Trang chủ arrow Tin tức arrow TIẾNG VIỆT ƠI, TIẾNG VIỆT ÂN TÌNH
TIẾNG VIỆT ƠI, TIẾNG VIỆT ÂN TÌNH
02/03/2010


Bé Việt Ân, nhân vật chính trong video clip "Tiếng Việt"Mùng 3 Tết, tôi gửi link bài hát "Tiếng Việt" trên trang web Youtube cho một chị bạn ở Odessa, Ukraina. Chị xa nhà đã hơn 20 năm. Chat với nhau, chị bảo, này em, chị đang nghe "Tiếng Việt"mà nước mắt nhòa.


Tối 29 Tết, rảnh rỗi cầm cái điều khiển tivi lướt qua lần lượt từng chương trình. Tôi dừng ở YanTV. Tôi mới biết kênh truyền hình này chưa lâu và thỉnh thoảng dừng vài phút. YanTV với tôi là một trò chơi. Ở bên phải màn hình là những tin nhắn, đại loại bạn gửi tin đến một tổng đài nào đó và mất một khoản phí thì những tin nhắn đó sẽ hiện lên màn hình tivi.  Nhắn tin tất nhiên toàn là các bạn tuổi teen. Và vì vậy mà khi nào có cậu cháu trai tuổi teen bên cạnh thì trò chơi rất là thú vị. Chúng tôi sẽ cùng nhau đoán xem cái tin đó viết gì. Đã quá nhiều người nói về thứ ngôn ngữ teen này rồi. Giả dụ như "Hok bit co ai thik k si nj nhw tui? Lam wen nhe, nt so…"  (Không biết có ai thích ca sĩ nì như tôi? Làm quen nhé, nhắn tin số…) Hay mày mò lên mạng nên tôi cũng hơi biết thứ ngôn ngữ này.

Tôi không bảo thủ nhưng tôi thích sự tự nhiên. Đây không phải thứ tiếng Việt tôi được dạy từ lớp vỡ lòng, không phải thứ tiếng Việt ông nội đã chữa bài cho tôi từ nhỏ, những lá thư bố mẹ viết cho tôi. Tôi không có kỷ niệm, không có ký ức với thứ tiếng Việt này. Nhưng cháu tôi thì dùng. Tôi lo sợ, một ngày kia, con trai tôi đến tuổi teen, tôi cũng sẽ phải học thứ tiếng Việt này để mà hiểu được những gì cháu viết trong vở.

Mùng một Tết, gặp ở nhà bác tôi một người chị họ. Nói đến chuyện đi học của con cái, chợt chị hỏi tôi thấy thế nào về việc dạy tiếng Anh cho trẻ con từ khi chúng còn chưa biết chữ. Chị bảo chị cũng băn khoăn lắm, ở viện nghiên cứu của chị, các cô cậu tuổi còn trẻ làm hồ sơ xin học bổng, trở ngại lớn nhất là  ngoại ngữ, thế nên giờ các ông bố bà mẹ trẻ lo xa, cho con học tiếng Anh từ khi còn bé tí. Nhưng cũng có cô đồng nghiệp trẻ của chị, dạy con tiếng Anh sớm quá nên đến khi đi học, con bé học tiếng Việt toàn sai.

Chị kể gặp một ông giáo sư người Nhật. Ông ấy nói, Việt Nam đừng mắc sai lầm như Nhật Bản ngày xưa nữa. Ở Nhật người ta cũng đã từng dạy tiếng Anh trước tiếng Nhật, nhất là với hệ ngôn ngữ tượng hình như tiếng Nhật thì tiếng Anh đã mở ra ô cửa gần với thế giới hơn nhiều. Nhưng người Nhật đã phát hiện ra đó là sai lầm. Vì dạy một đứa trẻ học tiếng từ bé tí không chỉ là dạy một ngôn ngữ, đó còn là dạy cả một nền văn hóa, cách nghĩ, cách hiểu một nền văn hóa. Tôi cũng đang lưỡng lự có dạy tiếng Anh cho con không. Trong gia đình đã xảy ra những cuộc tranh cãi nho nhỏ. Bố cháu bảo, trước khi nó nói tốt tiếng nào đi nữa thì để nó nói tốt tiếng Việt đã.

Tôi gặp vợ chồng hai anh chị Việt kiều Mỹ về Hà Nội ăn Tết. Anh quê Nam Định, chị người Hà Nội. Anh sang Mỹ đã từ lâu, chị theo chồng mới 7 năm. Các con anh chị còn nhỏ, đều sinh ở Mỹ. Hai con anh chị không có tên tây, hay là vì viết thư cho tôi hay gặp tôi, cũng như gặp bất kỳ người nào ở Hà Nội, anh chị không bao giờ nhắc đến tên tây của các cháu. Hai cháu khoanh tay trước ngực chào tôi rất ngoan. Tôi thường gặp cử chỉ này ở những đứa trẻ nhỏ sinh tại nước ngoài hơn là những đứa trẻ sinh ở Việt Nam, đứa trẻ sinh ở nước ngoài giữ cử chỉ đó cho đến lớn, thậm chí 15, 16 tuổi vẫn khoanh tay chào cô ạ, còn đứa trẻ sinh ở Việt Nam có khi chỉ khoanh tay đến 5, 6 tuổi, sau đó thường là chào cô ạ rồi chạy biến đi chơi. Phải chăng vì người Việt ở nước ngoài quan tâm giữ gìn văn hóa Việt hơn? Tôi ngạc nhiên vì cô bé con mới 3 tuổi rưỡi mà nói tiếng Việt rất tốt. Mẹ cháu dạy đấy, anh tự hào khoe vợ. Tôi biết những tập sách, truyện, thơ cho thiếu nhi của Nhà xuất bản Kim Đồng tôi mua làm quà cho các cháu sẽ là món quà thú vị và có ích.

Ngô Hồng Quang, người hát thành công ca khúc Tiếng Việt tại trường quay

Trò chuyện với nhạc sỹ Lê Tâm, người viết ca khúc "Tiếng Việt" phổ từ thơ Lưu Quang Vũ, anh kể biết đến bài thơ lần đầu khi đọc tập "Mây trắng của đời tôi".  Lê Tâm nói: "Bài thơ hay đến phát khóc. Không có bài thơ nào nói về chủ đề lớn lao như đất nước mà lại giản dị đến thế". Có lần nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm nghe anh hát xong ca khúc "Tiếng Việt" trong một trại sáng tác, đã ôm cổ Lê Tâm bảo: Không ai thuộc Lưu Quang Vũ bằng tôi, nên tất cả các thao tác của bạn chỗ nào bạn đảo chữ thay từ là tôi biết hết. Cái mà tôi sướng là sau các thao tác của âm nhạc, chất Lưu Quang Vũ vẫn nguyên vẹn. Hoàng Nhuận Cầm đọc một mạch trôi chảy và diễn cảm bài thơ của Lưu Quang Vũ. Đọc hay đến phát khóc.

Ai mà chẳng thế, chẳng giống Hoàng Nhuận Cầm hay Lê Tâm khi đọc "Tiếng Việt". Lưu Quang Vũ đã tài tình nói lên hộ cảm xúc của biết bao người,  tiếng nói tưởng như đã quen thuộc lắm rồi, tiếng nói mà "mỗi sớm dậy nghe bốn bề thân thiết, người qua đường chung tiếng Việt cùng tôi", thực ra là thiêng liêng đến thế, là dòng máu chảy bao đời trong huyết quản, là nhịp đập cảm xúc ngập tràn trong trái tim mỗi người, đấy là làng quê Việt Nam, là dân tộc Việt Nam, là đất nước Việt Nam. Có lẽ cũng vì cội nguồn sâu xa ấy mà bao Việt kiều xa quê đã thốt lên rằng thèm nghe, thèm nói tiếng Việt đến cồn cào. Và cũng vì mạch ngầm tình cảm ấy mà nhiều gia đình người Việt ở nước ngoài cố gắng duy trì việc dạy tiếng Việt cho các con, các cháu, những thế hệ thứ ba, thứ tư sinh ra và lớn lên ở xứ người.

Tôi đã nghe bài "Tiếng Việt" do Lê Tâm hát từ khá lâu rồi. Bài hát cứ tha thiết mà gọi ra những thương cùng nhớ. Mà chẳng phải chính Lưu Quang Vũ cũng đã viết vậy trong một bài thơ khác của anh, bài "Đất nước đàn bầu", về tiếng Việt hay sao: "Cháu nghe mãi vẫn lạ lùng tiếng Việt/ Chữ "thương" liền với chữ "yêu"/ Chữ "thương" đi cùng chữ "nhớ"/ Dân tộc trải xót xa nhiều nỗi khổ/ Phải thương nhau mới sống được trên đời…".

Nghe Lê Tâm, và sau này là nghe Ngô Hồng Quang, một giảng viên âm nhạc trẻ, hát rất thành công bài này, tôi cứ tự hỏi, Lưu Quang Vũ tài hoa khơi nguồn cảm xúc của nhạc sỹ và ca sỹ, nhưng sự đồng điệu để họ tìm được và hòa quyện với nhau trong bài hát này, thật chẳng phải là một may mắn quá lớn cho cả ba người và cho người nghe hay sao. Bài hát đã nối dài được dòng cảm xúc, nối dài đời sống của bài thơ, và người hát đã đem được bài hát đến với rất nhiều những tấm lòng, với cả những cuộc đời đang sinh sống nơi đất khách quê người.

Trò chuyện với Ngô Hồng Quang, người đã mang ca khúc "Tiếng Việt" theo cùng những chuyến lưu diễn Châu Âu, anh nói, bao giờ các anh chị Việt kiều hay các sinh viên Việt Nam cũng bảo sao họ nhớ nhà đến thế mà vẫn cứ phải nghe thêm lần nữa. Quang cũng rất hay hát bài này cho người nước ngoài, bởi bài hát mang đến cho họ một âm hưởng rất Việt Nam qua nét nhạc và giai điệu đậm chất ngũ cung. Bài hát đã gắn liền với tên Ngô Hồng Quang, anh được gọi là Quang Tiếng Việt. Nhiều nơi anh tới biểu diễn lần đầu nhưng bà con Việt kiều đã đề nghị anh hát "Tiếng Việt". Có những người mua đĩa của anh, tìm kiếm đường dẫn đến file âm thanh ca khúc này trên mạng để tải về mà nghe hàng ngày, như nhắc nhở chính mình, hay để làm vợi bớt những nỗi nhớ quê hương.

Giờ Quang đang học ở Hà Lan. Tết này anh hát  "Tiếng Việt" rất nhiều trong những buổi biểu diễn ở xứ sở hoa tuylip. "Tôi đang hát bài này trong một thời điểm khá đặc biệt. Tôi không chỉ hát bài này cho bà con Việt kiều mà cho cả chính tôi nữa. Lần này tôi không đi lưu diễn một thời gian ngắn rồi về như những lần biểu diễn trước. Một số bạn bè tôi, từng nghe "Tiếng Việt" trước đây, nay bảo tôi hát có tình hơn trước nhiều. Tôi tự hỏi không biết có phải mình xa quê nên hát hay hơn trước không".

Cách đây vài ngày tôi cũng được xem video clip bài "Tiếng Việt" mới được đưa lên mạng Internet. Tự bản thân video clip cũng là một bài thơ, bản nhạc bằng hình. Chút hơi hướng hoài cổ, hình ảnh gia đình nông thôn Việt Nam êm ả đầu thế kỷ XX, nếp nhà gọn ghẽ, đồng lúa vào mùa. Quê hương hiện lên là đây, đúng như Lưu Quang Vũ đã viết trong bài thơ của anh: "Tiếng mẹ gọi trong hoàng hôn khói sẫm/ Cánh đồng xa cò trắng rủ nhau về/ Có con nghé trên lưng bùn ướt đẫm/ Nghe xạc xào gió thổi giữa cau tre…".

Hãy nghe Quang hát đi, rồi bạn cũng như tôi, bỗng tự hỏi mình, đã bao giờ mình nghĩ có từ nào trong tiếng Việt là quan trọng, là yêu dấu nhất. Biết trả lời sao đây. Hay lại tìm về với Lưu Quang Vũ, mà nói, từ "thương". "Chữ Thương liền với chữ Yêu/ Chữ Thương đi cùng chữ Nhớ…"

 Bảo Chi

 Nguồn: Báo Công an nhân dân


Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >