Trang chủ arrow Tản mạn arrow NHAI
NHAI
06/10/2007
Image

Nhai là từ chỉ động tác khi đó một cá thể nói chung là động vật có vú dùng hàm răng của mình để nghiền nát thức ăn trước nuốt xuống dạ dày. NHAI chỉ đơn giản là thế, ấy vậy mà xung quanh chuyện đó lại có thật nhiều câu chuyện để kể.

 

Nhai trầu

Ai có thú về quê ngày nay thường nhìn thấy các cụ bà bỏm bẻm nhai trầu. Mọi người có thể nghĩ rằng đầu tiên đây là một thói quen giống như ngày nay chúng ta nhai Kẹo cao su vậy. Thế nhưng sự thực lại không hề đơn giản như vậy. Là một thứ có mặt trong mọi lễ nghi, sinh hoạt vui buồn, người xưa quan niệm: "Miếng trầu là đầu câu chuyện".

Y học cổ truyền coi trầu không là một vị thuốc quí dùng để đánh gió, chữa bỏng, rửa vết thương và chống viêm nhiễm. Theo Y học hiện đại, lá trầu có tính chất kháng sinh sát khuẩn mạnh. Như vậy nhai trầu còn có ý nghĩa như là một cách bảo vệ răng miệng của người xưa, hoàn toàn không phải vì dinh dưỡng. Trầu có vị cay thơm, trừ được mùi xú uế trong mồm, chặt được chân răng, đàn bà lấy thế làm đẹp. (Đào Duy Anh-Việt Nam văn hoá sử cương).

Ngoài giá trị để bảo vệ răng miệng, nhai trầu còn có tác dụng "Đỏ da thắm mắt", là cái duyên làm đẹp cho bao cô gái, bao thiếu phụ khi miếng trầu làm đôi môi tươi đỏ, gò má ửng hồng. Trong cảm giác hưng phấn lâng lâng, người phụ nữ yểu điệu nhẹ cong bờ môi như mọng hơn, như hờn dỗi càng tăng thêm vẻ duyên dáng, đa tình. Ngày nay tục nhai trầu cũng dần mất đi với tục nhuộm răng, chỉ còn thấy ở những người già hay những người đồng cốt hay trong các lễ tang ma, cưới hỏi.

Nhai kẹo cái thứ kẹo mà tôi muốn nhắc đến là Kẹo cao su. Cũng có thể nói nhai Kẹo cao su là một phương pháp cho răng thêm trắng đẹp, sạch sẽ. Sáng sớm, ăn bát Phở trước khi đi làm, nhai chiếc Kẹo cao su sẽ làm mất đi mùi hành tỏi, cho răng miệng thơm tho. Từ lâu ngành nha khoa đã khuyến cáo rằng nhai kẹo cao su không đường có thể hạn chế sâu răng do làm giảm nồng độ acid quanh chân răng.

Có ý kiến cho rằng nhai Kẹo cao su là phương pháp giết thời gian, cho đỡ cảm thấy sốt ruột trong một số trường hợp. Chính vì thế mà trong xã hội hiện đại với nhịp sống vội vã này, việc nhai Kẹo cao su không còn gì xa lạ nữa.Một thời, khi Kẹo cao su mới xuất hiện ở Việt Nam, trẻ em rất thích dùng Kẹo cao su thổi bong bóng, ai thổi được càng to thì càng thích.Chỉ có điều khi cầm chiếc Kẹo cao su lên thì mới thấy được ý thức của những người phương Tây được thể hiện rõ ràng qua dòng chữ Keep your country tidy (Hãy giữ vệ sinh) được ghi trên phong kẹo.

Thế nhưng dường như người ta cứ lờ đi điều đó mà vứt bừa bãi bã kẹo khắp nơi, có khi vô tình ngồi phải thì khó lòng mà tẩy sạch hết đi được. Việc nhai mà cũng liên quan đến nhiều thứ như thế đấy! Nhai kiểu Ta Hồi còn làm ở một cơ quan ngoại quốc, có một người Bỉ cứ thắc mắc rằng là tại sao người châu Á có thể cùng chấm vào một đĩa nước chấm bé xíu và nhai chả bao giờ ngậm miệng cả.

Đúng thật, người Việt Nam ta nói riêng và người châu Á nói chung thường mở miệng khi nhai nhưng xét cho cùng đó cũng là một thói quen tự ngàn xưa để lại. Có thể khi mở mồm thì những tiếng lép nhép phát ra sẽ vui tai hơn là khi mím mồm vậy!Nhai kiểu Tây Còn người phương Tây thì khi nhai lại mím miệng, họ cho rằng không thể nhai mà lại để cho đối phương thấy được hàm răng và thức ăn trong miệng.

Nhưng có lẽ hợp lý hơn nữa là khi nhai mím mồm như thế thì coi có vẻ vệ sinh hơn và ngoại giao hơn. Xu thế hiện nay, người châu Á đã chấp nhận lối nhai này của người phương Tây. Bây giờ đi tiếp khách, đa phần các chính khách không còn nhai lép nhép, húp soàn soạt nữa! 

Có câu chuyện vui kể về một nàng dâu ngày đầu tiên về nhà chồng trong bữa cơm thân mật đã nhai bắn phọt cả hạt cà vào mặt bố chồng. Không biết đó có phải là hậu quả của lối NHAI KIỂU TA không, nhưng rõ ràng là nàng dâu nọ thiếu kinh nghiệm trong việc nhai cà. Các cụ đã dạy kỹ rằng khi ăn món này phải quay núm cà vào trong miệng thì có nhai kiểu gì cũng không bắn ra được.Quả là chuyện NHAI thôi cũng thật rắc rối.

Nguyễn Hạnh


Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >