Trang chủ arrow Dư luận arrow Chủ quán rượu tự chế kính thiên văn
Chủ quán rượu tự chế kính thiên văn
26/12/2007

01:15' 28/03/2007 (GMT+7) 

(VietNamNet) - Chủ một quán rượu tại Hà Nội vừa có sáng kiến tự chế một kính thiên văn để khách đến quán vừa nhấm rượu, vừa quan sát miệng núi lửa trên Mặt Trăng…Câu chuyện bắt đầu từ ý tưởng tổ chức "Đêm thiên văn" tại quán rượu.
 

 

Anh Hải bên chiếc kính tự chế.


Người đó là anh Trịnh Văn Hải, 41 tuổi, chủ quán rượu Tứ Hải, ngõ 124/55, đường Âu Cơ.

Quán rượu của anh có đặc điểm như một quán rượu dân tộc. Khách vào ngồi dưới sàn trải chiếu hoa. Trên là mái lá. Nhân viên phục vụ ăn mặc quần áo dân tộc. Khung cảnh đó tạo cho khách cảm giác đi về vùng xa, nơi có nhiều người dân tộc sinh sống.

Vài tháng trước đây, anh Hải bỗng nảy ra một ý tưởng tổ chức "Đêm thiên văn" cho khách đến quán rượu của mình có thể ngắm trực tiếp… chị Hằng!.

Kính thiên văn từ thấu kính cũ, ống nhựa PVC…

Nhưng để có thể tận mắt ngắm cung trăng thì việc đầu tiên là… phải có kính thiên văn! Loại kính thiên văn nhập từ Âu, Mỹ khá đắt, còn kính thiên văn Trung Quốc tuy rẻ nhưng không thật sự tiện dụng cho mọi người quan sát bầu trời. Vậy là, anh Hải nghĩ đến việc tự chế một kính thiên văn.

Có điểm thuận lợi, anh Hải vốn là một cán bộ cơ khí của ĐH Bách Khoa Hà Nội. Vì thế, anh tự tin khi bắt tay thực hiện ý tưởng của mình. Thoạt tiên, anh lang thang tìm tòi trên internet thông tin về kính thiên văn. Sau nhiều ngày lang thang trên mạng, anh Hải “câu kết” được anh Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch câu lạc bộ thiên văn Việt Nam. Sau đó, anh Hải rủ rê anh Sơn làm cố vấn cho mình trong việc làm một kính thiên văn tự chế theo đúng nhu cầu và sở thích của mình. Nghe rủ rê làm một kính thiên văn, nghe chừng trúng sở thích, ông chủ tịch Câu lạc bộ Thiên văn Việt Nam Đặng Vũ Tuấn Sơn, mới chỉ khoảng 25 tuổi hào hứng nhận lời ngay!

Ống kính tự chế từ nhựa PVC với chiều dài 120cm.


Vậy là anh chủ quán rượu cùng ông chủ tịch trẻ của Câu lạc bộ Thiên văn Việt Nam loay hoay làm kế hoạch, thiết kế kính thiên văn tự chế!

Các anh đã tìm đến các cửa hàng bán đồ cũ để tìm loại kính vừa ý có thể làm thấu kính cho chiếc kính thiên văn tự chế của mình. Đó phải là một loại kính tốt, khi ánh sáng đi qua mà kính vẫn không bị nhòe màu. Tìm mãi, các anh cũng tậu được một kính vừa ý để làm thấu kính cho chiếc kính thiên văn của mình.

Có kính rồi, lại phải nghĩ đến cổ đỡ kính, chân kính. Để cho kính được nhẹ và rẻ, các anh đã chọn… ống nhựa PVC để làm chân kính, chứ không phải bằng kim loại hay vật liệu đặc biệt như kính ngoại!

Ống nhựa PVC vừa nhẹ, dễ làm và thuận lợi cho việc di chuyển mà vẫn đảm bảo được khả năng "ngắm nhìn"… Đúng là một sáng kiến kiểu Việt Nam!

Quyết làm cho kính xoay mọi hướng!


Chiếc cố kính có thể xoay mọi hướng với thiết kế khớp xương đùi và vít tai hồng dễ dàng cho việc tháo lắp không cần vít.
 
Khó khăn nhất mà các anh gặp phải khi tự làm kính thiên văn là làm thế nào để kính có thể xoay chuyển mọi hướng, giúp người quan sát được thuận lợi khi ngắm nhìn bầu trời.
Anh Hải cho biết hầu hết những chiếc kính thiên văn của Trung Quốc và ngoại nhập hiện nay đều có điểm hạn chế là phần cổ của kính chỉ xoay được hai hướng lên và xuống.

Còn nếu người quan sát muốn quay kính sang phải, sang trái để ngắm bầu trời thì chỉ có nước... khom người, bợ luôn cả đế kính để xoay hướng!

Tưởng dễ, nhưng mất nhiều bận tìm tòi, nghiên cứu, anh Hải cùng với một người bạn nữa cũng là dân cơ khí mới thiết kế được chiếc cổ xoay của kính thiên văn. Áp dụng nguyên lý khớp quay của xương đùi, các anh đã dùng nắm đấm của cầu thang kẹp giữa hai miếng sắt làm trụ quay, hai bên là bốn chiếc vít tai hồng để chiếc cổ của kính dễ dàng cho việc tháo ra, lắp vào.

Chiếc kính thiên văn đã ra đời sau gần sáu tháng nghiên cứu với những đặc điểm giống hệt những chiếc kính thiên văn chuyên nghiệp của Trung Quốc hay của các nước khác. Nhưng lại có một số ưu điểm nổi trội hơn bởi chúng có thể xoay được mọi hướng mà không cần.. xoay cả đế. Kính có chiều dài 120 cm, chiều cao của kính là 185 cm và có thể điều chỉnh theo chiều cao của người xem mà không cần phải cúi xuống hay nhón chân lên.

Khao khát một “Đêm thiên văn”

Anh Đặng Vũ Tuấn Sơn cho biết, với chiếc kính thiên văn tự chế này có thể nhìn thấy Mặt Trăng tương đối rõ, nhất là những đêm khoảng 6 - 10 âm lịch. Có thể nhìn thấy nhiều miệng núi lửa, lỗ thiên thạch cỡ lớn trên Mặt Trăng. Ngoài ra, qua kính này, cũng có thể nhìn thấy các hành tinh gần của hệ Mặt Trời như Sao Kim, Sao Hỏa, Sao Mộc.

Đặc biệt, các anh cũng đã nhìn thấy được thấy bốn chấm chuyển động xung quanh Sao Mộc, hành tinh lớn nhất trong hệ Mặt Trời. Đó chính là bốn vệ tinh lớn nhất mà trước đây Galilê đã nhìn thấy bằng chiếc kính thiên văn đầu tiên trên thế giới.

Theo anh Sơn, qua việc hợp tác với anh Hải để làm kính thiên văn tự chế, câu lạc bộ thiên văn Việt Nam rất muốn lưu giữ sản phẩm tự chế này như một sản phẩm riêng, mang tính độc đáo của người Việt Nam, không muốn mang chúng ra làm kinh doanh thương mại. Một việc làm mang tính khích lệ đối với ước muốn đẩy mạnh hơn nữa phong trào học hỏi thiên văn ở Việt Nam.

Khi được hỏi tại sao các anh không mua kính thiên văn của Trung Quốc lại mày mò tự làm? anh Hải, nói: "Ở Việt Nam hiện nay, chưa có một công ty hay một tổ chức cá nhân nào đứng ra nhập trực tiếp kính thiên văn về Việt Nam và bán ra thị trường. Chỉ có một số người nghiệp dư mua về bán lại cho người khác với giá 1,5 triệu đồng. Còn kính thiên văn loại tốt của các nước châu Âu thì giá khá đắt, khoảng trên 300 USD (tương đương với 4,8 triệu đồng).

Trong khi đó, chiếc kính thiên văn tự chế do các anh làm ra chỉ phải chi phí vật tư khoảng … 1 triệu đồng.

Anh Hải tâm sự, “Tôi thật sự mong muốn khách đến quán sẽ có được cảm nhận hòa mình vào vũ trụ…”. Thế nhưng, rất tiếc, trong khoảng thời gian này, trời Hà Nội lại ảm đạm, mưa nhiều nên anh chưa thể tổ chức một “Đêm thiên văn” cho khách đến quán như mong muốn của mình.

Một số hình ảnh kính thiên văn tự chế

 Choãi chân kính ra

Dựng chân kính thẳng

Lắp ốc cổ kính vào

Lắp ống cổ kính vào

Vặn ốc cổ kính vào ống kính



Và... ngắm chị Hằng

Bài và ảnh: Ngọc Huyền


Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >