Trang chủ arrow Tản mạn arrow HÀ NỘI
HÀ NỘI
29/09/2007
Image

Phải nói rằng những gì còn sót lại trong cái tư duy cố thủ của triều đại trước đã không che nổi tầm mắt của vị vua đầu triều Lý.

 

Từ rất sớm Thái Tổ Lý Công Uẩn đã nhận định rằng thành Ðại La trong bài văn bất hủ Thiên Đô Chiếu: "…đất ấy rộng mà bằng phẳng, cao ráo mà sáng sủa... muôn vật cực kỳ giàu thịnh, đông vui, thật là trọng yếu để bốn phương sum họp” và vào tháng 7 năm Canh Tuất (1010) công việc dời đô được thực hiện.

Chính sử gia Ngô Thì Sĩ đã là người đồng cảm với vua Lý Thái Tổ một cách sâu sắc:"Ðất Long Ðỗ... gọi là nơi hình thắng của đất Việt thì không đâu bằng nơi đây... Vua Lý Thái Tổ thấy rõ ràng chỗ đó. Khi được nước, chưa nghĩ các việc khác, trước hết định đô ở đây làm căn bản dựng nước. Vì vậy trong hơn 200 năm thế nước ngày một mạnh. Các triều sau theo đó đều giữ được nước vững vàng".

Như vậy phải nói rằng từ xưa Thăng Long - Hà Nội trong con mắt chiến lược của các thiên tài thì đây là vùng đất lý tưởng về tự nhiên, cư dân, kinh tế, chính trị trong việc dựng đô. Cả một vùng đất đai màu mỡ có ưu thế khi các sông lớn tụ về đây rồi tỏa ra khắp đồng bằng, thuận lợi cho cả hai việc lên rừng và xuống biển ( Hươu nai gửi xuống, Cá chuồn gửi lên) tạo điều kiện cho bốn phương họp lại, bách nghệ phồn vinh. Chính đó cũng là những cơ sở để tạo nên những kỳ tích về văn hoá Việt Nam thời cổ.
 
Với nghề đúc đồng chúng ta biết tới "An Nam tứ đại khí"  (Bốn báu vật của nước Nam) trong đó có chuông Quy Ðiền và tháp Báo Thiên ở Thăng Long. Những cuộc khai quật mới đây tại Hà Nôi đã minh chứng rằng nghề gốm sứ một thời phát triển huy hoàng đã tạo ra những ngói vàng ngói bạc điểm tô cho các lớp mái cong yểu điệu của các cung điện chùa chiền.

Sách cổ còn miêu tả rằng : “…trong hội đèn Quảng Chiếu có đèn làm hình nhà sư, vặn máy biết giơ dùi đánh chuông, nghe tiếng sáo biết quay mặt lại. Trong hội đua thuyền trên sông Cái, có máy Kim ngao hình con rùa lớn bơi được trên mặt nước. Mắt rùa lúng liếng, miệng rùa phun nước, đầu rùa cử động biết cả cúi chào”. Và trường Ðại học đầu tiên của đất nước - Quốc Tử Giám - được thành lập chỉ sáu năm sau khi lập Văn Miếu. ( Theo nguồn của nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc)

Đời Trần, có viên quan là Ðặng Lộ tự làm ra cái máy tên gọi “Lung Linh Nghi” có thể quan sát bầu trời, vạch ra triền độ rõ ràng của các vì sao giúp cho việc soạn ra lịch riêng cho nước Việt. Ðời Lê sơ, Lương Thế Vinh soạn ra bôj sách toán học đồ sộ Đại Thành toán pháp đánh dấu bước phát triển của nền toán học nước nhà.

Thăng Long thời ấy có 36 phường với nhiều ngành nghề chuyên nghiệp như phường thì trồng hoa, phường thì trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa, phường nhuộm điều, phường làm quạt, phường là bến cảng, thuyền mạn ngược mạn xuôi, rồi thuyền Trung Hoa, Nhật Bản, Ấn Ðộ, Hà Lan... tới lui nhộn nhịp tạo ra cạnh "phồn hoa thứ nhất Long Thành" đã đi vào câu ca dao nổi tiếng.

Về mặt văn minh cũng có bước tiến bộ vượt bậc như tại Thăng Long, Nguyễn Trãi từng viết cáo Bình Ngô và làm thơ quốc âm. Nguyễn Giản Thanh soạn phú "Phụng thành xuân sắc" ca ngợi kinh kỳ là một nơi "văn vật thành danh". Rồi Ðặng Trần Côn viết "Chinh phụ ngâm" ở làng quê Kẻ Mọc, Nguyễn Gia Thiều viết "Cung oán ngâm khúc" bên bờ Hồ Tây, Hồ Xuân Hương ở chân núi Khán làm thơ lỡm đời, Nguyễn Du viết thơ về Hồ Tây, Hồ Giám. Trong làng hoa Nghi Tàm, Bà huyện Thanh Quan cũng làm những bài thơ lời đẹp, tình sâu. Rồi Thần Siêu, Thánh Quát mà tư cách và học vấn đã làm sáng danh cho kẻ sĩ Bắc Hà. (Theo nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc).

Về mặt  nghệ thuật, tranh dân gian Hàng Trống, Hàng Nón in đậm nét tươi vào thời gian. Nhạc và hát múa dân gian còn rung vang âm hưởng trong các phố phường Hòe Nhai, Hòa Mã, Giáo Phường. Và chính những gì hun đúc trong truyền thống cũng như tâm thức ấy đã tạo ra lối sống tinh tế, khoan hòa đầy chất văn hóa của người dân Hà Nội.

Cho tới thời Pháp thuộc, phong trào Ðông Kinh nghĩa thục nêu ngọn cờ văn hóa, giáo dục tiêu biểu cho tinh thần yêu nước của trí thức Hà Nội.

Báo chí Hà Nội cũng nhanh chóng phát triển sau cái nôi đầu tiên trong cả nước-Sài Gòn. Về mặt văn học phong trào Thơ mới bắt nguồn từ Hà Nội. Và nhóm Tự lực văn đoàn đã đưa văn xuôi Việt Nam bước vào thời kỳ hiện đại với rất nhiều cây bút từ Hà Nội.

Dòng Tân nhạc được Nguyễn Văn Tuyên soạn và trình diễn đầu tiên ở Hà Nội. Trường Mỹ thuật Ðông Dương mà một trong hai người sáng lập là Nam Sơn của Hà Nội đã đào tạo những họa sĩ hiện đại tài danh Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Lê Phổ... mở đầu cho nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Phim truyện đầu tiên ở Việt Nam là bộ phim Kim Vân Kiều làm năm 1921 do các diễn viên rạp Quảng Lạc thủ vai, quay ngoại cảnh ở làng Bưởi. Từ 1869 Hà Nội đã có hiệu ảnh ở gần Ô Quan Chưởng. (Theo nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc).

Nằm ở vị trí trọng yếu, tiếp thu nhiều nền văn hoá cộng với những vận động tự thân trong lòng mình, Hà Nội xưa nay vẫn luôn xứng đáng là một trung tâm văn hóa, mang dáng dấp của một vùng kinh kỳ nghìn năm văn hiến.

Nguyễn Hạnh (Theo một số tư liệu)


Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >