Trang chủ arrow Nghệ thuật ẩm thực arrow BÁNH GIO
BÁNH GIO
11/01/2007
Image

Bánh Gio hay còn có tên là bánh Âm - một món bánh cổ truyền của dân tộc ta ở các tỉnh miền Bắc.

Theo quan niệm của ông cha ta từ xưa, tháng 5 âm lịch là tháng “độc giời” nhất. Giữa mùa hè oi bức dễ sinh ra dịch bệnh. Muốn phòng ngừa, phải dùng các thứ lá thuốc. Đối với món ăn, càng cần chế biến cho có sự hấp thụ các đặc tính của cây cỏ. Ăn các món ăn đó có tác dụng dễ tiêu hóa và giải nhiệt. Phong tục “giết sâu bọ” vào ngày tết Đoan Ngọ bằng cách ăn bánh gio xuất phát từ đó và trở thành nét văn hóa rất đẹp của nhân dân đồng bằng Bắc bộ.

Sách Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn viết: “ Tục nước nhà, lấy cây vừng, cây sở và cây ba đậu tiêu đem đốt ra gio ( tro) rồi bỏ gio ấy vào vạ, ngâm độ vài tháng, rồi lấy giấy lọc lấy nước trong, ngâm gạo qua một đêm, làm thức bánh gói trong lá dong, tước lạt cho nhỏ, cuốn chặt, đem nấu, vị thơm mát. Nếu lúc nấu cho thêm ít vỏ măng vào thì sắc bánh hồng hồng, trong trẻo, ăn rất ngon, gọi là Bánh Gio hay Bánh Tro.”

Có thuyết nói rằng người ta ăn Bánh Gio là theo phong tục nước Sở bên Trung Hoa vào ngày mùng 5 tháng 5 chế thứ bánh này đem buộc lạt xanh đỏ vứt xuống sông Mịch La để tế ông Khuất Nguyên, một nhà thơ yêu nước lớn thời cổ.

Để làm Bánh Gio, người ta phải chọn một thứ gạo ngon và điều quan trọng là làm sao chế được thứ nước ngâm gạo thật chuẩn. Có nhiều công thức pha chế thứ nước này nhưng theo kinh nghiệm của các cụ cho thấy rằng dù ở đâu thì cũng khó có thể thiếu được sự góp mặt của cây vừng và tầm gửi dọc. Khi nước đã pha chuẩn thì màu bánh cũng trở nên tươi tắn, trong trẻo lạ thường:

 Bánh Gio trong hổ phách
 Dẫu có đắt vẫn mua
 Bánh Gio vẩn nước dưa
 Dẫu có cho chẳng đắt

Ăn Bánh Gio thường người ta hay cho mật mía. Thứ mật thơm phức, vàng như mật ong này được khéo léo rưới lên đĩa bánh màu óng ả, trong suốt như long não, như pha lê hàng ngày vẫn theo cùng những đôi quang gánh rong ruổi khắp ngả đường, đến từng góc phố nhỏ, mang tặng cho người dân Hà thành cả bầu trời lúa gạo.

Nguyễn Hạnh


Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >