Trang chủ arrow Tin tức arrow CHIẾU XẨM HÀ THÀNH
CHIẾU XẨM HÀ THÀNH
24/04/2008

 

Tiếng cười thật thoải mái của khán giả - những người đi chợ đêm Hàng Đào - Đồng Xuân dừng chân bên chiếu xẩm ngay cửa chợ - vỡ ra mỗi khi nghe những câu xẩm dí dỏm, hóm hỉnh và thật dân dã.

 

Tất tần tật những sinh hoạt diễn ra ở chợ Đồng Xuân ngày xưa được “tương” hết vào trong bài xẩm chợ Vui nhất có chợ Đồng Xuân. Cũng vui nhộn không kém là bài xẩm tàu điện Hà Nội 36 phố phường đưa khán giả về với cuộc sống Hà thành những năm xa xưa.

 
Chiếu xẩm Hà thành.

“Lại những kẻ cắp như rươi/
Hở cơ chốc lát - tiền ôi mất rồi/
Giậm chân xuống đất kêu giời/
Phulit thời có đến cũng tôi đi đời”

(lời bài xẩm Vui nhất có chợ Đồng Xuân)

Bây giờ thì nhiều hình ảnh trong các bài xẩm ấy đã không còn nữa nhưng mỗi tối thứ bảy, khi những lời ca và giai điệu rộn ràng của bài xẩm được cất lên ở chiếu xẩm, khán giả lại hưởng ứng thật nhiệt tình bằng tiếng cười, bằng những tràng pháo tay.

Vui nhất có chợ Đồng Xuân được coi là bài “xẩm ca” mở đầu và kết thúc mỗi đêm xẩm trong chương trình “Hà Nội 36 phố phường” ở phố chợ đêm Hàng Đào - Đồng Xuân, do các nghệ sĩ thuộc Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc VN tổ chức, biểu diễn.

Trò chuyện với chúng tôi, nghệ sĩ trẻ Mai Tuyết Hoa cho biết: “Bây giờ sân khấu xẩm Hà Nội 36 phố phường đã trở thành thân quen với người dân khu chợ Đồng Xuân rồi, nhưng để giành được chiếu xẩm ấy cũng không hề đơn giản”. Từ quá trình nghiên cứu loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo, có âm nhạc và nội dung hết sức phong phú này, các nhà nghiên cứu thuộc trung tâm đặt ưu tiên hàng đầu là làm sao phục hồi và đưa hát xẩm trở lại với đời.

Cũng chính vì thế nên ở sân khấu “Hà Nội 36 phố phường” có điểm khác hoàn toàn so với những sân khấu “quan phương” khác là ngoài sự góp mặt của một số nghệ sĩ tên tuổi như Thanh Ngoan, Xuân Hoạch, Đoàn Thanh Bình và “cô xẩm” trẻ đang nổi đình đám là Mai Tuyết Hoa, các thành viên còn lại là những nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc truyền thống như GSTS Phạm Minh Khang, các nhạc sĩ Thao Giang, Hạnh Nhân, Văn Ty, Quang Long, Khương Cường.

Khi đã phục hồi được những làn điệu xẩm, bài xẩm đặc trưng nhất thì một mong muốn lớn của nhóm là phải làm sao đưa xẩm đến với công chúng Hà thành. Từ đó họ nghĩ ngay tới một sân khấu ngoài trời tại phố đi bộ, nơi hằng đêm có một lượng người không nhỏ tề tựu. Rồi cũng chính họ tìm tới các đơn vị có chức năng để xin phép.

 
Nghệ sĩ Xuân Hoạch.

Buổi đầu khá vất vả vì nhiều vị có trách nhiệm quản lý gần như chưa rõ xẩm là gì và nghệ thuật này có vị trí gì với người Hà Nội trước đây. Đến nay, sau một vài chương trình kiểm chứng hát miễn phí, các nghệ sĩ tham gia chiếu xẩm “Hà Nội 36 phố phường” đã được hỗ trợ một khoản thù lao cho các buổi diễn dù còn rất khiêm tốn.

Hôm chúng tôi đến chợ Đồng Xuân, có một phụ nữ dân tộc Mường tên Bùi Thị Tuyết Mai trong số các khán giả vây quanh sân khấu. Chị Tuyết Mai hào hứng kể: “Mình vừa đi ôtô từ Hòa Bình xuống, chưa kịp ăn uống đã tới thẳng đây luôn vì sợ muộn mất giờ. Qua tivi mình biết đến sân khấu này và từ lúc ấy đã mong có một buổi xuống Hà Nội để được nghe xẩm”.

Theo nhạc sĩ Quang Long, MC của nhóm hát xẩm chợ Đồng Xuân, đã có những khán giả không bỏ qua tuần nào như bác Nguyễn Văn Tuấn ở khu phố cổ. Bác Tuấn cho biết: “Ngày nhỏ tôi vẫn hay nghe những điệu xẩm này nên bây giờ trên sân khấu các nghệ sĩ hát điệu gì là tôi biết ngay. Chỉ trừ những hôm mưa, nghỉ diễn chứ buổi nào tôi cũng có mặt”.

Còn GS Trần Văn Khê lần nào ra Hà Nội ông cũng ghé tới chiếu xẩm chợ Đồng Xuân và lần nào ông cũng tham gia phần giao lưu với khán giả. Hôm đầu tiên đến với chương trình này, GS Trần Văn Khê đã thật sự xúc động khi được nghe những làn điệu xẩm mà trước đây ông mới chỉ biết từ băng đĩa tư liệu và qua giọng hát lão luyện của nghệ nhân Hà Thị Cầu.

 
Thanh Ngoan và Mai Tuyết Hoa.

Mai Tuyết Hoa và Quang Long vừa thực hiện chuyến đi vào TP.HCM, việc đầu tiên của họ là tìm đến GS Trần Văn Khê để trao đổi với ông về việc tổ chức một đêm âm nhạc dân gian, với “đặc sản” là hát xẩm, tại thành phố sôi động này. Đó cũng chính là mong muốn của GS Khê và chính ông sẽ đảm nhận vai trò người dẫn chương trình trong đêm diễn ấy. Đêm xẩm tại TP.HCM theo dự kiến sẽ diễn ra vào khoảng cuối tháng mười sắp tới.

Có thể nói hát xẩm là một loại hình ca hát dân gian bình dân nhất ở VN, xưa thường là “độc quyền” của những người khiếm thị hát rong (những người mù trước đây thường hát xẩm trên đường phố, ở nhà ga, bến tàu, chợ... ở Hà Nội để mưu sinh) nên ít nhiều xẩm bị nhìn dưới con mắt có phần miệt thị.

Theo nhạc sĩ Thao Giang, chủ nhiệm chương trình âm nhạc dân gian “Hà Nội 36 phố phường”, xẩm xuất hiện từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 và rất phát triển tại Hà Nội. Theo ông, xuất xứ của hát xẩm là từ người dân các miền quê ra Hà Nội kiếm ăn. Họ đã chuyển hóa những điệu xẩm xoan, xẩm huê tình nhà quê thành những điệu xẩm phù hợp với thẩm mỹ, thẩm âm của người Hà Nội. Trong số 20 điệu xẩm đang được các nghệ sĩ trình diễn trên sân khấu chợ Đồng Xuân, có điệu xẩm tàu điện chỉ duy nhất có tại Hà Nội.

 
Chiếu xẩm chợ Đồng Xuân.
Sau Cách mạng Tháng Tám, xẩm còn được “thời sự hóa”. Chẳng hạn để hưởng ứng phong trào bình dân học vụ, các nghệ nhân xẩm đã sáng tác bài xẩm Tiễu trừ giặc dốt (đang được trình diễn ở chiếu xẩm Đồng Xuân với lời mới Tiễu trừ tham nhũng).
 
Theo nhà nghiên cứu Trần Việt Ngữ, người đã có hơn 20 năm làm việc với các làng xẩm, trùm xẩm..., thời kỳ hưng thịnh của xẩm là vào cuối năm 1954, đầu năm 1955, khi Nhà nước vận động nhiều nhóm hát xẩm, cử người viết bài hát và đến diễn ở các vùng duyên hải miền Bắc nhằm chống lại phong trào di cư vào Nam do người Pháp lôi kéo.
 
Vài ba chục nghệ nhân hát xẩm ở Hải Dương, Ninh Bình, Nam Định, Bắc Giang, Hà Nội... đã tham gia cuộc vận động này. Kể từ đó những người hát xẩm không còn được hành nghề nữa, hát xẩm tưởng chừng như đã thất truyền, mai một.

Bắt đầu từ hai đêm thứ bảy, chủ nhật của đầu tháng 4-2006, người dân Hà Nội và du khách trong, ngoài nước đến thủ đô khi dạo chơi tuyến phố đi bộ, chợ đêm Đồng Xuân - Hàng Đào đã lại được thưởng thức những làn điệu xẩm vốn chỉ còn tồn tại trong ký ức của các bậc cao niên ở Hà thành, và trong vốn liếng âm nhạc dân gian của lão nghệ nhân “hát xẩm bẩm sinh” Hà Thị Cầu ở Ninh Bình.

(Theo Tuổi Trẻ)

Nguồn: VTC News

Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >