Trang chủ arrow Âm nhạc dân tộc arrow ĐÀN TRANH
ĐÀN TRANH
22/09/2006

 Đàn Tranh vốn là một cây đàn xuất xứ từ đất nước Trung Hoa mà theo một số sử liệu là từ thời nhà Tần (秦). Trong sách Phong tục thông khảo chép rằng: “ Đàn tranh nghe đồng âm ra tiếng Tần, có người cho rằng là do tướng Mông Điềm làm ra”.

 

Có lẽ vì thế chăng mà sau này để miêu tả tiếng đàn trong Hán tự xuất hiện khá nhiều chữ Hán có âm đọc gần giống chữ Tần (秦) như 琤,筝,錚,鬇,掙 đều đọc là Tranh, và đặc biệt trong đó là một số chữ mang thành tố Tần làm tượng thanh mà chỉ thêm các bộ ngọc 玉, bộ kim金, bộ khẩu 口 để lấy ý mà thôi. Âu việc đó cũng cần nhờ đến các nhà nghiên cứu. Xét về hình dáng, đàn dài 6 thước (1.20m) gồm 12 dây tương ứng 12 ngựa tượng trưng cho 12 tháng trong năm.

Có một suy đoán là vào đời nhà Thanh, đàn được thêm 4 dây nữa tương ứng với 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, cộng lại là 16 dây, nhân đó được gọi là Thập Lục. Ở các nước Nhật Bản, Triều Tiên cũng có loại đàn gần giống. Ở Việt Nam, đàn Tranh là một trong những nhạc cụ cổ truyền được nhiều người ưa thích nhưng không dễ gì tập luyện. Ở miền Bắc đàn này thường được gọi dưới cái tên là Thập Lục thay cho cái tên là đàn Tranh. Đàn này nghe nói xuất hiện từ thế kỉ 13 và thường được hoà tấu trong dàn Ngũ tuyệt, dàn Tài tử. Đàn còn được dùng đệm hát, ngâm thơ cho một số nhạc khí khác như Sáo, Nguyệt, Nhị độc tấu. Đàn Tranh là nhạc khí thuộc bộ Dây, âm vực cao, có phong cách diễn tấu thoải mái, vui tươi, không quá mạnh mẽ. Âm sắc đàn Tranh trong trẻo, tươi sáng lung linh, mảnh mai và trữ tình. Khi chơi các bài nhạc cổ, người chơi đàn Tranh cần nắm vững phong cách từng thể loại: Nhạc Chèo, ca Huế, Cải lương, Tuồng v.v…


Trong Nhạc Chèo có một số bài hát, trổ hát hay đoạn nhạc hoàn toàn giống nhau hoặc có hiện tượng giống nhau được sắp xếp theo một số hệ thống làn điệu: hệ thống Sắp, hệ thống Đường trường, hệ thống Sử, hệ thống Hề… Nhạc Chèo có rất nhiều làn điệu và được chia thành hai loại chính: Xuân (vui), Nam (buồn). Loại Xuân có những làn điệu Hát cách, Sa lệch, Đường trường, Hát sắp, Hề mồi…Tính âm nhạc vui tươi, rộn ràng pha chút châm biếm nhẹ nhàng, hóm hỉnh. Loại Nam thường có tốc độ chậm chạp như Trần tình,… Phần nhạc Huế, hệ thống bài bản được chia làm hai loại: Bắc và Nam. Các bài bản theo điệu Bắc mang tính vui khoẻ, rộn ràng như Lưu thuỷ, Cổ bản…

Các bài bản theo điệu Nam thường có tốc độ chậm hơn, diễn tả sự êm dịu, nỗi buồn sâu lắng như Nam bình, Nam ca… Trong nhạc Cải lương, cần phân biệt ba loại hơi. Đó là hơi Bắc, hơi Nam và hơi Oán. Hơi Bắc mang tính chất vui khoẻ, trang nghiêm, pha chút rộn ràng. Tiếng đàn dày, chắc, gọn gàng như Tây Thi, Xàng xê, Xuân tình… Hơi Nam tính chất trữ tình, duyên dáng, sâu lắng. Tiếng đàn mềm mại, tiếng rung nhẹ ngân dài, nhấn luyến ngọt ngào, uyển chuyển như Nam xuân, Nam ai,… Hơi Oán tính chất nỉ non, ai oán, nhớ nhung, não nùng. Tiếng đàn đục tối, lúc gay gắt, lúc dồn dập. Cách sử dụng tay trái với các kĩ thuật nhấn, rung, luyến, vỗ… như Trường Tương tư Văn Thiên Tường… Tốc độ chơi các bài Oán thường chậm. Với màu âm và hình thức cổ kính, độc đáo, khả năng biểu hiện tinh tế, đàn Tranh càng ngày càng được đông đảo mọi người yêu thích và luyện tập.

Trịnh Vân Hải (Tổng hợp)


Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >