Trang chủ arrow Bài viết arrow ĐẠI Y TÔN LÊ HỮU TRÁC
ĐẠI Y TÔN LÊ HỮU TRÁC
30/10/2007
Image

Hải Thượng Lãn Ông  Lê Hữu Trác là một trong những vị danh y của nước ta. Không những ông tích cực chữa bệnh cho người bệnh đương thời, ông còn soạn bộ " Y tông tâm lĩnh " cho đời sau. Học tập trước tác của ông, chúng ta cần tìm hiểu cuộc đời của ông và rút ra bài học lớn, những quan niệm đúng đắn của ông.

 

Tiểu sử

Lê hữu Trác sinh ngày 12 tháng 11 năm Canh Tý ( tức ngày 11-12-1720 ). Nguyên quán ở thôn Văn Xá, huyện Đường hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương ( nay là xã Liêu Xá, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên ). Năm 1746, ông về quê mẹ ở xứ Bầu Thượng, xã Tình Diệm ( nay là xã Sơn Quang, Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh ). Ông qua đời tại đó ngày rằm tháng giêng năm Tân Hợi ( 1791 ) - thọ 71 tuổi.

Hiệu " Hải Thượng " của ông ghép từ chữ " Hải " của tên tỉnh Hải Dương, và chữ " Thượng " của tên phủ Thượng Hồng, bạn của xứ Bầu Thượng. Lãn Ông có nghĩa là ông lười, người không ham danh lợi.

Ông xuất thân từ một gia đình khoa bảng. Ông nội là Lê Hữu Danh, đậu nhị giáp Tiến sĩ. Cha là Lê Hữu Mưu, đậu đệ tam tiến sĩ, anh là Lê Hữu Kiển, đậu đệ tam Tiến sĩ...Ông là con thứ bẩy, theo cha lên kinh thành Thăng Long ( nay là Thủ đô Hà Nội ). Hồi nhỏ ông đã nổi tiếng thông minh, học giỏi, thơ hay. Không may đến năm 20 tuổi ( năm Kỷ Mùi - 1739 ) cha mất, ông tiếp tục đọc sách, thi tam trường, sau đó không đi thi thêm trường nào nữa.

Ông học binh thư, luyện võ, vào quân đội chúa Trịnh năm 1740, ông cầm quân thường thắng trận, Thống tướng của chúa Trịnh muốn cất nhắc, nhưng ông không ham, lấy cớ nọ cớ kia mà từ chối. Nhân có tin anh ruột là Lê Hữu Chân chết để lại ba con nhỏ, ông xin xuất ngũ để về quê nuôi mẹ là bà Bùi Thị Thưởng, và giúp đỡ gia đình người anh.

Về quê không bao lâu ông ốm nặng, chữa chạy vài năm không khỏi, phải chuyển đến Rú thành ( ở Nghệ An ), được cụ Lương y Trần độc chữa bệnh ( 1749 ). Trong thời gian hơn một năm ở đó, nhân tính ham học hỏi, ông đọc sách thuốc, có điều gì không rõ được cụ Trần Độc giảng giải cho. Khi khỏi bệnh ông về nhà tiếp tục tìm sách đọc thêm, ông giao tiếp với một lương y khác cũng họ Trần ở làng Đậu Xá bên cạnh. Ông trao đổi học hỏi thêm vài năm nữa, và bắt đầu chữa bệnh, hành nghề. Mùa thu năm 1754 ông ra kinh đô mua thêm sách thuốc mang về Hương Sơn. Nhờ thông minh, chăm chỉ, có quết tâm theo hướng đã định, nghề thuốc có nhiều tiến bộ, ông nổi tiếng khắp vùng Hoan Châu ( nay là Nghệ Tĩnh ).

Năm 1760, ông viết sách và dạy thuốc cho môn đệ. Ngày 12 năm Cảnh Hưng 43 ( 1782 ) chúa Trịnh triệu ông ra kinh đô chữa bệnh cho Thế tử Trịnh Cán và chúa Trịnh. Tuy các bài thuốc ông kê ra đều có phần hiệu nghiệm, ông cũng không chắc là chữa khỏi được, vừa là bệnh khó vừa gặp sự đố kỵ của các Ngự y thời đó. Vốn không ham cảnh rộn rịp và đầy bất trắc ở nơi đế đô, ông tìm cách cáo về càng sớm càng tốt. Quả nhiên , ông về quê được ít lâu sau đã nghe tin Chánh Đường tức là Hoàng Đình Bảo, người giúp đỡ cho ông đã bị giết, vì liên quan đến phe Đặng Thị Huệ.

Về quê ông tiếp tục bổ xung bộ " Y tông tâm lĩnh ", và viết thêm bộ " Thượng kinh ký sự ". Tập này giúp thêm tư liệu văn học giá trị, phản ánh người và việc trong thời đại phong kiến lúc bấy giờ.

Trịnh Vân Hải
( Trích HẢI THƯỢNG Y TÔNG TÂM LĨNH )


Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >