Trang chủ arrow Âm nhạc dân tộc arrow PÍ PẶP
PÍ PẶP
01/11/2006
 Pí Pặp là nhạc cụ họ hơi, chi lưỡi gà. Đây là nhạc cụ rất phổ biến ở đồng bào dân tộc Thái, đặc biệt là Thái Tây Bắc.
 
Thân Pí Pặp là một ống nứa tép dài khoảng 30 - 35 cm, một đầu có mấu kín. Đường kính ống chừng 0,8 cm. Ngay xát mấu người ta khoét một lỗ hình chữ nhật kích thước 0,4 cm x 1,5 cm để đặt lưỡi gà đồng (lưỡi gà hình tam giác cân được cắt rời hai cạnh bên để dính lại phần đồng ở cạnh đáy). Trên thân ống có khoét 6 lỗ bấm, lỗ bấm trên cùng nằm ở mặt sau thân ống còn 5 lỗ tiếp theo nằm thẳng hàng với lưỡi gà. Mặc dù Pí Pặp có 6 lỗ bấm nhưng người ta chỉ bấm 5 lỗ. Mở dần các ngón ở 5 lỗ bấm ta sẽ có các âm : Si, Rê1, Fa1, Sol1, La1. Lỗ cuối cùng không bấm là lỗ thoát âm.

Khi thổi Pí Pặp, Thân Pí đặt ngang sang phải hơi chếch xuống, miệng ngậm kín phần ống có gắn lưỡi gà. Người thổi Pí Pặp thường thổi hơi luồn liên tục. Pí Pặp cũng có các kỹ thuật : Rung, luyến, láy, đánh lưỡi, nhấn hơi, vuốt hơi, nén hơi.

Âm thanh của Pí Pặp ấm nhưng rè, có pha chất âm bồi, tiếng trong, trữ tình giống như giọng hát của các cô gái.

Pí Pặp là nhạc cụ dùng trong sinh hoạt giao duyên. Nam giới sử dụng Pí đệm cho nữ giới hát. Cách đệm tòng rất giản đơn: những khi người hát ngưng nghỉ, người đệm Pí Pặp lấy giai điệu hát làm gian tấu. Tuy nhiên giai điệu này đã được người chơi ngẫu hứng biến tấu đi nhiều so với giai điệu hát. Chàng trai nào biến tấu càng giỏi thì sức hấp dẫn với bạn hát càng cao. Chính vì vậy mà Pí Pặp rất được trai gái dân tộc Thái yêu thích.
 
Nguyễn Hạnh (Theo tư liệu Âm nhạc)

Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >