Trang chủ arrow Đông y khái luận arrow Chương hai mươi tám - THÔNG BÌNH HƯ THỰC LUẬN
Chương hai mươi tám - THÔNG BÌNH HƯ THỰC LUẬN
17/01/2019
KINH VĂN

 Hoàng Đế hỏi:

 - Sao gọi là hư thực?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Tà thịnh gọi là thực, tinh khí đoạt gọi là hư.

 Hoàng Đế hỏi:

 - Bệnh tình hư thực như thế nào?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Khí hư tức là Phế hư. Phàm khí nghịch thời chân lạnh. Nếu gặp thời sinh vượng của nó thời sống, đúng vào thời khắc của nó thời chết. Các Tàng khác đều theo một thông lệ như vậy.

 Hoàng Đế hỏi:

 - Sao gọi là trùng thực?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Tỷ như bệnh đại nhiệt, khí nhiệt, mạch mãn, gọi là trùng thực.

 Hoàng Đế hỏi:

 - Kinh, lạc đều thực điều trị như thế nào?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Kinh, lạc đều thực, tức là thốn mạch cấp mà xích mạch hoãn. Đều nên dùng châm để thích. Vậy hoạt là thuận, mà sắc là nghịch.

 Phàm hư thực đều theo vật loại trước. Cho nên hễ năm Tàng, xương thịt đều hoạt lợi, thời có thể sống lâu.

 Hoàng Đế hỏi:

 - Lạc khí bất túc, kinh khí hữu dư, thời như thế nào?
 
 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Nếu lạc khí bất túc, kinh khí hữu dư, thời thốn khẩu nhiệt mà xích hàn. Thu, đông là thuận, xuân, hạ là nghịch, nên theo kinh để điều trị.

 Hoàng Đế hỏi:

 - Kinh hư, lạc mãn thời như thế nào?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Kinh hư, lạc mãn thời xích bộ nhiệt mãn mà thốn khẩu hàn sắc.

 Hoàng Đế hỏi:

 - Trị chứng ấy thế nào?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Lạc mãn, kinh hư thời cứu ở âm mà thích ở dương; Kinh mãn, lạc hư thời thích ở âm mà cứu ở dương.

 Hoàng Đế hỏi:

 - Thế nào là trùng hư?

Kỳ Bá thưa rằng:

 - Mạch khí, thốn hư, xích hư thời gọi là trùng hư.

 Hoàng Đế hỏi:

 - Nên điều trị như thế nào?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Bệnh thuộc khí hư, nói năng bợt bạt. Nếu xích hư, thời bước đi lò dò.

 Phàm mạch hư, không giống với mạch âm hư. Vậy nếu hoạt thời sống, sắc thời chết.

 Hoàng Đế hỏi:

 - Hàn khí bốc lên mạnh, mạch mãn mà thực, thời như sao?

Kỳ Bá thưa rằng:

 - Thực mà hoạt, thời sống; thực mà nghịch, thời chết.

 Hoàng Đế hỏi:

 - Mạch thực và mãn, tay chân lạnh, đầu nóng, thời như thế nào?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Gặp mùa xuân mùa thu, thời sống, gặp mùa đông mùa hạ, thời chết. Nếu mạch phù sác, mà mình lại nhiệt, sẽ chết.

 Hoàng Đế hỏi:

 - Thân hình đều mãn (phù thũng), thời như thế nào?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Thân hình đều mãn, mạch cấp, đại và kiên, xích bộ lại sắc không tương ứng. Như vậy thuận thời sống, nghịch thời chết.

 Hoàng Đế hỏi:

 - Như thế nào?

 Kỳ Bá nói:

 - Tay chân ấm là thuận, tay chân lạnh là nghịch.

 Hoàng đế hỏi:

 - Đàn bà nuôi con, mắc bệnh nhiệt, mạch lại "tiểu" thời thế nào?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Tay chân nóng, thời sống, lạnh thời chết.

 Hoàng Đế hỏi:

 - Đàn bà nuôi con, trúng phong nhiệt, thở suyễn, rụt vai, mạch như thế nào?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Thở suyễn, rụt vai, mạch sẽ đại thực. Nếu hoãn thời sống, cấp thời chết.

 Hoàng Đế hỏi:

 - Trường tích (đại tiện nát), tiện ra huyết, như thế nào?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Mình nóng thời chết, mát thời sống.

 Hoàng Đế hỏi:

 - Trường tích ra lẫn bọt trắng, như thế nào?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Mạch trầm thời sống, phù thời chết.

 Hoàng Đế hỏi:

 - Trường tích mà ra lẫn mủ và máu thời thế nào?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Mạch tuyệt thời chết, hoạt đại thời sống.

 Hoàng Đế hỏi:

 - Về chứng trường tích, mình không nóng, mạch không tuyệt, thời như sao?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Nếu mạch hoạt, đại thời sống, sắc thời chết. Nên theo từng Tàng để dự đoán ngày chết.

 Hoàng Đế hỏi:

 - Mạch "điên tật" (bệnh điên, tựa kinh giản) như thế nào?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Mạch bật lên đại và hoạt, lâu ngày tự khỏi, nếu mạch tiểu, kiên và cấp, sẽ chết.

 Hoàng Đế hỏi:

 - Điên tật, mạch hư, thực thế nào?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Hư, thời có thể chữa khỏi, thực thời chết.

 Hoàng Đế hỏi:

 - Về chứng "tiểu đản" (mình nóng mà thân thể hao mòn), hư thực thế nào?

 Kỳ Bá thưa rằng:

 - Mạch thực và đại, bệnh dù lâu, có thể chữa; nếu tiểu viêm và kiên, dù lâu cũng không thể chữa.

 Hoàng Đế nói:

 - Mùa xuân nên kíp trị kinh lạc, mùa hạ nên kíp trị kinh du, mùa thu nên kíp trị sáu Phủ, mùa đông thuộc về thời bế tắc, nên dùng thuốc uống mà ít dùng châm thạch. Duy đối với chứng ung thư (mụn, nhọt) thời bất cứ mùa nào, phải dùng châm thạch ngay.

 Về chứng ung thư thuộc khí phận chưa định rõ nơi nào, mạch lúc lại lúc thôi, nên thích huyệt tam hối thuộc kinh với huyệt anh mạch, mỗi huyệt hai lần.

 Ung phát ra gần nách, thích kinh túc Thiếu dương, năm lần thích mà nhiệt không dứt, thích huyệt Thủ tâm chủ ba lần, và thích ở kinh lạc thuộc thủ Thái âm, nơi giáp giới đại cốt ba lần.

 Ung phát ra quá chóng, cân nhuyễn, đau ran ở trong bắp thịt; mồ hôi ở Phế toát ra không dứt, bào khí kém sút, nên thích kinh du.

 Về phúc bộ bạo mãn, án tay vào không dằn được xuống, nên thích ở kinh, lạc thủ Thái dương nơi đó thuộc về Vị mạc. Huyệt Thiếu âm du, cách đường xương sống ba tấc rưỡi, dùng châm tròn và sắc.

 Về bệnh hoắc loạn, thích huyệt Du bàng năm lần, thích túc Dương minh thượng bàng ba lần.

 Về bệnh giản, kinh, thích năm mạch; châm thủ Thái âm năm lần, Thái dương kinh ba lần, thích cạnh kinh lạc thủ Thiếu âm một lần, túc Dương minh một lần; cách trên "xương khoai" năm tấc ba châm.

 Phàm trị các chứng tiêu đản, bị ngã hoặc bị đánh; thiên khô, nuy quyết, khí mãn, phát nghịch. Những chứng đó, phần nhiều do hạng người giầu sang, béo tốt, ăn nhiều chất cao lương mà sinh ra. Nếu gặp chứng cách tắc bế tuyệt, trên dưới không thông, là do bạo ưu mà gây nên. Nếu bạo quyết mà điếc, thiên tắc không thông, do khí ở bên trong "bách" mà gây nên. Nếu không do các bệnh ở trong ngoài hoặc trúng phong, mà gầy còm yếu ớt, đó là do khí huyết không lưu thông. Nếu chân đi khó khăn, là do phong thấp gây nên.

 Các chứng hoàng đản, bạo thống, điên, quyết, cuồng... do khí "nghịch" đã lâu mà sinh ra; năm Tàng không quân bình do sáu Phủ vít lấp mà sinh ra; đầu nhức, tai ù, chín khiếu không lợi... do Trường vị sinh ra.


Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >