Trang chủ arrow Bài viết arrow Y âm án - Bệnh án chữa chứng thủy kiệt hỏa bốc lên
Y âm án - Bệnh án chữa chứng thủy kiệt hỏa bốc lên
28/12/2017
Trời đã sang Thu mà nóng nung nấu lại hơn tiết Tam phục, vợ ông Luận người Bàn Thượng bị cảm mạo bà mẹ đến xin thuốc. Tôi hỏi chứng thì đầu nặng như đội đá, nhức như búa bổ, mình nóng như lửa, tay không dám gần, đòi nằm chỗ ẩm ướt, da đỏ như bôi son, gò má hồng, mắt đỏ, uống nước lạnh nhiều, uống vào khỏi họng thì mửa khan, hoặc lại ọe ra nước, tiểu tiện trong và lợi, nhắm mắt lại thì thấy ma quỷ, nói nhảm lầm rầm, tay chân mỏi rã, không giở mình được, lìm lịm như chết, nhưng hỏi về hình dạng thì mới 21 tuổi, tóc ngắn, khô, đỏ, thân thể đen gầy, ham ăn của chua. Từ khi có thiên quý đến nay chỉ hành kinh có 3, 4 lần. Tôi thấy hết thảy là chứng chân âm suy kiệt, tuy có cảm ngoại tà chẳng qua chỉ là cái mối sinh ra bệnh thôi, nên không dám dùng mảy may thuốc phát biểu, chỉ dùng thang Toàn chân nhất khí, bỏ Nhân sâm bội Thục địa, Mạch môn, gia Đỗ trọng tẩm rượu sao để cho đi khắp toàn thân, trừ phong thấp cho uống.

 Sáng sớm hôm sau người chồng gõ cửa vào, lúc đó vì tôi đang chữa một bệnh nguy kịch cấp, suy nghĩ suốt đêm, đến gà gáy mới chợp mắt một chút, người đó đến, tôi còn mơ màng trong giấc mộng, đang hỏi chứng này đã bớt thế nào? người kia nói là không bớt chút nào cả. Tôi nghe giật mình tỉnh dậy hỏi lại kỹ càng, thì người đó có lúc nói là tăng lên, có lúc nói là đã bớt, hoặc nói là tăng, hỏi lại thì lại nói là bớt, tôi thấy nói luẩn quẩn, vả lại trong người đang mệt, không muốn hỏi nữa bực mình bảo người đó rằng: "Tôi đã xem bệnh như thế, cho uống thuốc như thế tự mình cho là đúng, anh đã nói là không bớt, tôi cũng không còn cách nào nữa. Thôi anh về tìm thầy khác chữa cho". Người đó năn nỉ mãi, tôi cũng không cho thuốc nữa, rồi lại vào nằm ngủ. Mặt trời lên cao ba cây sào tôi mới tỉnh dậy, thấy gia đồng nói: "Người đó lần chần chờ mãi không đi, sau một lúc mới về. Tôi nghĩ thầm rằng: "Bệnh này có bao nhiêu triệu chứng xấu, là vì trọc âm tràn lên dương, dương với âm tàn hại lẫn nhau, cho nên đầu nặng mà nhức, chân thủy khô khan, hỏa không có chỗ nương náu, càng bốc lên mạnh, bởi vậy nóng dữ không dám gần, hỏa bức huyết ở bì phu, cho nên mình đỏ như bôi son, gò má ửng hồng, mắt đỏ là âm hư ở dưới, bức dương ở trên, cho nên tiểu tiện trong và lợi. Thích uống nhiều nước lạnh, không phải là thực nhiệt, đó là vì thủy kiệt quá mà phải cần nhờ thủy ở ngoài để tự cứu. Nước xuống khỏi họng lại mửa khan, hoặc lại ọe ra, do hỏa long lôi gặp thủy lại càng bốc mạnh, nếu là thực hỏa thì uống vào tất dễ chịu, có lẽ nào lại ngược lên mà mửa ra. Phàm hỏa đi lung tung thì quân hỏa mất quyền, cho nên trông thấy ma quỷ, nói nhảm, hỏa thịnh khắc kim, kim là con đã hư thì thổ là mẹ cũng hư, cho nên lìm lịm mỏi mệt. Ham ăn của chua là vì Can hư không tàng được huyết, muốn của chua để thu liễm hao tán, cũng như người có thai tháng thứ ba kinh Quyết âm dưỡng thai, mộc hư mà thích của chua.

 Thiên quý đầy đủ mà kinh không hành, là vì mạch Nhâm khô, huyết ở trong không dư, nên kinh ở ngoài không đủ. Thực thế hết thảy cái cơ bại kiệt, sợ các thầy thuốc kém cho ngoại cảm là chứng hữu dư, không nghĩ gì đến chính khí đã suy yếu, chỉ thấy mình nóng nhiệt thì cho uống thuốc hàn, đau thì cho là phong, nặng thì cho là thấp, vẩn đỏ như son thì cho là ban, tiểu tiện trong thì cho là biểu. Vì hỏa long lôi không phải lấy thủy tắt được, không phải thấp nép đi được, nếu không mau góp nhóm lại để làm cái nguồn gốc chứa hỏa ở trong thủy mà cứ mặc kệ cho thoải mái cái tính bốc lên của nó thì hết sức mới thôi, mà hỏa đã hết thì khí cũng tuyệt, huống chi âm đã mất ở trong, thì còn một mình dương phù việt ở ngoài da mà tự ý cho uống nhiều thuốc hàn lương, lại hại đến dương thì thành âm dương đến hết. Tai họa theo ngay.

 Tôi suy đi tính lại hối hận vô cùng muốn sai gia đồng chạy theo như bắn, nhưng tên dời dây cung, người kia đi đã quá xa mất rồi, lòng áy náy không kể xiết được! Đến tối chợt nghe tin vợ người đó chết rồi, đêm hôm ấy tôi rất hối hận, băn khoăn ở ngoài sân, không sao chợp mắt được. Sáng sớm mai, cho người lại dò thăm, bà mẹ người bệnh nói: "Chồng nó vì vợ ốm mệt, hoảng sợ, nói năng thất thố, đến nỗi cụ không cho thuốc, trước nó lấy được một thang, thì các chứng đều bớt, đầu nặng khỏi hẳn, giá được thang nữa thì không đến nỗi chết như thế này! Khi chồng nó không xin được thuốc trở về, không biết chạy đâu, bỗng gặp một thầy thuốc rong cho uống một thang thi phát ra buồn bực vật vã, uống thang thứ hai thì suyễn nấc mà chết".

 Tôi nghe nói càng thêm hối hận, nghĩa là vì nói về việc, thì chết tuy ở tay người khác; nhưng nói về tình thì tôi khó trốn được cái trách nhiệm giết người. Làm thuốc là việc giữ mạng người, cứu sống người là bổn phận của mình, gặp chứng dễ dàng, hỏi đi hỏi lại kỹ càng rồi cho thuốc; gặp bệnh khó khăn, không nên vì giầu nghèo sang hèn mà thay đổi lòng, tùy chỗ gấp thì phải gấp đành chịu vất vả, không ngại đêm hôm mưa gió, thân đến nơi xem, tuy không có tài thần thánh công xảo, nhưng vọng văn vấn thiết cũng không thể bỏ sót một cái nào, nhận đúng bệnh tình, rồi mới cho thuốc, há nên coi mạng người như cỏ rác mà mò mẫm để làm thí nghiệm hay sao? Nếu có sai lầm, thì trong chỗ u những oan hồn không khỏi căm hờn ở nơi chín suối! Tôi thề lấy đó làm răn mỗi bệnh đều phải xem xét kỹ càng, không nề khó nhọc, sẵn lòng mong mỏi ứng nghiệm, lấy sự giúp người làm tốt, hết lòng làm trách nhiệm của mình, nếu bệnh không chữa được tất bảo trước nhà bệnh, để khỏi tiếng rèm chê về sau, còn về phần mình thì suy nghĩ khốn khổ đem hết khả năng để làm kế tìm cái sống ở trong chỗ chết cho người ta, vừa ý thì mừng, khác ý thì bảo, không nỡ bưng miệng mà bó tay đợi chết, như thế mới khỏi thẹn với trời đất, việc làm mới đành lòng. Nên chép lại đây để làm gương răn bảo cho mình, mong các đồng chí, thấy cái nhầm việc trước càng nên cảnh tỉnh, cũng là cái may cho nghề làm thuốc.

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >