Trang chủ arrow Âm nhạc dân tộc arrow SILI BỐC
SILI BỐC
22/09/2006

 

 Hát Sli (vả Sli) là một làn điệu đặc trưng của dân tộc Nùng. Có thể kể đến một số kiểu loại chính như: Người Nùng Cháo có Sli Slình làng, nguời Nùng Giang có Sli Giang, người Nùng Phàn slình có Sli bốc, sli Phàn slình… Sli bốc là một trong số những lối hát giao duyên hai bè của một số ngành Nùng ở vùng núi phía Bắc.

 

Đây là một hình thức hát đối đáp ngoài trời của thanh niên nam nữ để làm quen, tìm hiểu nhau trên đường đi chợ. Sli bốc được hát ứng khẩu, không trình tự với nội dung phong phú, chủ yếu là tình yêu nam nữ. Như thể loại hát đối đáp nam nữ người Việt, hát Sli bốc là hát đôi theo cặp hai nam hai nữ. Có một điều đặc biệt là kĩ thuật hát Sli bốc được sử dụng ở đây là kĩ thuật hát bè cao thấp.

Thực chất Sli (vả Sli) là một hình thức hát thơ (kiểu như Phong Slư của dân tộc Tày nhưng cơ bản khác nhau về mặt tính chất). Sli của đồng bào Nùng được coi là một thể loại trữ tình dùng trong các ngày hội, ngày chợ, ngày cưới, ngày vào nhà mới…

Trước đây, đã là người Nùng, hầu hết ai cũng biết hát Sli, yêu thích Sli bởi ngoài việc ví, đối … lời hát Sli còn được coi như tiếng hát giao duyên. Hát Sli thể hiện sự ứng đối tài hoa của mỗi người với những lời Sli ví von, bóng bẩy, tinh nghịch, xa xôi, ẩn chứa rất nhiều hàm ý… Đối với Sli giao duyên, thường do một đôi trai gái hoặc một vài đôi trai gái thể hiện theo lối đối đáp. Bao giờ cũng có người đứng ra Sli trước (kiểu mời gọi lĩnh xướng). Người hát trước thường là người có giọng vang, trong và phải có khả năng ứng đối khéo léo, tài tình và nhanh nhậy.

Khi bên này vừa ngừng tiếng Sli (hỏi) thì bên kia cũng phải có người nhanh chóng cất lời Sli để đáp lại. Lời Sli đôi khi không chỉ bao hàm nội dung mượt mà, tế nhị của chuyện tình cảm ấm nồng, đằm thắm của bao đôi trai gái mà còn có cả muôn mặt của đời sống như các hiện tượng tự nhiên, các mốc thời gian cùng sự kiện nhân vật và lịch sử… đôi khi có cả những lời chào mời sang trọng, những lời thách đố kiêu ngạo, đáng yêu… Về hình thức thể loại, nhìn chung Sli có những bài thơ có độ dài ngắn khác nhau. Có bài Sli chỉ khoảng 4 đến 8 câu, lại có những bài Sli dài đến hàng trăm câu, câu thơ thường chỉ có từ 5 đến 7 chữ. Vần của bài thơ được xác định bởi vần của chữ cuối cùng câu đầu tiên của bài thơ. Các chữ cuối cùng của các câu chẵn tiếp theo được gieo gối vần trên cơ sở hiệp vần với chữ cuối cùng câu đầu tiên. Thông thường vần trong bài Sli đều là thanh bằng. Chẳng hạn bài Hội chợ- Sli Phàn Slình ở hội chợ Xuân Dương(Na Rì): Vằn này bươn sham háng nhì hả Dỉ noọng quẩy sẩy mại cần mà Shíp nhì bươn pi vằn toọc Đếch kế Sli cốc tèo mà lầy… (Hôm nay ngày hội 25 tháng 3 Anh em ở gần xa về dự Cả năm chỉ có một ngày như thế Trẻ già, trai gái tới cùng vui…).

Có thể nói, Sli là một làn điệu mang đậm dấu ấn bản sắc của đồng bào dân tộc Nùng. Đến nay, người biết hát Sli không nhiều, nhất là Sli theo đúng nguyên bản ngày xưa. Đây chính là nét văn hóa đặc sắc rất cần được bảo tồn và phát huy.

Nguyễn Hạnh ( Tổng hợp)
 


Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >