Trang chủ arrow Tản mạn arrow THÀNH NGỮ HÁN - VIỆT THƯỜNG DÙNG
THÀNH NGỮ HÁN - VIỆT THƯỜNG DÙNG
17/09/2006


Dưới đây là một số thành ngữ hay dùng trong tiếng Trung, hàm chứa những ý nghĩa sâu sắc của văn hoá Hoa Hạ cổ đại. Mỗi thành ngữ đều liên quan đến một câu chuyện trong những tác phẩm nổi tiếng. Tuy 29 thành ngữ chỉ là một con số rất nhỏ nhưng hy vọng sẽ đem đến cho mọi người một cái nhìn về đất nước Trung Hoa vĩ đại, huyền bí.


1. 不知人間有羞耻事 Bất tri nhân gian hữu tu sỉ sự: Không biết xấu hổ. Xuất xứ từ Âu Dương Văn Trung tập- Dữ Cao Tư gián thư. Trong đó có đoạn: “Hôm qua An Đạo bị biếm chức, Sư Lỗ phải chờ xử tội, thế mà túc hạ còn đi gặp gỡ các bậc sĩ đại phu, nghênh ngang trong triều, xưng là giám quan, thế có nghĩa là túc hạ không biết xấu hổ vậy”. Đây là thành ngữ Trung Quốc thường dùng để chê bai, quở trách những hạng người vô liêm sỉ, không còn biết xấu hổ là gì nữa.
 
2. 不自量力 Bất tự lượng lực: Không biết tự lượng sức mình. Xuất xứ từ Chiến quốc sách, phần Tề sách, có đoạn: Thuần Vu Khôn đến nước Tề. Vua hỏi: “ Sao lại gặp ở Kinh?”. Khôn đáp: “Nước Kinh rất mạnh, mà nước Tiết lại không tự lượng sức mình”. Đây là thành ngữ chỉ những người, những hành động biểu hiện tự trong bản thân một cá thể không tự đánh giá được khả năng của chính mình.
 
3. 不为五斗米折腰 Bất vị ngũ đấu mễ chiết yêu: Xuất xứ từ Tấn Thư, truyện về Đào Uyên Minh, trong đó có đoạn: “ Tiềm than rằng: Ta không thể vì năm đấu gạo mà khom lưng, chỉ tha thiết làm hạng tiểu nhân trong thôn xóm mà thôi!”. “Năm đấu gạo” chỉ bổng lộc ít ỏi của quan lại. Khom lưng hành lễ là khuất mình thờ người. Thành ngữ này chỉ hành động của những con người thanh cao, không vì mưu sinh tầm thường mà chịu luồn nhục nhã.
 
4. 髀肉复生 Bễ nhục phục sinh: Xuất xứ từ truyện Tam Quốc chí quen thuộc. Trong đó có lần Lưu Bị nói: “ Ta thường thân không rời yên ngựa, thịt đùi chai lại. Nay không được cưỡi nữa. Thịt đùi béo xệ ra. Đây là thành ngữ chỉ sự ăn không ngồi rồi, nhàn rỗi quá lâu không chịu vận động, khiến thân thể phì nộn ra.
 
5. 病入膏肓 Bệnh nhập cao hoang: Bệnh tình nguy kịch, vô phương cứu chữa. Xuất xứ từ Tả truyện: “Bệnh nặng lắm rồi không thể chữa được, vào đến trên hoang (lớp màng trong cơ thể), dưới chỗ cao (màng nhờn trong cơ thể), như vậy là không thể trừ được, thuốc không tới được, không làm gì nổi”. Cao hoang là hai màng ở giữa hoành cách mô và tâm, thuốc không thể vào tới nơi được. Sau này dùng từ Bệnh nhập cao hoang chỉ bệnh tật vô phương cứu chữa, cũng chỉ sự việc đến tình thế không thể cứu vãn được nữa.
 
6. 疲于奔命 Bì vu bôn mệnh: Mệt mỏi rã rời. Từ dùng trong Tả truyện. Bôn mệnh là vâng mệnh đi thực hiện nhiệm vụ. Đây là thành ngữ chỉ người quá bận rộn mà kiệt sức mêt mỏi.
 
7. 变生肘腋 Biến sinh trửu dịch: Tai họa ngay dưới nách. Xuất xứ từ truyện Tam Quốc Chí: “ Gần thì có Tôn phu nhân sinh biến ở ngay dưới nách”. Dưới nách là chỉ nơi rất gần. Thành ngữ chỉ tai họa không phải ở xa xôi mà ở rất gần, gần như để ngay dưới nách vậy.
 
8. 別开生面 Biệt khai sinh diện: Mở ra một cục diện mới. Xuất xứ từ bài thơ Đan thanh dẫn tặng Tào tướng quân Bá: Lăng Yên công thần thiểu nhan sắc, tướng quân há bút khai sinh diện ( Lăng Yên công thần màu sắc nhạt, tướng quân phóng bút lại mới tinh). Khai sinh diện nguyên nghĩa chỉ một bức tranh ảm đạm nhưng lại có sức hút, bỗng chốc rực rỡ. Sau này để chỉ phong cách hay cục diện mới.
 
9. 別无长物 Biệt vô trường vật: Không có vật nào thừa cả, việc nào vào việc ấy. Xuất xứ từ Lưu Nghị Khánh triều nam Tống. Trường vật chỉ những đồ vật dư thừa. Câu thành ngữ này có ý nói các đồ vật đều có ích dụng, không một vật nào sinh ra trên thế gian này là thừa cả.
 
10. 兵不血刃 Binh bất huyết nhẫn: Gươm chưa dính máu. Xuất xứ từ Tuân tử- Nghị binh: “ Gươm không dinh máu mà xa gần đều qui phục”. Thành ngữ chỉ sự giành thắng lợi một cách nhanh chóng.
 
11. 兵不厌诈 Binh bất yếm trá: Việc binh tha hồ dối trá. Xuất xứ từ Hàn Phi Tử- Nan nhất: “ Trong chiến trận, tha hồ dối trá. Thành ngữ chỉ việc trong đạo dùng binh có thể dùng mọi cách kể cả nói dối để giành phần thắng. Còn có thể dị bản là Binh bất yếm quyền trong đó Quyền là quyền nghi, quyền biến, tuỳ lúc, tuỳ nơi hay tuỳ việc mà áp dụng linh hoạt các phương pháp biến thông mà thủ thắng.
 
12. 兵貴神速 Binh quí thần tốc: Tôn tử- Cửu địa: “Việc binh quí ở thần tốc. Đây là châm ngôn cho việc dùng binh. Dùng binh phải thần tốc, khiến kẻ địch khó lường trở tay không kịp.
 
13. 赔了夫人又折兵 Bồi liễu phu nhân hựu chiết binh: Mất cả chì lẫn chài. Xuất xứ từ truyện Tam Quốc diễn nghĩa, hồi thứ 55: “ Chu Lang diệu kế an thiên hạ, bồi liễu phu nhân hựu chiết binh.” ( Chu Lang bày kế yên thiên hạ, vừa mất phu nhân lại tổn binh). Bồi là tiền vốn mua bán; “Chiết” là thiệt hại; “Chiết binh” là hao binh tổn tướng. Đây là thành ngữ ý nói muốn chiếm lợi thế, nhưng lại bị tổn thất gấp bội.
 
14. 背城借一 Bối thành tá nhất: Quay lưng vào thành mà quyết một trận sống mái. Tả truyện: “ Thỉnh thu hợp dư tẫn, bối thành tá nhất”. ( Xin thu thập toàn quân, quyết chiến một trận). “Bối thành” là lưng đối diện với tường thành, ý nói không còn đường lui. “Tá nhất” là quyết chiến một trận cuối cùng. Thành ngữ này ý chỉ quyết tâm chiến đấu một trận cuối cùng để thoát ra khỏi nguy hiểm.
 
15. 蓬生麻中,不扶自直 Bồng sinh ma trung, bất phù tự trực: Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng. Xuất xứ từ Tuân tử: “ Bồng sinh ma trung, bất phù tự trực”. ( Cỏ bồng mọc lẫn cây đay, không đỡ vẫn thẳng). Bồng là một loại cỏ; Ma là cây đay, cây gai, là cây mọc thẳng, thân dài mà nhỏ. Thành ngữ trên mang ý nghĩa cỏ bồng mọc trong bụi đay, không cần đỡ vẫn thẳng. Thời xưa dùng chỉ những người sống giữa những người tốt ắt sẽ tốt hơn.
 
16. 各得其所 Các đắc kì sở: Ai yên phận nấy. Lời trong kinh Dịch- Hệ từ hạ; Hán thư Đông Phương Sóc truyện: “ Thế là từ đấy trong thiên hạ, dân chúng ai yên phận nấy.” Vốn thành ngữ này chỉ ai nấy đều thoả mãn nguyện vọng của mình. Sau chỉ người nào cũng đều được sắp đặt đúng chỗ.”.
 
17. 改弦易辙 Cải huyền dịch triệt: Đàn so lại dây, xe đổi lối cũ, ý thay đổi triệt để. Trong Dã Khách tùng thư- Trương Đỗ Giai hữu hậu của Vương Thụ đời Tống: “ Khiến cho con cháu ông đã “ Cải huyền dịch triệt”, chú trong khoan hậu, việc đó đủ để lấp được cái sai trước của người cha”. Dịch là thay đổi; Triệt là bánh xe, ở đây là con đường. Thành ngữ này ý chỉ sự thay đổi triệt để hoàn toàn lại phương hướng, kế hoạch hay cách làm trước.”.
 
18. 改过自新 Cải quá tự tân: Sửa sai đổi mới. Xuất xứ từ Sử kí- Biển Thước Thương Công liệt truyện: “ Tuy muốn sửa sai đổi mới, nhưng không được nghe theo, cuối cùng chẳng thể được”. Tự tân là biến mình thành người mới. Thành ngữ này ý là hối cải sai lầm, làm lại cuộc đời.
 
19. 感激涕零 Cảm kích thế linh: Cảm động rơi lệ. Trong Bình Thái hành của Lưu Vũ Tích có câu: “ Bên đường người già nhớ truyện cũ, nhìn nhau cảm kích lệ tuôn trào ( Lộ bàng lão nhân ức cựu sự, tương dữ cảm kích giai thế linh).
 
20. 高屋建瓴 Cao ốc kiến linh: Thế như trút nước,thế như chẻ tre. Xuất xứ từ Sử kí- Cao tổ bản kỉ: “ Tần trung địa thế tiện lợi, nếu đem quân xuống đánh với chư hầu thì có thế như người đứng trên nhà mà đổ chậu nước từ trên xuống, thế không ngăn được ( Cao ốc kiến linh)”. “Cao ốc kiến linh” là dội bình nước từ trên cao xuống, như thế thì có gì cản nổi không?
 
21. 高山流水 Cao sơn lưu thuỷ: Núi cao nước chảy, tri âm tri kỉ. Xuất xứ từ Liệt tử- Thang vấn thiên: “ Bá Nha gảy đàn nghĩ đến núi cao. Chung Tử Kì nói: “ Hay quá! Chót vót như núi Thái Sơn!” Bá Nha gảy đàn nghĩ đến nước chảy, Chung Tử Kì lại nói: “ Hay quá! Mênh mông như sông dài!” Thành ngữ chỉ bạn tri âm tri kỉ, cũng ví với khúc nhạc kì diệu.
 
22. 锦囊妙计Cẩm nang diệu kế: Kế sách kì diệu. Xuất xứ từ Tam quốc diễn nghĩa- hồi thứ 54: “ Khổng Minh bèn gọi Triệu Vân đến bên ghé vào tai mà dặn dò: Chuyến này nhà ngươi bảo hộ chúa công sang Đông Ngô nên mang theo ba chiếc túi gấm này, trong túi đựng ba diệu kế, cứ theo thứ tự mà làm!” Cẩm nang là các văn kiện cơ mật, hoặc túi lụa đựng thi cáo. Thành ngữ chỉ kế sách hay trong túi gấm. Ngày nay chỉ những biện pháp hay, kịp thời giải quyết những vấn đề cấp bách.
 
23. 噤若寒蝉 Cấm nhược hàn thiền: Câm bặt như ve sầu mùa đông, miệng câm như hến. Theo Hậu Hán thư-Đỗ Mật truyện”: Lưu Thắng là quan đại phu, nhưng biết người tài mà không tiến cử, thấy người ác mà không dám nói, chỉ mong bình an vô sự, như con ve sầu ngủ đông, như vậy là kẻ có tội!”
 
24. 近水楼台 Lâu đài gần nước: Xuất xứ từ Thanh Dạ lục của Du Văn Báo đời Tống: “Gần nước lâu đài trăng dọi trước, hướng dương hoa cỏ dễ xuân về” ( Cận thuỷ lâu đài tiên đắc nguyệt, hướng dương hoa mộc dị vi xuân). Thành ngữ ví những người sống gần, ơ gần dễ có điều kiện ưu tiên, cũng dùng để chỉ những ai đó lợi dụng địa vị của mình mà có được lợi ích ưu tiên nào đó. Sau hàm ý xấu, chê bai.
 
25. 篝 火狐鳴 Câu hoả hồ minh: Đốm lửa trong lồng làm giả tiếng cáo: Xuất xứ từ Sử kí- Trần Thiệp thế gia: “ Lại ngầm sai Ngô Quảng đến ngôi đền ở cạnh, cây cối um tùm, đang đêm thắp đèn lồng, giả tiếng cáo kêu rằng: “ Nước Sở nổi lên, Trần Thắng làm vua”. Thành ngữ này chỉ đốm lửa đặt trong lồng, ánh sáng mập mờ như lửa ma trơi, đồng thời lại giả tiếng cáo kêu. Vốn nghĩa là giả tiếng kêu của cáo để phát động khởi nghĩa.
 
26. 求田问舍 Cầu điền vấn xá: Mua ruộng tậu nhà. Xuất xứ từ Tam quốc chí- Ngụy thư- Trần Đăng truyện: “ Bị nói: “ Ông có danh vọng quốc sĩ. Nay thiên hạ đại loạn, ngôi vua đương nguy, mong ông lo nước quên nhà, nuôi chí cứu đời. Nhưng ông chỉ lo tậu ruộng mua nhà, lời nói tầm thường, nên bị Nguyên Long chê trách vậy”. Xá là căn phòng. Cầu điền vấn xá chỉ việc mong muốn mua ruộng tậu nhà. Hình dung với việc người chỉ biết tích cóp của cải mà không có chí lớn.
 
27. 狗尾续貂 Cẩu vĩ tục điêu: Đuôi chó thay chồn; Khố tải vá áo vóc; Đầu voi đuôi chuột. Xuất xứ từ Tấn thư- Triệu Vương Luân truyện: “ Lông đuôi chồn không đủ, thay bằng đuôi chó vậy”. Điêu là loại chồn có lông rất quí, thời cổ đại người hầu theo vua thường dùng đuôi của nó làm mũ. Thành ngữ này nguyên nghĩa châm biếm việc phong tước quá lạm. Sau chuyển nghĩa chỉ việc thay cái sau tồi hơn cái trước, trước sau không tương xứng với nhau.
 
28. 枕戈待旦 Chẩm qua đãi đán: Gối giáo đợi sáng. Xuất xứ từ Tấn thư- Lưu Côn truyện: “ Ta gối giáo đợi sáng, chí quyết diệt giặc, chỉ e Tổ Địch vung roi trước ta mà thôi”. Qua là một loại vũ khí thời xưa, ở Việt Nam gọi là cây giáo. Đán là trời sáng. Thành ngữ ý nói gối giáo đợi trời sáng, chí quyết diệt giặc, ví với ý quyết tâm tha thiết diệt giặc báo đền ơn nước, một giây khắc cũng không ngơi nghỉ.
 
29. 振臂一呼 Chấn tí nhất hô: Xuất xứ từ văn tuyển- Lý Lăng- đáp Tô Vũ thư: “ Nhưng Lý Lăng vẫn vung tay hô lớn, vết thương lại vỡ ra”. Thành ngữ trên có ý nghĩa là vung tay hô lớn, mong hiệu triệu mọi người.
 

Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >