Trang chủ arrow Dược học arrow Nhục quế (Phụ: Quan quế, Quế chi, Quế tâm)
Nhục quế (Phụ: Quan quế, Quế chi, Quế tâm)
10/12/2022
Nhục là chỗ gần gốc, rất dày, để chữa bệnh ở hạ tiêu, quan tức là phần giữa, dày vừa, để chữa bệnh ở trung tiêu. Chi tức là chỗ đầu cành nhỏ để chữa bệnh thượng tiêu, đó là căn cứ vào lẽ: Trời thì dẫn tới phần trên, đất thì vào phần dưới.

Khí vị: Quế có khí thơm, vị cay ngọt, tính nóng, có hơi độc, hoàn toàn là dương dược, vào hai kinh Can, Thận, kỵ lửa, hành sống và Xích thạch chi.

Chủ dụng: Cứu được khí nguyên dương đã lạnh lâu ngày, giúp ấm cho chứng tỳ vị hư hàn, ức chế can tà, thông lợi phế khí, bổ chứng ngũ lao trị chứng thất thương cứng gân xương, mạnh sinh dục, dưỡng tâm thần, thông huyết mạch, trị đau bụng, chữa chứng bôn đồn, sán khí, chấm dứt chứng hư phiền, thu liễm chứng hư hãn, nuôi tinh tuỷ, ấm lưng gối, chữa tê thấp, ho đờm, nhọt trong mũi, sáng mắt, điều hoà nhan sắc, tuyên thông khắp các kinh mạch. Khí của nó rất nồng hậu, có thể bổ sự bất túc của Mệnh môn chân hoả trong Thận, thúc độc ung nhọt, đậu mùa, lại có khả năng dẫn huyết làm mủ, dùng làm thuốc thôi sinh chỉ trong chốc lát là kiến hiệu y như dùng bàn tay đẩy thai xuống.

Hợp dụng: Theo sách Bản thảo tuy có nói hơi độc, nhưng cũng tuỳ loại mà phân hoá nếu dùng với Cầm, Liên làm sứ thì độc nhỏ ấy không làm gì được; dùng với Ô đầu, Phụ tử, Ba đậu, Can tất là sứ thì độc nhỏ ấy hoá thành độc to. Gặp Nhân sâm, Mạch môn, Cam thảo thì có khả năng điều hoà Tỳ, Vị, thêm khí mà có thể uống lâu; gặp được Sài hồ, Can địa hoàng thì có khả năng điều hoà phần vinh mà ngăn được chứng mửa ói.

Kỵ dụng: Người dương thịnh âm hư thì kiêng dùng.

* Quan quế:

Khí vị: Vị cay, tính ấm, không độc, hoàn toàn là dương dược, vào hai kinh Tâm, Tỳ.

Chủ dụng: Chữa bệnh trúng hàn, giết ba loại trùng, thông khí huyết, lợi khớp xương, chữa đau bụng, đau dạ, trừ chứng đau do gió lạnh, chủ trị chứng lao thương, bổ thêm cho trung khí, chữa đau họng, ho nghịch, khó thở, vả lại Quan quế chuyên chữa trung tiêu là thuốc đối chứng làm cho ấm gân, thông mạch, lợi khiếu và đau bụng.

* Quế chi

Khí vị: Vị cay, tính nóng và nhẹ, có độc nhẹ, khí nổi mà đưa lên, là dương dược, vào hai kinh Tỳ và Bàng quang.

Chủ dụng: Vị nhạt, thể nhẹ, đi lên đầu mặt, chữa chứng đau trong bụng, giải được chứng lạnh ngoài bì phu, điều hoà vinh vệ cơ biểu trị tê tay tê chân, giải tán phong hàn, không có mồ hôi thì làm cho ra mồ hôi, đã có mồ hôi thì làm cho cầm mồ hôi, đi ngang làm thuốc dẫn kinh cho tay chân, đi thẳng làm thuốc dẫn đạo cho chứng bôn đồn.

* Quế tâm (Gọt bỏ hết bì thô, dày, lấy phần bên trong có màu tía, rất ngọt là đúng).

Khí vị: Vị ngọt, tính ấm, là thuốc âm trong dương dược, công dụng bổ vào tâm huyết.

Chủ dụng: Giết được ba loại trùng, hạ được nhau sót, chữa chứng huyết xung lên, đau bụng hậu sản, ngăn được chứng thổ ra máu, mửa ra máu, thông kinh hành huyết, đạo trệ, có công năng bổ âm bổ dương, chữa chứng chân mềm nhũn cấu không biết đau và chứng trúng phong bán thân bất toại, nghiến răng, đờ lưỡi, tắt tiếng, có khả năng ôn bổ thận khí, lại chuyên chữa được đau vùng thượng vị; và dái sưng đau (thiên truỵ).

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
Tiếp >