Trang chủ arrow Tin tức arrow NGÔ TỰ LẬP VÀ VẺ ĐẸP HIP HOP CỦA HÀ NỘI
NGÔ TỰ LẬP VÀ VẺ ĐẸP HIP HOP CỦA HÀ NỘI
10/04/2008

 

Nghe liveshow BHV do Mai Trang hát:

http://baihatviet.vtv.vn/Index.aspx

Nghe bản demo do Nguyễn Thị Minh Chuyên hát:

http://thehe8x.net/music.php?a=7f98f20c


Trong danh sách tác giả của chương trình “Bài Hát Việt” số 3, tháng 07 năm 2007, có một cái tên đã rất quen thuộc với độc giả văn học, nhưng lại mới toanh với công chúng âm nhạc. Đó là Ngô Tự Lập, nhà thơ, nhà văn, dịch giả và người viết tiểu luận. Giống như các tác phẩm văn học của anh, bài hát anh tham dự “Bài Hát Việt”, với cái tên “Hà Nội hiphop”, là một cách nhìn mới mẻ về cuộc sống. Dưới đây là bài phỏng vấn tác giả Ngô Tự Lập do phóng viên báo Giáo dục và thời đại thực hiện.


GDTĐ: Ca khúc của anh có một thứ ngôn từ ngổn ngang đầy cá tính. Thông điệp của anh trong “Hà Nội hip hop” là gì?

NTL: Như tôi đã nói trong đoạn phỏng vấn ngắn trước live-show, mặc dù bài hát có tên là “Hà Nội hiphop”, bài hát của tôi không mang phong cách hip hop. Đó chỉ đơn thuần là một tính từ, chỉ thời đại, như các nhà văn Mỹ gọi những năm 1920 là thời đại nhạc Jazz của văn hoá Mỹ. Tôi thấy trong rất nhiều bài hát gần đây, Hà Nội được ca ngợi nhiều qua những hình ảnh đầy thi vị, nhưng ít nhiều đã trở thành khuôn sáo, như mái ngói rêu phong, tiếng sấu rụng, Hồ Gươm xanh, cơn mưa nhỏ, đàn sâm cầm, mùi hoa sữa…Đó là vẻ đẹp có thật, nhưng tôi nghĩ rằng còn có một Hà Nội khác: Ven đê ngói rêu và mái tôn kề nhau/ Kim Liên phố đêm như màu mắt trong phòng Net vương đầy khói/ Những con đường bụi đen kề bên cánh đồng/Những cây bằng lăng xanh xao dưới bê tông…Công cuộc mở cửa và Đổi Mới còn đem đến thành phố những con người từ khắp các chân trời góc bể cùng với những thói quen mới, cách nghĩ và lối sống mới. Cái mới và cái cũ hòa quện vào nhau. Và sự bề bộn đó là một vẻ đẹp khác, vẻ đẹp thường nhật và cũng không kém phần thi vị. Tôi gọi vẻ đẹp đó là vẻ đẹp hip hop, vẻ đẹp hôm nay của Hà Nội. Nhân đây, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đối với nhạc sĩ Trần Đức Minh, người đã phối khí rất thành công, ca sĩ Nguyễn Thị Minh Chuyên, người đầu tiên đã thể hiện thành công bài hát, và ca sĩ Mai Trang, người đã giúp tôi đưa bài hát đến đông đảo công chúng với chất lượng cao nhất trong điều kiện thời gian chuẩn bị rất ngắn ngủi. Tôi cũng xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với vợ cùng con trai tôi, Ngô Tự Thành, và đặc biệt là nhạc sĩ Nguyễn Lê Tâm, những người đã động viên và ủng hộ tôi rất nhiều trong quá trình sáng tác.

GDTĐ: Đoạn điệp khúc của anh như thế này: “Những chiều gió/ Hoa đầy phố/ Ly cà phê hỏi tôi bằng những giọt đen/ Phố hay người đã khác ngày xưa?/ Làm đau lòng ai?/ Em hay phố hay đất trời/ Hay là chính tôi, Đã khác xưa rồi?” Âm hưởng của nó dường như là buồn chứ không phải là vui như anh nói?

NTL: Đúng vậy. Đôi khi người ta nghĩ về thành phố bằng một thái độ hết sức mâu thuẫn, hệt như khi người ta nghĩ về phụ nữ. Người ta muốn mọi phụ nữ được giải phóng, được “cởi mở”, chỉ trừ vợ mình. Cũng vậy, người ta muốn sống trong một căn hộ hiện đại, đầy đủ tiện nghi, nhưng lại muốn thành phố cứ giữ mãi vẻ đẹp rêu mốc, cũ kỹ ngày xưa.

GDTĐ: Âm nhạc đóng vai trò như thế nào trong sự nghiệp sáng tác của anh?

NTL: Tôi sáng tác nhạc từ rất sớm. Bài hát đầu tiên là bài tôi phổ nhạc bài thơ “Đi học”, hình như là trong sách “Tập đọc” lớp Hai: “Đường mềm như dải lụa/ Uốn mình dưới cây xanh/ Men theo đôi bờ lúa/ Vòng gốc đa bên đình/ Từ lâu đường cũng em/ Kết nên đôi bạn hiền…” Sáng tác xong, tôi đem dạy các em tôi. Về sau, khi cậu em tôi học lớp Hai, một lần cậu ta bị cô giáo gọi lên bảng đọc thuộc lòng bài thơ “Đi học”. Vì đã quen giai điệu, cu cậu cứ ông ổng hát giữa lớp khiến cả lớp cười ồ. Vì chuyện này mà cậu ta bắt đền tôi mãi.

Như vậy, trên thực tế, tôi đã sáng tác nhạc trước văn và thơ rất nhiều. Giải thưởng nghệ thuật đầu tiên của tôi cũng là về âm nhạc, dù đó cũng chỉ là giải thưởng của sinh viên. Đó là năm 1983, tôi tham gia và đoạt giải thưởng cuộc thi sáng tác ca khúc của sinh viên quốc tế ở Baku (Azerbaijan, Liên Xô) với ca khúc “Cô gái tóc đen bên bờ biển Đen”. Với tôi, các loại hình nghệ thuật gắn bó với nhau rất chặt chẽ và việc chọn loại hình sáng tác chỉ đơn thuần là lựa chọn vật liệu mà thôi. Khi viết văn, tôi luôn luôn chú ý đến nhịp điệu, và thậm chí là “giai điệu” của câu văn, còn khi viết ca khúc tôi đặc biệt chú ý đến ca từ.

GDTĐ: Anh học nhạc ở đâu?

NTL: Hồi nhỏ, thời chiến, tôi sống ở miền trung du Vĩnh Phú nên không có điều kiện học ở trường. Người dạy tôi những nốt nhạc đầu tiên là bố tôi. Về sau, tôi tự học ký xướng âm với cuốn “Tự học ký xướng âm” của Doãn Mẫn và tập đàn Măng-đô-lin với cuốn “Tự học đàn măng-đô-lin” hình như của Lê Lôi. Sau này tôi chơi ghita cổ điển. Trong thời gian học hàng hải ở Baku (Liên xô), tôi có đi học dự thính về hoà âm ở Nhạc viện Baku.

GDTĐ: Anh có nhận xét gì về ca khúc Việt Nam hiện nay?

NTL: Theo tôi, sau một giai đoạn khủng hoảng, ca khúc Việt Nam đang dần lấy lại thăng bằng. Mặc dù số ca khúc với giai điệu dễ nghe và ca từ dễ dãi vẫn còn nhiều, thậm chí chiếm đa số, chúng ta đã thấy xuất hiện một tác giả độc đáo. Ngay cả việc báo chí gần đây phê phán thứ ca từ nhàm chán hoặc dung tục của nhiều ca khúc nhạc pop cũng cho thấy rằng đã đến lúc chúng ta không còn chấp nhận thứ ca khúc hàng chợ như vậy nữa.

Nhân đây, tôi cũng xin giới thiệu một nhóm sáng tác mang tên “M6” gồm sáu thành viên (Nguyễn Lê Tâm, Nguyễn Vĩnh Tiến, Trần Đức Minh, Nguyễn Tuấn, Nguyễn Như Thắng và Ngô Tự Lập). Trong “Bài Hát Việt” số 3 vừa rồi, ngoài tôi còn có một thành viên của M6 tham gia, đó là Nguyễn Tuấn với “Tiếng gáy thời gian”. Nguyễn Tuấn có nhiều ca khúc rất mới mẻ, và đặc biệt anh rất nhạy cảm về ngôn từ. Trong nhóm của chúng tôi, hai thành viên nổi tiếng nhất là Nguyễn Lê Tâm và Nguyễn Vĩnh Tiến. Nguyễn Lê Tâm là người đứng đầu ban nhạc “Đồng hồ báo thức”, từng được bình chọn là ban nhạc hay nhất Việt Nam cuối thập niên 1990, còn Nguyễn Vĩnh Tiến nổi đình nổi đám với các ca khúc “Bà tôi” và “Giọt sương bay lên”. Nguyễn Như Thắng được nhiều người nhớ vì đã từng hai lần dự thi “Bài Hát Việt”, nhất là ca khúc “Ru à ơi”. Trần Đức Minh là tay phối khí chuyên nghiệp, đang viết giao hưởng, nhưng cũng sáng tác ca khúc với ngôn từ trau chuốt và lối hoà âm rất độc đáo. Theo kế hoach, nhóm M6 sẽ trình làng một CD gồm 12 ca khúc và tổ chưqcs live-show vào cuối năm nay.

GDTĐ: Công việc của anh hiện nay là gì? Xin cho biết về những dự án chính của anh.

NTL: Hiện nay tôi đang làm việc tại Khoa Quốc tế-ĐHQGHN, nhưng tôi còn tham gia giảng dạy môn lý luận và phê bình phim trong khuôn khổ dự án Điện ảnh học được quỹ Ford tài trợ của trường ĐHXH và NV. Thú thật là quỹ thời gian của tôi vô cùng eo hẹp, vì thế nói đến dự án có vẻ xa xỉ. Tuy nhiên, tôi vẫn không ngừng viết, chủ yếu là tiểu luận, và thỉnh thoảng cũng tham gia dịch thuật. Năm nay tôi dự định sẽ in ít nhất hai cuốn sách mới. Một có tên là “Văn học như là dụng điển”, dịch từ luận văn Tiến sĩ ở Mỹ của tôi. Cuốn thứ hai là tập hợp những bài phê bình. Tôi cũng đang viết một cuốn sách khác, nhưng xin được công bố khi nó hoàn thành. Mối quan tâm chính của tôi trong vài tháng tới chính là album chung với nhóm M6 mà bè bạn tin tưởng giao cho tôi làm nhóm trưởng.

GDTĐ: Xin cám ơn anh.


Linh Sơn thực hiện

(Báo Giáo dục và Thời đại, số 11/08/2007)

__________________________________________________


HÀ NỘI HIP HOP


Nhạc và lời: Ngô Tự Lập

I. Những khung cửa lạ quen đầy ắp tiếng cười

Những khu vườn đầy sương tôi đã quên đâu

Ven đê ngói rêu và mái tôn kề nhau

Kim Liên phố đêm như màu mắt trong phòng Net vương đầy khói

Những con đường bụi đen kề bên cánh đồng

Những cây bằng lăng xanh xao dưới bê tông

Khương Trung phố quen hàng xóm nay còn không

Ai giờ đây sống trong căn phòng xép ngôi nhà cũ tôi từng sống?

II. Đứng trên đường Nhật Tân nhìn hững hờ

Những anh chàng tây ba lô phóng Minxcơ

Cô em váy cao và tóc xoăn nhuộm nâu

Tôi dừng mua bó lay-ơn đẹp nhất tuy nào có ai tặng đâu

Nắng trên cầu Long Biên chiều lốm đốm vàng

Gió đưa mùi mực khô thơm quán bia sang

Hello, mấy anh nghệ sĩ say cười vang

Bọt bia trắng tinh trong chiều phố vương đầy lá vương đầy gió.

ĐK: Hà Nội ơi,

Những chiều gió,

Ly cà phê nhìn tôi bằng những giọt đen

Nước chân cầu trôi mãi trôi mãi

Về đâu về đâu

Em hay phố hay đất trời đã đổi thay?

Những chiều gió

Hoa đầy phố

Ly cà phê hỏi tôi bằng những giọt đen

Phố hay người đã khác ngày xưa?

Làm đau lòng ai?

Em hay phố hay đất trời

Hay là chính tôi, hay là chính tôi, hay là chính tôi

Đã khác xưa rồi?


Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >