Trang chủ arrow Âm nhạc dân tộc arrow PÍ LÈ
PÍ LÈ
01/11/2006

 Pí Lè là nhạc cụ thuộc họ hơi, chi dǎm kép, của dân tộc Thái ở huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.

 

Pí Lè có 4 bộ phận : Thân kèn, loa kèn, cọc dǎm và dǎm. Thân kèn là một ống rỗng hình trụ dài khoảng 30 cm, làm bằng gỗ cứng, trên thân ống có khoét 8 lỗ bấm hình tròn, 7 lỗ phía trước được bố trí với những khoảng cách gần như đều nhau tạo thành một hàng dọc, lỗ thứ 8 ở phía sau ngay gần cọc dǎm. Loa kèn làm bằng gỗ đẽo mỏng hình chóp cụt, đầu nhỏ của loa nối liền với ống kèn. Phần đầu nhỏ của ống kèn, người ta gắn một cọc cắm dǎm. Dǎm làm bằng ống sậy, hoặc làm bằng tổ sâu cắm vào cọc dǎm.

Âm vực của Pí Lè rộng 2 quãng 8 là các âm Đồ (đúng) - Rê (non) - Mi (non) - Fa (già) -Sol (đúng) - La ( non) - Si (non) - Đố (đúng).

Người ta thổi Pí Lè bằng cách ngậm gần hết phần dǎm, rồi lấy hơi đằng mũi, đẩy hơi ra miệng tác động vào dǎm kèn. Bằng cách luồn hơi liên tục như vậy, các nghệ nhân có thể thổi hàng giờ, không cần ngắt hơi. Khi diễn tấu tùy từng bài mà người ta áp dụng các kỹ thuật rung hơi, đánh lưỡi, vuốt hơi. Các ngón bấm như ngón láy, ngón vuốt, ngón rung vỗ.

Pí Lè là nhạc cụ dùng trong dàn nhạc nghi lễ phong tục của đồng bào Thái, do nam giới sử dụng. Đặc biệt Pí Lè được dùng nhiều nhất trong nhạc tang lễ. Hòa tấu với Pí Lè còn có chũm choẹ , thanh la to, thanh la nhỏ và trống. Tiếng Pí Lè không thể thiếu được trong các nghi lễ phong tục mang tính chất trang nghiêm và thiêng liêng của người Thái.

Nguyễn Hạnh (Theo tư liệu Âm nhạc)


Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >