Trang chủ arrow Châm cứu án ma arrow 9. Bắt đầu và kết thúc (Chung thủy)
9. Bắt đầu và kết thúc (Chung thủy)
13/09/2018
Nội dung: Nói về các chứng mạch thốn khẩu và nhân nghinh, 3 kinh âm, 3 kinh dương và hư thực, bổ tả, lấy huyệt ít hay nhiều, thời gian châm...Nêu rõ cần dựa vào sự hư thực của chứng mạch để quyết định thủ thuật bổ hay tả, Nêu ra nguyên tắc tuần kinh, châm gần và châm xa, châm nông sâu, trước hay sau, cơ sở của nó là xem hàn hay nhiệt, thời mùa nào, thể chất của bệnh nhân, nơi châm. Nêu ra 12 loại cấm châm và triệu chứng của 12 loại cấm châm và triệu chứng của 12 kinh mạch tuyệt tận. Do đó nội dung của thiên này chủ yếu là giải thích các mặt sinh lý, bệnh lý, chẩn đoán, điều trị, từ bắt đầu đến kết thúc, những yếu tố, tính chất và tác dụng của các giai đoạn và phải nắm những quy luật biến hóa từ bắt đầu đến kết thúc đó để có cách châm đúng.

- Quy luật của châm được ghi ở thiên chung thủy (bắt đầu và kết thúc). Hiểu rõ nó thì lấy ngũ tạng là kỷ (cơ sở) rồi xác định (quan hệ của các kinh) âm dương. Kinh âm chủ tạng, kinh dương chủ phủ. Kinh dương nhận khí ở tứ chi, kinh âm nhận khí ở ngũ tạng, do đó tả thì ngược kinh, bổ thì thuận kinh, biết châm ngược, biết châm thuận thì có thể điều hòa được khí. Phương pháp điều hòa khí dựa trên cơ sở hiểu rõ (quy luật) âm dương.

- Ngũ tạng thuộc âm, lục phủ thuộc dương, lý luận này truyền cho đời sau, người đời sau phải quyết tâm học sâu nó. Người nào chuyên môn thì sẽ minh (có kết quả tốt), kẻ nào coi thường sẽ vong (không có kết quả). Nếu không dựa vào quy luật âm dương, chỉ dựa vào ý riêng sẽ gây tai họa trong điều trị.

- Cần nắm vững quy luật biến hóa của thiên nhiên. Bây giờ nói đến chung thủy (bắt đầu và kết thúc). Phải dựa vào kinh mạch, kinh mạch vi kỷ. Bắt mạch thốn khẩu ở tay (để biết ngũ tạng), và nhân nghinh (ở cổ) để biết sáu phủ, để có thể biết âm dương thừa hay thiếu, cân bằng hay không. Như vậy là đã nắm được quy luật (biến hóa) của thiên nhiên.

- Người bình thường không có bệnh thì cả 2 mạch (đại diện của âm dương) đều ứng với 4 mùa, mạch khí trên dưới tương ứng. Mạch đập của 6 kinh không kết, không động (tuần hoàn tốt). Bản (tạng) ngọn (kinh mạch) giữ nhau để hoạt động bình thường, tuy nóng lạnh thất thường song hình thể, cơ bắp, khí, huyết phải tương ứng, phải điều hòa thống nhất. Đó là người bình thường. Người có (nguyên) khí thiểu, 2 mạch đều yếu vô lực và (độ dài bình thường của mạch) không tương ứng với thốn xích, (bệnh tà) như vậy là âm dương đều hư, nếu bổ dương thì âm kiệt, nếu tả âm thì dương thoát. Và trường hợp đó dùng thuốc ngọt để điều hòa, không dùng thuốc loại chí tễ (đại tả) và cũng không dùng cứu (vì thương âm). Nếu chưa kết quả đã vội tả thì sẽ làm khí của ngũ tạng bại hoại thêm.

- Khí mạch nhân nghinh gấp 1 lần (nhất thịnh) mạch cổ tay là có bệnh ở kinh Thiếu dương đởm, gấp 1 lần và thao động, bệnh ở kinh Thiếu dương tam tiêu. Nếu gấp 2 lần, bệnh ở kinh Thái dương bàng quang, gấp 2 lần mà thao động, bệnh ở kinh Thái dương tiểu trường. Nếu gấp 3 lần, bệnh ở kinh Dương minh vị, gấp 3 lần mà thao đông bệnh ở kinh Dương minh đại trường. Nếu gấp 4 lần, to và nhanh (6 kinh dương thịnh đến các điểm tràn đầy vào phủ) là dật dương.

- Dật dương (dương không giao được với âm ở trong) gọi là ngoại cách (dương bị tách ở ngoài không vào với âm được).

- Khi mạch cổ tay gấp 1 lần (mạch nhân nghinh) là có bệnh ở kinh Quyết âm can, gấp 1 lần và thao động, là bệnh ở kinh Quyết âm tâm bào. Nếu gấp 2 lần, bệnh ở kinh Thiếu âm thận, nếu gấp 2 lần và thao động, bệnh ở kinh Thiếu âm tâm. Nếu gấp 3 lần bệnh ở kinh Thái âm tỳ, nếu gấp 3 lần và thao động, bệnh ở kinh Thái âm phế. Nếu gấp 4 lần, to và nhanh (6 kinh âm thịnh đến cực điểm tràn hết vào tạng) gọi là dật âm. Vì dật âm nên không giao được với dương gọi là nội quan, nghĩa là (biểu lý cách biệt) không thông với nhau, là chứng rất khó chữa. Khi mạch nhân nghinh và mạch thốn của kinh Thái âm phế đều hơn bình thường 4 lần (tứ bội) trở lên (âm dương đều lên đúng cực điểm, âm dương bị tách biệt không giao nhau): Thì gọi là quan cách, có mạch tượng quan cách là gần đến ngày chết (bệnh nặng nguy kịch).

- Khi mạch nhân nghinh gấp 1 lần (nhất thịnh) mạch cổ tay thì tả Thiếu dương đởm và bổ kinh Quyết âm can (quan hệ biểu lý, Đởm thực thì Can hư). Tả 2 (lần, huyệt) bổ 1 (lần, huyệt), một ngày châm 1 lần, phải bắt 2 mạch để xem kết quả. Thái độ cần ung dung, thượng khí (dẫn khí đến đó) hòa khí thì thôi (hư thực được điều hòa thì thôi châm).

- Nếu gấp 2 lần (nhị thịnh) thì tả kinh Thái dương bàng quang và bổ kinh Thiếu âm (biểu thực thì lý hư). Tả 2 (huyệt, lần) 2 ngày châm 1 lần, bắt 2 mạch để kiểm tra, thái độ ung dung, dẫn khí đến đó, khi điều hòa được hư thực rồi thì thôi châm.

- Nếu gấp 3 lần (tam thịnh) thì tả kinh Dương minh và bổ kinh Thái âm Tỳ. Tả 2 (huyệt, lần) bổ 1 (huyệt, lần) 2 ngày châm 1 lần, bắt 2 mạch để kiểm tra, thái độ ung dung, dẫn khí đến đó, khi hư thực được điều hòa thì thôi châm.

- Mạch thốn cổ tay hơn (mạch nhân nghinh) 1 lần (nhất thịnh), tả kinh Quyết âm can, bổ Thiếu dương đởm (Can lý thực thì đởm biểu hư). Bổ 2 (huyệt, lần), ngày châm 1 lần, bắt mạch để kiểm tra, thái độ ung dung, dẫn khí đến đó, khí hư thực được điều hòa thì thôi châm.

- Nếu hơn hai lần (nhị thịnh), tả kinh Thiếu âm thận và bổ kinh Thái dương  bàng quang, bổ 2 (huyệt, lần), 2 ngày châm một lần, bắt mạch để kiểm tra, thái độ ung dung, dẫn khí đến đó, khí hư thực được điều hòa thì thôi châm.

- Nếu hơn 3 lần (tam thịnh) tả kinh Thái âm tỳ, bổ kinh Dương minh vị, bổ 2 (huyệt, lần), tả 1 (huyệt, lần), ngày  châm 2 lần, bắt mạch để kiểm tra, thái độ ung dung, dẫn khí đến đó, khí hư thực được điều hòa thì thôi châm. Ngày châm 2 lần vì 2 kinh Thái âm tỳ, Dương minh vị có cốc khí rất phong phú.

- Cả hai mạch nhân nghinh và cổ tay đều gấp 3 lần (tam bội) trở lên, lại cả âm và dương đều (thịnh đến cực điểm) nên tràn hết ra tạng phủ (dật âm, dật dương). Nếu không khai thông sẽ làm huyết mạch bế tắc (gây nội quan, ngoại cách). Khí không thể hành được ở trong mạch, đi tràn vào trong và làm tổn thương (châm âm của) ngũ tạng. Với bệnh này, nếu cứu (hỏa càng làm tổn thương âm) sẽ gây nên các loại bệnh khác.

- Nguyên tắc châm là khi điều khí và được khí thì ngừng châm, phải bổ âm, tả dương (bổ chính khí - âm) tả bệnh tà từ ngoài vào (dương). Khi chính khí đầy đủ chức năng nội tạng (Can, Thận) kiện toàn, thì tai mắt thông minh. Ngược lại, nếu lại tả âm (chính khí), bổ dương (tà khí) sẽ làm khí huyết suy yếu, không vận hành được bình thường.

- Gọi là Khí chí (đắc khí) và có hiệu quả là tả để làm cho hư (chứng thực dùng tả để làm cho thực trở thành hư), lúc đó thì mạch vẫn to như cũ nhưng đã (mềm) không cứng như trước. Nếu mạch vẫn cứng như cũ, dù người bệnh có nói là đỡ song bệnh vẫn chưa giảm. Phải bổ để làm cho thực (chứng hư dùng phép bổ để cho hư chuyển thành thực). Khi có hiệu quả (bước đầu) thì dù mạch to (nhỏ) như cũ, song phải cứng (thực) hơn. Nếu vẫn như cũ, không cứng thực hơn thì dù người bệnh có nói đỡ, thực tế bệnh vẫn chưa giảm. Cho nên bổ làm cho (chính khí) thực lại, tả làm cho (tà khí) hư đi, dù sau khi châm đủ vẫn chưa giảm nhưng bệnh đã giảm nhẹ. Muốn vậy, phải hiểu rõ bệnh của 12 kinh đã rồi mới tiếp thu được nội dung của thiên "Chung thủy". Cho nên khi âm dương bất tương duy (quan hệ biểu lý giữa âm, dương không thay đổi), hư thực bất tương khuynh (hư thực biểu hiện không rõ, không làm tổn thương nhau, nghĩa là kinh nào có bệnh thì căn cứ vào trạng thái bệnh lý của nó) để lấy huyệt của kinh bị bệnh chữa.

Trong điều trị bằng châm: có 3 cách châm để có cốc khí (đắc khí). Do tà khí vào trong (khí phận) họp lung tung với nhau làm cho âm dương đổi chỗ cho nhau (âm không ở trong được bật ra ngoài, dương đang ở ngoài lại chạy vào trong), tuần hành nghịch thuận của khí huyết tương phản nhau (đang xuôi thành ngược, đang ngược thành xuôi), vị trí phù trầm ở chỗ khác đi (đang phù thành trầm, đang trầm thành phù), không ứng được với 4 mùa, ngoại tà lưu đầy ắp ở trong rồi tràn vào trong tạng phủ, lúc đó phải dùng châm để đuổi tà khí (bằng 3 cách châm nông, vừa và sâu). Nhất thích (mới đầu) châm nông ở biểu để đẩy tà khí ở phần âm ra, rồi tam thích (sâu vào mức độ nhất định) sẽ có đắc khí. Khi cốc khí đến (đắc khí) thì thôi châm.

Cốc khí đến (đắc khí) là châm bổ thì (khí) sẽ đầy (thực) châm tả thì sẽ hư (tà khí đã bị đuổi đi) như vậy, khi cốc khí đến là tà khí đã ra đi một mình rồi, lúc đó tuy âm dương vẫn chưa điều hòa song đã có hy vọng là bệnh sẽ lành. Do đó nói rằng: Khi bổ làm cho (chính khí) thực lên, khi tả làm cho (bệnh tà) hư đi. Tuy đau khổ của người bệnh chưa được giải hết sau khi châm, nhưng như thế bệnh đã có thể giảm.

Âm thịnh và dương hư (mạch thốn thịnh, mạch nhân nghinh hư, âm kinh có tà khí mạnh, dương kinh có chính khí hư) bổ (khí ở kinh) dương trước, tả tà ở (kinh) âm sau để điều hòa âm dương. Âm hư và dương thịnh (mạch thốn hư, mạch nhân nghinh thịnh - Kinh âm có chính khí hư và kinh dương có tà khí thịnh), bổ (chính của kinh) âm trước, rồi tả (tà của kinh) dương sau để điều hòa âm dương.

- Ba kinh (Thiếu âm thận, Quyết âm can, Dương minh vị) có động mạch ở quanh ngón chân cái. Khi châm cần xác định hư thực đã. Nếu hư mà tả thì làm hư thêm, bệnh sẽ nặng. Châm loại bệnh này, khi xem mạch của các kinh đó, nếu thấy gấp thực thì tả (với cách tiến kim rất nhanh), nếu mạch hư và hoãn thì dùng phép bổ. Nếu dùng phép ngược lại (thực lại bổ, hư lại tả) sẽ làm bệnh nặng thêm (vị trí) động mạch của 3 kinh là Dương minh vị ở trên mu chân - Xung dương), Quyết âm can ở giữa - Thái xung, Thiếu âm thận ở dưới - Thái khê.

Ưng du trúng ưng, bối du trúng bối kiên bác bệnh ở ngực lấy huyệt (kinh âm) ở ngực, bệnh ở lưng lấy huyệt (kinh dương) ở lưng, bệnh ở vai, tay lấy huyệt ở cả ngực và lưng (kinh âm hoặc kinh dương tùy vị trí bệnh). Trùng thiệt (ở dưới lưỡi như có một cái lưỡi nhỏ - bệnh ở lưỡi), dùng kim tam lăng (phi châm) chích nặn máu ở trụ lưỡi (thiệt trụ). Tay chỉ co mà không duỗi được là bệnh ở gân (co), chỉ duỗi mà không co được là bệnh ở xương. Bệnh ở xương thì chữa xương (không chữa gân), bệnh ở gân thì chữa gân (không chữa xương).

- (Bổ tả khi châm phải dựa vào mạch khí hư hay thực). Khi châm lúc khí thực (chứng thực) thì châm sâu vào (rút kim rồi), ấn nhẹ mũi kim để tà khí theo lỗ kim ra hết ngoài (tả). Lúc khí hư (hư chứng) thì châm nông để dưỡng mạch (làm khí không hao tổn) rút kim rồi, bịt nhanh lỗ kim để tà khí không vào thân thể (bổ). Khi châm, nếu tà khí đến thì cảm giác gấp căng và nhanh, nếu cốc khí đến (đắc khí) cảm giác sẽ hòa hoãn. Mạch khí thực, thì châm sâu để tiết tà khí. Mạch (khí) hư, châm nông để tinh khí không ra ngoài, để dưỡng mạch của cơ thể, chỉ cho tà khí ra thôi.

- Mạch của các loại đau đều thực (dùng tả) - Từ lưng trở lên, dùng huyệt của kinh Thái âm phế, Dương minh đại tràng (vì thuộc phạm vi hai kinh này), từ lưng trở xuống, dùng huyệt của Thái âm tỳ và Dương minh vị (vì thuộc phạm vi hai kinh này).

- Bệnh ở trên, lấy huyệt ở dưới, bệnh ở dưới lấy huyệt ở trên, bệnh ở đầu lấy huyệt ở chân, bệnh ở lưng lấy huyệt ở khoeo (do có đường kinh đi qua). Trên lâm sàng rất hay dùng: Cứu Bách hội chữa lòi dom, đau đỉnh đầu dùng Thái xung, đau lưng dùng Ủy trung. Bệnh bắt đầu ở đầu thì đầu nặng, bắt đầu ở tay thì tay nặng, bắt đầu ở chân thì chân nặng. Khi chữa bệnh trước hết phải châm ở nơi bệnh bắt đầu.

- Khí mùa Xuân ở lông (vì khí mới sinh ra nên bệnh ở phần nông nhất của da). Khí mùa Hạ ở da (vì nhiệt, dương khí thật thịnh, nên ở phần da). Khí mùa Thu ở giữa các cơ (vì khí mát, thu liễm nên bệnh ở giữa các cơ). Khí mùa Đông ở gân xương (vì khí lạnh, tàng lại nên bệnh ở gân xương). Chữa các loại bệnh (có liên quan đến 4 mùa) ở trên mức độ châm nông hay sâu, phải dựa vào sự chuyển động của 4 mùa và vị trí bệnh (nông hay sâu). Song cần lưu ý, nếu người bệnh béo (muốn vào đến nơi bị bệnh) thì phải dùng cách châm sâu của mùa Thu - Đông, nếu người bệnh gầy thì phải dùng cách châm nông của mùa Xuân - Hè.

Bệnh có đau thuộc âm (vì thường do hàn vào sâu trong gân xương ngưng tụ ở đó), đau dùng tay xoa không đỡ thuộc âm (vì bệnh tà cũng ở sâu) phải châm sâu. Bệnh ở trên thuộc dương (vì dương chủ thăng), bệnh ở dưới thuộc âm (vì âm chủ giáng), bệnh có ngứa thuộc dương (vì ngứa ở ngoài da) phải châm nông.

 - Bệnh bắt đầu từ (kinh) âm, chữa (kính) âm trước (chữa gốc) rồi chữa (kính) dương sau (chữa ngọn). Bệnh bắt đầu từ (kính) dương, chữa (kính) dương trước rồi chữa kính âm sau.

- Chữa "nhiệt huyết", lưu kim (lâu) làm nhiệt huyết trở thành hàn. Chữa huyết hàn, lưu kim (lâu) làm hàn huyết trở thành nhiệt huyết.

- Chữa nhiệt quyết lấy (bổ) 2 lần kinh âm, lấy (tả) 1 lần kinh dương (để nâng âm khí lên và đuổi dương tà). Chữa hàn quyết, lấy (bổ) 2 lần kinh dương, lấy (tả) 1 lần kinh âm (để nâng dương khí và đuổi âm tà). Lấy 2 lần kinh âm là châm kinh âm 2 lần, lấy 1 lần kinh dương là châm kinh dương 1 lần.

- Bệnh lâu ngày, tà khí thường vào sâu, chữa nó phải châm sâu và lưu kim lâu (để tà khí ra dần cho hết), cách 1 ngày châm 1 lần cho đến khi khỏi. Do kinh khí 2 bên phải trái thông nhau nên phải điều hòa 2 bên phải trái, và dùng tả chích nặn máu để trừ uất kết ở huyết mạch. Đạo lý của phép tả chích nặn máu để trừ uất kết ở huyết mạch. Đạo lý của phép châm tất phải như vậy.

- Trong phép châm, cần biết trạng thái thịnh suy của nguyên khí và hình thể của bệnh nhân. Nếu thân thể, cơ bắp không thoải mái (bình thường), (nguyên) khí thiếu, mạch dao động thì đó là thao quyết (nghịch), cách châm để chữa thao quyết là mậu thích (bệnh bên phải chữa bên trái và ngược lại). Như vậy có thể thu tinh khí bị tán, và làm tan tà khí đang tích tụ.

- Thầy thuốc phải ở nơi yên tĩnh, tĩnh tâm để biết sự vãng lại của thần khí, cửa phải đóng kín để hồn phách không bị phân tán, ý với thần phải là một, tinh khí phải ở đúng chỗ, không nghe người khác (bên ngoài) để giữ tinh, hợp với thần làm một, và mũi kim phải làm theo chí. Hoặc châm nông và lưu kim, hoặc châm thật nhẹ (nổi ở) bên ngoài để điều hành thần của người bệnh và châm đến đắc khí mới thôi. Nam nội nữ ngoại (nam là dương, dương ở ngoài phải đưa vào trong, nữ là âm, âm ở trong phải được đưa ra ngoài để điều hòa âm dương). Không để chính khí xuất ra, cũng không cho tà khí (theo châm) nhập vào. Như vậy là đắc khí.

Cấm kỵ của châm: Mới vào giao hợp không châm, châm xong chưa lâu không vào giao hợp. Không châm khi say rượu, đã châm rồi không được say. Không châm khi giận dữ, châm rồi không được giận dữ. Không châm lúc mệt mỏi, châm rồi không làm quá mệt. Không châm lúc no, châm rồi không ăn quá no. Không châm lúc đói, châm rồi không để đói quá. Không châm lúc khát, châm rồi không để khát quá. Không châm lúc kinh hãi quá, đợi lúc yên tĩnh mới châm. Nếu đi xe đến, để nằm nghỉ một lúc rồi châm, thời gian nghỉ tương đương thời gian ăn một bữa cơm. Nếu đi bộ đến để nghỉ ngơi rồi châm, thời gian nghỉ ngơi tương đương thời gian đi 10 lý.

- Mười hai điều cấm ở trên đều làm mạch loạn, khí tán, dinh vệ tuần hành thất thường, kinh khí không tuần hoàn đúng thứ tự. Nếu lúc đó vẫn châm thì có thể làm bệnh ở dương (nông) chuyển vào âm (nội tạng), bệnh ở âm (nội tạng) lại ra ngoài dương (làm cho cả trong ngoài đều có bệnh), làm tà khí có điều kiện phát triển. Thầy kém không quan tâm đến điều kiện cấm châm, cứ châm bừa sẽ làm thân thể bị hao tổn, não tủy bị tiêu, tân dịch không hóa được, ngũ vị không còn (thể lực suy yếu không thể dùng ngũ cốc để bổ dưỡng làm chân khí tiêu vong) gọi là mất khí.

- Khi mạch Thái dương kiệt thì mắt trợn ngược, thân vặn ưỡn, chân tay co hoặc duỗi, mặt bệch, hãn tuyệt vã mồ hôi hột toàn thân, khí sắp kiệt. Khi có hãn tuyệt thì sẽ chết.

- Kinh mạch Thiếu dương tuyệt thì điếc, các khớp rã rời, mạch ở mắt tuyệt (khí thông giữa hệ mạch mắt và não đã tuyệt). Khí mạch ở mắt tuyệt thì một ngày rưỡi sau sẽ chết. Khi sắp chết sắc mặt từ xanh chuyển sang bệch rồi chết.

- Khi mạch Dương minh tuyệt thì mồm mắt động (giật), hay sợ hãi giật mình, nói nhảm sắc mặt vàng. Tuy mạch của hai kinh Dương ở chân, tay có thịnh nhưng không hành được (do vị khí tuyệt), nên sẽ chết.

- Khi mạch Thiếu âm tuyệt thì mặt đen, lợi co thành, răng dài ra và bẩn, bụng chướng bế tắc (khí cơ bế tắc), trên dưới không thông và sẽ chết.

- Khi mạch Quyết âm tuyệt thì ngực nóng, họng khô, đái nhiều, tâm phiền (bồn chồn), nặng thì lưỡi rụt, hòn dái co lên bụng và sẽ chết.

- Khi mạch Thái âm tuyệt thì bụng chướng tắc, không thở được, hay ợ hơi, hay nôn, nôn thì khí nghịch lên làm mặt đỏ, nếu khí không nghịch lên thì trên dưới lại không thông, do đó mặt sẽ đen lại, da lông khô héo và chết.

Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >