Trang chủ arrow Âm nhạc dân tộc arrow HÁT CỎ LẨU
HÁT CỎ LẨU
03/10/2006
 

 Đây là một loại hình thơ ca dân gian khá phổ biến của người Nùng Phàn Slình (người Nùng Cháo gọi là Nai, người Nùng Giang gọi là lượn lẩu). Đó là những câu hát được dùng trong đám cưới của người Nùng. Những bài hát này được sử dụng tương tự như hát quan làng (thơ lẩu) của người Tày. Nội dung chủ yếu là kể chuyện đám cưới. Kể về một diễn trình trong đám cưới của người Nùng bắt đầu từ các bước ăn hỏi, xin số mệnh để so tuổi, báo mệnh hợp, lễ sêu tết cho đến lễ báo cưới, lễ cưới.


 

Cũng như bao dân tộc khác ngày cưới là ngày trọng đại, vui nhất trong đời mỗi người, cái vui ấy chan hoà trong mọi người ở mọi lứa tuổi. Vì vậy, nên phải có lời ca, tiếng hát phải có cỏ lẩu. Dẫu đám cưới là nơi ồn ào, náo nhiệt đông vui nhưng nếu lời ca của cỏ lẩu cất lên thì tất cả đều chăm chú lắng nghe. Về cơ bản cỏ lẩu có hai hình thức diễn xướng là diễn xướng giữa hai họ nhà trai và nhà gái, hai là diễn xướng đối đáp giữa bạn bè cô dâu và chú rể. Cũng như đám cưới người Tày, kể từ khi họ nhà trai đến cổng nhà cô dâu, muốn bày tỏ điều gì đều phải thông qua cỏ lẩu. Từ việc xin vào cổng, xin lên cầu thang, xin vào nhà, xin chỗ ngồi, xin cho chú rể vái lạy tổ tiên, ông bà, xin cho chú rể đi mời trầu thuốc… cho đến xin cho chú rể vào buồng đón cô dâu, xin cho chú rể được cùng cô dâu trở về nhà trai… đó là cỏ lẩu gắn liền với nghi lễ. Bên cạnh đó, cỏ lẩu cũng giúp bạn bè cô dâu chú rể tìm bạn và kết duyên. Nhìn chung, những bài cỏ lẩu hết sức chân thực, cụ thể và sinh động về hệ thống phong tục và nghi lễ trong đám cưới mà trong đó nhiều nhất ở gia đình đưa đón dâu. Ngoài ra, cỏ lẩu còn được coi là hệ thống bài ca có tính giáo huấn cao. Nó dạy cho con người sống tốt hơn, hướng thiện hơn, dạy cho con dâu, con rể biết thêm nhiều điều ứng xử trong cuộc sống mới.

Về mặt thể thơ, các bài cỏ lẩu phần nhiều được viết theo thể thơ 5 đến 7 chữ. Tuy nhiên vì cỏ lẩu là lối hát thơ ứng tác nên đôi khi cũng được sáng tác theo thể thơ tự do. Trong hệ thống lời ca, vẫn còn một số câu mẫu, hay nên phần đông các chàng trai, cô gái Nùng trước đây đều học thuộc. Song cái hay, cái sống động của cỏ lẩu hầu hết nằm ở chỗ khả năng ứng đối linh hoạt của người hát và lối ví von, so sánh mang đậm các giá trị nghệ thuật trong bản sắc văn hoá Nùng.

Nguyễn Hạnh ( Sưu tầm ) 


Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >