Hưng – Hà Đông), được xây cạnh miếu thờ Lương y Dược linh thông Cư sỹ Hoàng Đôn Hòa và Phương Dung Từ Thục phu nhân), vốn chữ dùng trong kinh Phật, ý trỏ cái ánh sáng vô lường của Phật pháp.

(03). Thần tích miếu làng Đa Sĩ.

(04). Đại Việt Sử Ký Toàn Thư - Bản kỷ thực lục Q6 - Nhà Hậu Lê. Nhà Mạc (1533 - 1572).

(05).  Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục - Chính Biên - Quyển thứ 29.

(06). Thanh Thái Y Viện Bí Lục Y Phương phối bản - 清太医院秘录医方配本.

(07). Sắc phong LƯƠNG Y DƯỢC LINH THÔNG CƯ SỸ HOÀNG ĐÔN HÒA (Thịnh Đức năm thứ 03).

(08)  Hoạt nhân toát yếu: Phương thuốc kinh nghiệm và phép dưỡng sinh/Hoàng Đôn Hòa - Viện nghiên cứu Đông y biên dịch, chú thích, phụ lục.- NXB Y học, 1980.

(09). Vôi, (10) Trầu: Danh y Hoàng Đôn Hòa đặc biệt quan tâm đến Vôi, Trầu và Đại Hoàng.

(11). Bồ Kết: Tán bột thổi vào lỗ mũi trâu bò chữa ngạt thở.

(12). Củ Nâu, (13). Lá Duối, (14). Lá Đậu ván: Chữa trâu bò bị đau bụng.

(15). Lá Huyết dụ: Chữa lậu, đái dắt, bạch đới.

(16). Lá Chỉ thiên, (17). Vỏ Dưa chuột: Chữa chứng Thượng Mã Phong.

(18). Tĩnh Công: Là phương pháp nhập tĩnh, hướng vào sự thanh tịnh bên trong để mở rộng biên độ trí tuệ, phá bỏ cái tôi nhỏ bé để đạt được cái tĩnh không và sáng suốt. Theo kinh Phật thì khi nhập tĩnh, Phật sẽ cùng xuất hiện trong Thập Đại Chúng Sinh, cái ung dung tự tại của chư Phật và chúng sinh sẽ cảm ứng với ngoài vòng pháp giới, cứu vớt sự đau khổ trầm luân. Một cách đơn giản, thực hành Tĩnh Công để đạt được cái Tâm thanh thản, giúp mọi bệnh tiêu tan.

(19). Thanh Tâm: Tức là làm cho lòng trầm xuống, khiến cho tâm mình trở nên trong sạch.

(20). Trịnh Đôn Phác (1692 – 1762), lương y đời Lê Hiển Tông, từng giữ chức Thái Y Viện Thủ Phiên.


Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >