Trang chủ arrow Đông y khái luận arrow THUYẾT ÂM DƯƠNG - NGŨ HÀNH TRONG "HẢI THƯỢNG Y TÔNG TÂM LĨNH"
THUYẾT ÂM DƯƠNG - NGŨ HÀNH TRONG "HẢI THƯỢNG Y TÔNG TÂM LĨNH"
27/12/2007

 

 Kể từ sau khi xuất hiện tác phẩm Hoàng đế nội kinh tố vấn và với ảnh hưởng mạnh mẽ của tác phẩm này, thuyết âm dương - ngũ hành ngày càng được các nhà tư tưởng phát triển và vận dụng vào nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có lĩnh vực y học ở Trung Quốc và một số nước phương Đông khác. Thuyết âm dương - Ngũ hành sau khi vào Việt Nam đã được các nhà tư tưởng Việt Nam tích cực tiếp nhận và vận dụng hết sức sáng tạo trong thực tiễn. Một trong những tấm gương tiêu biểu của sự vận dụng sáng tạo thuyết âm dương - ngũ hành vào việc phát triển nền y học nước ta là đại danh y, nhà lý luận y học Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, với tác phẩm y học đồ sộ Hải Thượng Y tông tâm lĩnh, gồm 28 tập, 66 quyển.

 

Y học cổ truyền Việt Nam được hình thành ngay từ buổi đầu dựng nước và ngày càng phát triển trong cuộc đấu tranh chống bệnh tật, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ nhân dân. Cũng như y học cổ truyền Trung Quốc, cơ sở để xây dựng lý luận y học cổ truyền Việt Nam không tách rời học thuyết âm dương - ngũ hành. Thuyết này được du nhập vào Việt Nam từ rất sớm và được nhiều nhà tư tưởng vận dụng để triển khai các vấn đề y học cổ truyền, cả trên phương diện lý luận lẫn thực tiễn lâm sàng. Song sự vận dụng đó thường mang tính phiến diện, hoặc không để lại trước tác cho đời sau, hoặc có để lại nhưng đã thất truyền. Chỉ đến thế kỷ XVIII, khi bộ Hải Thượng Y tông tâm lĩnh của Lê Hữu Trác xuất hiện, thuyết âm dương - Ngũ hành mới thực sự được đề cập một cách sâu sắc, toàn diện để xem xét mọi vấn đề của y học đương thời với tư cách là một cơ sở triết học quan trọng của y học. Đây là tác phẩm y học đầu tiên trong lịch sử y học Việt Nam đã tạo ra sự gắn bó chặt chẽ giữa việc xây dựng và phát triển tri thức y học với thế giới quan và phương pháp luận triết học. Trong tác phẩm này, Lê Hữu Trác đã dành một phần quan trọng để trình bày sự nhận thức, cũng như những quan điểm riêng của mình về thuyết âm dương - ngũ hàng. Thuyết âm dương - Ngũ hành là một học thuyết có tầm quan trọng đặc biệt trong việc đặt cơ sở xây dựng lý luận và thực hành lâm sàng đối với y học cổ truyền phương Đông. Thuyết này đã được ông đề cập trong hầu hết các tác tác phẩm y học của mình, trong đó chủ yếu tập trung vào các quyển: Khôn hoá thái chân, Nội kinh yếu chỉ, Đạo lưu dư vận, Y gia quan miện, Y hải cầu nguyên, Huyền tẫn phát vi, Vận khí bí điền… Đặc biệt, trong cuốn Y gia quan niệm, ông dành hẳn một mục riêng (âm dương - ngũ hành) để bàn sâu hơn về học thuyết này. Điều đó cho thấy, ông coi trọng vai trò của thuyết âm dương - ngũ hành đối với việc nhận thức và triển khai hệ thống lý luận y học như thế nào. Ông nói: "Học Kinh Dịch đã rồi mới nói tới chuyện làm thuốc nhưng nói học Kinh Dịch không phải là học những quẻ, những hào, những từ của Kinh Dịch mà cần học để biết quy luật biến hoá của âm dương, quy luật sinh khắc của ngũ hành tựa như chiếc vòng không đầu không cuối. Vì bệnh tật phát sinh ra đều do sự thịnh suy của âm dương và do sự thắng phục của Ngũ hành. Nghề làm thuốc đâu có thể vượt ra ngoài nguyên lý của âm dương - Ngũ hành mà cứu chữa được những bệnh tật nguy nan”.

Kế thừa những tư tưởng hợp lý của người xưa, đặc biệt là tư tưởng âm dương - ngũ hành trong Kinh Dịch và Nội kinh, ông đã nêu lên quá trình phát triển tự nhiên của thế giới vật chất. Với tư cách là nhà lý luận y học kiêm lâm sàng học, ông đã chứng minh nguồn gốc tự nhiên của con người bằng việc giải thích và kiểm nghiệm các quá trình bệnh sinh, bệnh lý của con người, từ chức năng sinh lý đến nguyên nhân bệnh sinh. Từ đó, ông nêu ra phương pháp chẩn đoán, phòng và trị bệnh cho con người.

Theo ông, tuy không nhìn thấy được âm dương, nhưng chúng ta lại hiểu được nó thông qua các biểu hiện hình tượng của nó. Chẳng hạn, mặt trời là dương, mặt trăng là âm, ban ngày là dương, ban đêm là âm, ánh sáng là dương, bóng tôi là âm. Ông nói: nóng rét là đức năng của âm dương, Thuỷ hoả là dấu hiệu của âm dương". Âm dương tuy đối lập song tồn tại không tách rời nhau. Trong âm có dương, trong dương có âm, "âm ở trong để trấn thủ cho dương, dương ở ngoài để bảo vệ cho âm", "âm cực sinh dương, dương cực sinh âm"...

Khi bàn về chức năng sinh lý của con người, Lãn ông khẳng định: Tất cả các bộ phận trong cơ thể con người đều không tách rời khỏi hai mặt âm dương. Từ các bộ phận trong cơ thể con người đến chức năng sinh lý là một khối thống nhất của các yếu tố âm dương - ngũ hành. Theo ông, cơ thể bình thường là cơ thể có sự hài hoà giữa hai mặt âm dương, đồng thời tuân theo quy luật "sinh khắc, chế hoá của ngũ hành". Một khi thế quân bình của âm dương bị phá vỡ, sự sinh khắc, chế hoá của Ngũ hành bất bình thường thì cơ thể sẽ nảy sinh các hiện tượng “cang hại thừa chế” (do Ngũ hành "thái quá” hay "bất cập").

Trong sự đa dạng của các mối liên hệ trong cơ thể, Lãn ông đặc biệt nhấn mạnh đến mối liên hệ giữa yếu tố thể xác và yếu tố tinh thần. Ông dứt khoát đứng trên lập trường duy vật khi khẳng định: Cái thể xác là cơ sở để sinh ra cái tinh thần, "cái thất tình (tức cái tinh thần) tuy là loại vô hình nhưng cũng do cái hữu hình (thể xác) sinh ra". Song, tinh thần có ảnh hưởng ngược trở lại đối với thể xác - "mừng quá thì tổn thương tâm, giận quá thì thổn thương can". Vì vậy, cần phải đùng phương pháp "bổ thần" nhằm giữ cho tư tưởng được ổn định, yên tĩnh, tinh khí được cố thủ ở trong thì hư tà không thể làm hại được.

Theo Lãn ông, cơ thể con người không chỉ là một bộ phận của giới tự nhiên, mà bản thân nó cũng là một khối thống nhất. Khi mới sinh ra, con người vốn không có bệnh tật, nhưng trong quá trình tồn tại và sinh hoạt, các mặt âm dương, khí huyết trong cơ thể con người trở nên "thiên lệch" thì bệnh tật bắt đầu nảy sinh. Xuất phất từ cách nhìn đó, Lãn ông đã xây dựng lý thuyết điều trị chủ về Thuỷ hoả rất nổi tiếng dựa trên những nguyên tắc căn bản được thể hiện trong Kinh Dịch. Theo ông, Thuỷ hoả là gốc sinh ra con người, Thuỷ hoả phải cân bằng mà không nên chênh lệch, nên hoà hợp mà không nên phân chia. Đó là nguyên tắc tương giao tương hợp giữa Thủy và Hoả trong giới tự nhiên mà Kinh Dịch và Nội kinh đều đã  đề cập đến. Trong quan niệm về Thuỷ hoả, ông cho rằng, hai quả thận trong cơ thể con người ta đã hợp lại thành một "Đồ thái cực”. Hai quả thận đều thuộc hành Thủy, bên trái là âm thủy, bên phải là dương thủy, giữa là "Đồ thái cực", là "mệnh môn", là cửa ngõ của sinh mệnh thuộc Hoả (nằm trong tạng thủy). Ông nói: "Người không có hoả ấy thì không thể sống được".

Dựa trên quan niệm Thuỷ hoả hay quan niệm tâm thận như trên, ông đã đề ra một đường lối "trị bệnh đã lâu, phải giữ ngay phương Bắc". Ông sử dụng hai bài bổ thận trong cổ phương là “Lục vị" và "Bát vị" để điều chỉnh âm dương (Thuỷ hoả). Nhờ đó, đã thu nhiều kết quả cho những bệnh hiểm nghèo.

Âm dương, Thuỷ hoả là những khái niệm rất trọng yếu trong lý luật y học cổ truyền. Trong Kinh Dịch và Nội kinh quan niệm về âm dương có cách diễn đạt khác nhau, song nội dung lại giống nhau ở chỗ, âm dương là những phạm trù triết học căn bản, dùng để khái quát các sự vật và hiện tượng có xu hướng, tính chất và những thuộc tính đối lập, mâu thuẫn nhưng thống nhất với nhau. Với ý nghĩa đó, "âm dương có tên nhưng không có hình". Trong Kinh Dịch, các tác giả đã dùng sự đối lập, thống nhất của hai thuộc tính được gọi là âm và dương để nói lên quy luật và nguyên nhân cơ bản trong biến hoá của vạn vật. Trong lịch sử triết học Trung Quốc, các phái Nho gia, Đạo gia ở thời kỳ cổ đại và phái Lý học gia sau này đều có cách hiểu về âm dương như thế. Trong Nội kinh, quan niệm về âm dương có thể khái quát thành hai phương diện: Một là, âm dương đại diện cho hai thuộc tính đối lập, xác định như ánh sáng và bóng tối, bên trong và bên ngoài, cái nóng và cái lạnh... Hai là, âm dương đại diện cho hai trạng thái hay hai loại vận động đối lập như "đi" là dương, "dừng" là âm, "động" là dương, "tĩnh" là âm... Sau này, Lê Hữu Trác cũng khẳng định: "âm dương là một danh từ trừu tượng", vũ trụ vận động từ chỗ vô cực (mù mịt, hỗn độn) đến thái cực rồi sinh ra âm dương. Âm dương không những dùng để chỉ một sự vật nhất định, mà nó có trong tất cả vạn vật. Nếu như âm dương là phạm trù trừu tượng thì Thuỷ hoả lại là phạm trù cụ thể. Vì thế, quan niệm về âm dương luôn gắn với quan niệm về Thuỷ hoả. Thuỷ hoả là đấu hiệu của âm dương, là thực thể của âm dương. Kế thừa các quan điểm, hợp lý về mối quan hệ giữa âm dương, Thuỷ hoả được 'thể hiện trong Kinh Dịch, đặc biệt là trong Nội kinh và với phương pháp tư duy độc lập, sáng tạo. Lê Hữu Trác đã làm phong phú thêm lý thuyết Thuỷ hoả của mình trong thực tiễn y học Việt Nam. Theo ông, vì tính của hoả thời bốc lên nên phải khiến cho nó đi xuống, tính của thủy thấm xuống nên phải khiến cho nó đi lên. Thủy lên, hoả xuống như thế gọi là giao nhau, tức là Thuỷ hoả "ký tế”. Thuỷ hoả "ký tế” thì âm dương bình hoà, Thuỷ hoả tách rời nhau (vị tế) thì âm dương chia lìa, sinh mạng người có nguy cơ bị đe doạ. Người thầy thuốc giỏi là phải biết được vị trí và quy luật lên xuống của Thuỷ hoả mà điều chỉnh âm dương cho phù hợp. Nếu người chân âm thịnh thì phải bổ chân dương, khí âm nhờ đó mà theo khí dương bay lên. Lãn ông khuyên, bổ âm để củng cố chân thủy, nên dùng bài Lục vị, còn để củng cố chân hoả của thận thì dùng Bát vị.

Có thể nói, quan niệm của Lê Hữu Trác về Thuỷ hoả với phương hướng điều trị lấy việc bồi bổ cơ thể làm chính mà trước hết là bổ thận, đã trở thành luồng tư tưởng quán xuyến trong hầu hết các chương mục của bộ Hải thượng Y tông tâm lĩnh. Chính trên cơ sở khoa học đó mà ông có nhiều sáng kiến và chế tạo ra nhiều phương thuốc độc đáo, phù hợp với thực tiễn lâm sàng ở Việt Nam, như phương: Bổ thổ cố trung, Phù âm liễm dương, Bổ tỳ âm, các bài giải biểu...

Thành công đó, là một minh chứng cho thái độ nghiêm túc trong nghiên cứu khoa học cùng với phong cách tư duy độc lập, sáng tạo của Lê Hữu Trác.

Qua tác phẩm y học của ông, lý thuyết âm dương - ngũ hành đã được vận dụng và phát triển thêm một bước mới. Nó khẳng định vai trò không thể thiếu được của thuyết này trong việc vận dụng và phát triển y học cổ truyền phương Đông.


Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >