Trang chủ arrow Dư luận arrow TỨ HẢI - NƠI SÓNG SÁNH TÌNH BẠN
TỨ HẢI - NƠI SÓNG SÁNH TÌNH BẠN
03/01/2008

LAO ĐỘNG  THỨ NĂM NGÀY 24 THÁNG 2 NĂM 2005    SỐ 54/2005
TRANG HÀ NỘI

BẠN CÓ THÍCH

 Cái tên quán là từ câu “Tứ Hải giai huynh đệ", bốn biển đều là anh em. Họa sỹ Phạm Minh Hải đã viết một bức thư pháp lớn câu này tặng chủ quán, bức thư pháp được treo trang trọng từ ngày khai trương gần một năm trước.

Chủ quán vốn cũng là một tay phiêu bạt, mê y lý, không uống được nhiều nhưng lại chuyên kiếm được rượu ngon. Đến một ngày, bạn bè thấy căn nhà nhỏ của anh nép bên một ngôi chùa cổ ở Hà Nội không đủ chỗ cho những cuộc đàm đạo không ai muốn dứt nữa, bèn “ xui “ anh mở quán. Khó kiếm cái tên nào cho quán hay hơn tên Tứ Hải, cũng là tên ông chủ, lại đúng với cái tình của bạn bè dành cho anh và của anh với bạn bè.

Quán rượu kiểu dân tộc thì mọc lên nhan nhản ở Hà Nội, nhưng ở Tứ Hải người ta tìm thấy nhiều cái đặc sắc. Mê nhất là thửa đất ông bạn cho mượn mở quán ở ngoài bãi Tứ Liên, nên lúc nào cũng hứng gió sông Hồng thổi vào lồng lộng, tinh khiết. Đến với quán là đến với một thú ẩm thực tinh tế, nơi mà mỗi be rượu sóng sánh đều do chủ quán tự ngâm chế chứ không phải đi cất ở đâu cả. Vốn hay bốc thuốc trị bệnh nên anh Hải biết rõ dược tính của từng vị thuốc hay khi kết hợp chúng với nhau. Rượu Phục thần, Cúc hoa, Sâm kỷ tử, Cẩu tích, rượu Tắc kè, rượu Tằm, dù chế từ loại cây cỏ hay từ con, thì mỗi loại đều là một vị thuốc, uống vào êm nhẹ, mà say, mà thơm.

Mùa đông rét mướt thì ông chủ lại hâm nóng rượu, từng chén hạt mít thơm phức khiến khách cứ tưởng mình đến được Hạnh Hoa Thôn trong thơ Đỗ Phủ. Khách cũng sẽ rất thích ngắm những chum rượu lớn hạ thổ ngay ngoài vườn dọc theo lối vào. Không biết dấu vết thời gian của những chiếc chum thường là chum cũ mua ở các làng cổ quanh Hà Nội, có ủ thêm men nồng cho rượu! khách sành uống đến đây một lần hẳn thế nào cũng quay lại. Lại được tay đầu bếp khéo gia giảm món ăn và hôm nào gặp bà vợ chủ quán tự ướp và nướng cho món cá nướng Điện Biên thì thôi rồi, vị cay thơm của thứ gia vị đặc biệt còn quấn quýt mãi.

Đến với Tứ Hải, khách đôi lúc cứ bâng khuâng như trở về quá khứ khi ngắm những bức thư pháp của bạn bè viết tặng, những món đồ cổ, đồ cũ mà chủ quán sưu tập từ gần hai chục năm nay. Và ít có lúc nào quán vắng tiếng đàn tiếng sáo, của từng nhóm khách hay là của chính chủ quán. Tối thứ sáu nào ở đây cũng là đêm Quan họ.Có những ông khách nước ngoài mê tít khi được dẫn đến Tứ Hải, bởi họ được chìm vào không gian văn hoá Việt. Ngoài sân còn có một mộc nhân để ông chủ quán và đám bạn võ tập các buổi sáng.

“Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu" – uống rượu gặp tri kỷ thì ngàn chén vẫn là ít. Đường thi xưa đã nói thế. Nhưng đến với Tứ Hải quán, người sành rượu chỉ muốn thưởng từng nhấp một, lắng nghe sự nồng nàn của tình bằng hữu, của đam mê.

QUÂN NGỌC


Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >