Trang chủ arrow Tản mạn arrow PHỐ HÀNG BẠC
PHỐ HÀNG BẠC
16/01/2007
 Được hình thành từ thế kỷ 18, tức đời Hậu Lê, thuộc giáp Nỗ Hạ, phường Đông Các. Vào nửa đầu của thế kỷ 19, Hàng Bạc thuộc đất các thôn Đông Thọ và Dũng Hãn, tổng Hữu Túc. Sau này, hai thôn trên sát nhập thành Dũng Thọ, tổng Đông Thọ.
 
Phải nói rằng đoạn phố từ ngã ba Mã Mây và Hàng Bè đến ngã tư Tạ Hiện – Đinh Liệt đa số là nhà cổ, nhà thấp theo kiến trúc xưa.
 
Vào thế kỷ 16 (Triều Lê Thành Tông), một thượng thư vốn người làng Trâu Khê (Bình Giang – Hải Dương) là Lê Xuân Tín được vua cho phép mở lò đúc bạc cho triều đình. Sau, ông đem họ hàng và người cùng làng ra Thăng Long mở xưởng bạc lớn (Ngày nay là 58 Hàng Bạc, gọi là Trương đình, cùng với Kim Ngân đình thờ Hiên Viên ở số nhà 42 là hai nơi tiếp các quan trên đến giao bạc đúc và nhận bạc nén). Chỗ này lan sang Mã Mây và ngõ Phất Lộc xưa gần bến sông, là nơi ăn hàng, thuyền bè đi lại.

Bởi thế ở đây người Trâu Khê rất nhiều. Hiện trong ngõ Hài Tượng còn một ngôi đền cũ gọi là Nội Miếu, tên chữ là Trâu Khê Vọng Từ.
 
Đầu đời Nguyễn, trường đúc bạc bị giải thể, việc đúc bạc nén triều đình giao cho trường đúc Huế; Hàng Bạc vẫn còn giữ nghề đổi bạc. Đến khi người Pháp chiếm Hà Nội, theo nghề nghiệp từng phường, đã gọi phố này là Rue des Changeurs (Phố những người đổi bạc).
 
Đoạn cuối phố ở phía tây, từ ngã tư Tạ Hiện - Đinh Liệt đến ngã tư Hàng Đào - Hàng Bồ là nơi tập trung của người làng Định Công di cư ra Thăng Long cũng làm nghề vàng bạc. Họ là những người thợ kim hoàn, tức là nhận đặt làm những đồ nữ trang như khuyên vàng, xà tích bạc, vòng xuyến, hoa, hột bằng vàng, khánh, vòng bạc...
 
Nguyễn Hạnh (Theo tư liệu Hà Nội)
 

Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >