Trang chủ arrow Khí công dưỡng sinh arrow CHÂM NGÔN CỦA MỌI HÀNH ĐỘNG DƯỠNG SINH CỔ TRUYỀN VIỆT NAM
CHÂM NGÔN CỦA MỌI HÀNH ĐỘNG DƯỠNG SINH CỔ TRUYỀN VIỆT NAM
25/10/2007

Image


Thời đại ngày nay "Dưỡng sinh" là một nhu cầu của mọi lứa tuổi ở người Việt Nam. Bất cứ ở đâu, lúc nào, khi tiến hành hành động dưỡng sinh, người ta lại nghĩ ngay đến câu ca lục bát của thiền sư Tuệ Tĩnh như một châm ngôn bất hủ:

"Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần
Thanh tâm quả dục, thủ chân , luyện hình"

Câu ca thiền sư Tuệ Tĩnh nêu trên chính là thứ tự trước sau, trên, dưới khi rèn luyện thể chất của người phương Đông xưa. Chúng ta cần lần theo các tài liệu cổ nói về vấn đề này để làm rõ hơn giá trị của nội dung trên.


1. BẾ TINH

Phép dưỡng sinh trong sách CHÂM CỨU ĐẠI THÀNH nói về sự cần thiết phải bế tinh như sau: "Người ta bẩm thụ khí của trời đất mà có sự sống, cả tinh của thái cực ngụ ở đó..." . "Con người lấy tình để dụ dỗ, lấy vật để lôi kéo, lấy cái hữu hạn để làm trời thật, theo cái vô cùng để phóng túng tình dục, tiêu hao tinh ngày càng quá lắm. Trong không có chủ thì một bày tà cưỡi lên mà bách bệnh hoành hành, như một cái động mở bốn cửa để nạp đầy thêm bệnh, mấy nỗi mà không đưa đến hại?"."Thường làm chủ được thân mình thì doanh vệ đi khắp vòng quanh, tà không thể tự vào. Cái phong, hàn, thử, thấp kia ví như ta có thành vững chắc, nó chỉ như kẻ cướp ở ngoài. Tuy gót chân chúng luôn đến nhòm ngó, nhưng nghiệt ngã thay! làm sao mà chúng đạt được mong muốn bừa bãi ấy? Nếu đi gọi thầy thuốc án mạch, theo phương làm tễ, liệu bỗng chốc mà thu được công hiệu làm cho trở lại như cũ hay sao?. Nếu kẻ cướp đến mới ngăn cản, làm sao bằng không có kẻ cướp đến để không phải ngăn cản? Bệnh đến mà chữa làm sao bằng không có bệnh để mà phải chữa. Cũng như việc cầu vàng, đá quí mà thường mắc cái bệnh bất túc, làm sao được như cầu cái tinh của thân ta mà ta tự có thừa?".

Tiên thánh nói: "Trời đất đại quí là Châu ngọc, thân người đại quí là Tinh thần...". Sách Tố Nữ Kinh nói về cái lợi của việc bế tinh như sau:

"Động lần thứ nhất mà không cho chảy ra thì : Khí lực mạnh.

Động lần thứ hai mà không cho chảy ra thì: Tai tinh mắt sáng.

Động lần thứ ba mà không cho chảy ra thì: Mọi thứ bệnh tiêu trừ.

 Động lần thứ tư mà không cho chảy ra thì: Năm thần được yên.

 Động lần thứ năm mà không cho chảy ra thì: Huyết mạch được đầy đủ và lớn.

 Động lần thứ sáu mà không cho chảy ra thì: Lưng dưới lưng trên rắn cứng.

 Động lần thứ bẩy mà không cho chảy ra thì: Xương đuôi và mông thêm sức. 

 Động lần thứ tám mà không cho chảy ra thì: Thân thể sinh ra ánh sáng.

 Động lần thứ chín mà không cho chảy ra thì: Mạng sống lâu chưa đến điểm giữa.

 Động lần thứ mười mà không cho chảy ra thì: Thông với thần minh".

Bành Tổ nói về hiện tượng xuất tinh có hại cho cơ thể người như sau: "tinh xuất thì cơ thể mệt mỏi, tai kêu ù ù, mắt mỏi muốn ngủ, hầu họng khô khan, các khớp xương như rời ra, tuy có đem lại cái khoái cảm tạm thời, nhưng rốt cục lại không vui..."

Qua số đoạn văn kể trên, chúng ta thấy biện pháp bế tinh đúng là đứng đầu về sự luyện tập giữ gìn sức khỏe và nâng cao tiềm năng con người. 

2. DƯỠNG KHÍ

Dưỡng  khí là phép nuôi dưỡng khí của công năng tạng phủ, để cho các tạng phủ được khoẻ mạnh mà giữ gìn sự sống, năm tạng phủ khoẻ mạnh thì năm thần của tạng phủ được trong sáng, nhanh nhạy. Sách Châm Cứu Đại Thành nói về phép dưỡng khí như sau: "Đã không đói mà ăn mạnh thì tỳ mệt, không khát mà uống mạnh thì dạ chướng. Ăn quá no thì khí mạch không thông, ăn quá ít thì thân gầy, Tâm bâng khuâng, ý nghĩ không vững chắc. Ăn vật tanh đục thì tâm thức hôn mê (mờ tối), muốn ngồi tưởng nhớ cũng không yên, ăn vật không phù hợp thì tứ đại ly phản (khí, huyết, tinh, thần rời ngược nhau) mà động đến bệnh cũ, đều không phải là vệ sinh. Nêu một câu làm ví dụ: " Ăn tất phải có giờ, uống tất phải có mức, không no không đói là được". Người ăn uống như vậy,không chỉ tỳ vỵ thuần sạch mà ngũ tạng, lục phủ cũng điều hoà.

Kinh nói rằng: "Tỳ thổ vượng có thể sinh ra vạn vật, suy thì sinh ra bách bệnh". Ngày xưa Tô Đông Pha (nhà tư tưởng, nhà thơ lớn của Trung Quốc) để điều hoà Tỳ thổ ăn không quá một miếng thịt, uống không quá một chén rượu. Có người mời ép ông ăn uống, ông thưa rằng: "Một là an phận để dưỡng phúc, hai là khoan vị để dưỡng khí, ba là giảm phí để dưỡng của".

Qua số đoạn văn kể trên, chúng ta thấy dưỡng khí chính là thông qua phép giữ gìn khi ăn uống để dưỡng khí của tạng phủ.

3. TỒN THẦN

Thần trong Đông Y Học là một khái niệm chỉ về hiện tượng hoạt động sống của con người, nó bao gồm Tinh thần, Ý thức, Tri giác, vận động...Thần do tinh tiên thiên sinh thành. Lúc phôi thai hình thành thần của sinh mạng cũng đã sinh ra rồi. Vì vậy Thần tuy là một khái niệm trừu tượng nhưng nó có cơ sở vật chất nhất định.

Quan hệ giữa Tinh, Khí và Thần là điều kiện chủ yếu duy trì hoạt động sống. Mạng sống của con người bắt đầu từ Tinh, duy trì mạng sống nhờ ở Khí, chủ soái sinh mạng nhờ ở Thần.

Tinh là cơ sở của thần
Khí là hóa sinh của tinh
Thần là biểu hiện của khí

Tinh nhiều, Khí đủ thì Thần vượng. Ngược lại Tinh hao, Khí tổn thì Thần suy. Ba thứ Tinh, Khí, Thần, thịnh hay suy có quan hệ tới sự khoẻ hay yếu của con người, quan hệ tới sự tồn vong của mạng sống. Do đó người xưa gọi Tinh, Khí, Thần là "Tam Bảo" của con người. Sách Linh Khu có chỗ nói: "mất Thần thì chết, được Thần thì sống".

Đó là những định nghĩa và vai trò của Thần trong mạng sống. Muốn tồn Thần tức là Thần còn ở trong thân, chúng ta phải biết giữ gìn không làm tổn hại đến Thần.

Sách CHÂM CỨU ĐẠI THÀNH  nói về dưỡng sinh tinh thần như sau: " ....Nhưng nếu không trừ lục hại, không giữ được thập thiểu thì tuy luyện tập dưỡng sinh, kinh mạch, tạng phủ, có thể giảm bớt được bệnh tật, nhưng cuối cùng là đạo lớn thì mệt mỏi ".

THẾ NÀO LÀ LỤC HẠI (sáu cái hại) ?

-Nhất viết: Bạc danh lợi (coi nhẹ cái danh và cái lợi)

-Nhị viết: Cấm thanh sắc (cấm sa đà vào lời hát khéo và thanh sắc)

-Tam viết: Liêm hoá tài ( giữ trong sạch về tiền và của )

-Tứ viết: Tổn tư vị (giảm bớt thức ăn nhiều béo bổ)

-Ngũ viết: Bình hư vọng (dẹp những mong muốn hão huyền)

-Lục viết: Trừ tật đố (trừ bỏ hẳn thói ghen ghét)

Sáu cái đó mà còn vướng một là chưa hợp vệ sinh. Tuy lòng cầu mong điệu lý, miệng niệm chân Kinh, mồm nhai anh hoa (đồ ăn thanh đạm tinh tuý), thở hít cảnh tượng, cũng không thể bổ thêm cái đã mất.

NHƯ THẾ NÀO LÀ THẬP THIỂU?

-Nhất viết: Thiểu tư (ít lo nghĩ thừa)

-Nhị viết: Thiểu niệm (ít tự nhắc nhở thầm những cái đã qua)

-Tam viết: Thiểu tiếu (ít cười cợt)

-Ngũ viết: Thiểu ẩm (ít uống rượu)

-Lục viết: Thiểu lộ (ít nổi cáu)

-Thất viết: Thiểu lạc (ít vui mừng)

-Bát viết: Thiểu sầu (ít buồn rầu)

-Cửu viết: Thiểu hảo (ít ham muốn)

-Thập viết: Thiểu cơ (ít để quá đói)

BỞI VÌ: Phàm nghĩ nhiều thì Thần tán (Thần tan ra). Nhắc nhở nhiều thì Tâm lao (Tâm bị mệt). Cười nhiều thì Phế phủ phiên (phổi bị nghiêng lệch). Nói nhiều thì Khí Huyết hư hao. Uống rượu nhiều thì thương Thần, tổn thọ. Cáu nhiều thì tấu lý bôn phù (nếp nhăn nổi chạy). Vui nhiều thì tâm thần tà đãng (tâm thần lệch lạc). Rầu rĩ nhiều thì đầu diện tiêu khô (đầu mặt bơ phờ). Ham muốn nhiều thì chí khí hội tán (chí khí tan vỡ). Đói nhiều thì trí lực trầm mê (mất khả năng suy nghĩ). Đây là những thứ tìm người để sống, nó rất búa rìu, tính chất ăn người ta mạnh như lang sói. Người biết giữ vệ sinh phải tránh xa cái đó.

4. THANH TÂM

Thanh Tâm là làm cho Tâm trong sạch, Tâm mát. Sách CHÂM CỨU ĐẠI THÀNH viết: " Tâm là chủ soái của toàn thân, đầu đường sinh tử. Tâm sống, mọi thứ muốn sống mà Thần không nhập khí. Tâm tĩnh thì mọi thứ muốn tĩnh mà Thần với Khí hoà hợp nhau ".

Sách lại viết: "Theo Thái Huyền Dưỡng Sớ: Tâm tạng ở sâu, đúng là cái gốc của sự nhanh nhậy, Thần không ngoài chỗ đó, Tâm bị lôi kéo ở việc thì hỏa động ở trong ".

Về phép luyện để được thanh Tâm, sách chép rằng: "....Người ta thường ngồi yên tĩnh, điều nhịp thở ở Tim, ăn nóng tránh lạnh, thường buông mi che mắt, đem ánh sáng chiếu vào trong, giáng Tâm hoả xuống đan điền, làm cho Thần và Khí hoà hợp nhau "Mối quan hệ nhịp thở, nhịp Tim và ý nghĩ được khoa học về khí công nêu ra như sau: "Nhịp thở quyết định nhịp tim, nhịp tim quyết định ý nghĩ, ý nghĩ quyết định nhịp thở". Do vậy muốn nhịp tim ổn định, dẹp ý nghĩ vẩn vơ (tạp niệm) để cho ý nghĩ ổn định. Thật là một diệu pháp của khi công.

5. QUẢ DỤC

Dục là ham muốn, quả dục là ít ham muốn. Cái hại của lòng ham muốn đã được sách CHÂM CỨU ĐẠI THÀNH  nói ở thiểu thứ chín trong thập thiểu ở từ "Thiểu hảo". Bởi vì ham muốn nhiều thì chí khí tan vỡ, người đang luyện tập thể chất với mục đích cao cả vì cuộc sống tốt đẹp cần phải giữ gìn tinh thần vệ sinh như trên. Đây là cả một quá trình lâu dài, gian khổ, cần đòi hỏi một chí khí bền vững, nếu vì ham muốn đã hại tới chí khí, ta phải quyết tâm gạt bỏ nó, để cho chí khí của ta đủ sức đưa ta tới thành công trong luyện tập và thành công trong cuộc sống.

6. THỦ CHÂN

Chân là thật thà, tinh thành. Thủ chân là giữ vững tính thật thà. Chân thật là bản tính của đại tự nhiên, giữ được lòng chân thật là ta đã trở về với bản tính tự nhiên vốn có của tạo hoá ban cho ta. Nó là hạt nhân của một kênh thông tin có thể qui tụ, hấp dẫn mọi ưu ái của vũ trụ, sẵn sàng hỗ trợ cho sự sống của ta trong đại vũ trụ và cộng đồng xã hội lành mạnh.

7. LUYỆN HÌNH

Chúng ta ai cũng biết rằng luyện hình là công việc rèn luyện thể chất nói chung, thông qua các động tác hình thể. Nhưng luyện tập các động tác hình thể làm cho thân xác khoẻ mạnh cũng tác động trở lại làm cho tinh thần minh mẫn, khả năng hoạt động sống có ích được nâng cao, tiềm năng biến thành khả năng, khả năng biến thành tài năng. Bởi vì nó là một qui luật tất yếu của thành quả luyện tập mà lịch sử văn hóa của loài người đã là một minh chứng.

Ngày nay, luyện hình đang được chú trọng nghiên cứu phát triển để tập luyện nâng cao sức khoẻ, bổ trợ cho các hoạt động thể thao và đặc biệt khôi phục chức năng vận động đối với người cao tuổi.

Bài viết của thầy LÊ VĂN SỬU


Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước