Trang chủ arrow Châm cứu án ma arrow 7. Cách sử dụng của kim (Quan châm)
7. Cách sử dụng của kim (Quan châm)
01/07/2017
Nội dung: Nói lên tầm quan trọng của việc dùng đúng 9 loại kim, tính năng của 9 loại kim (9 kim có 9 biến, 9 biến có 9 cách châm). Lại dựa vào vị trí của bệnh ở sâu, nông, to, nhỏ, nêu ra cách (ngẫu thích, báo thích, khôi thích, tề thích, dương thích, trực châm thích, du thích, đoản thích, phù thích, âm thích, bàng châm thích, tán thích) tiến kim và phối hợp. Còn nêu 5 thủ pháp châm: Bán thích, báo văn thích, quan thích, hợp thích, du thích dùng trong chữa bệnh của 5 tạng tương ứng.

Tóm lại: Thiên này nói lên kim nào chữa bệnh nào, bệnh nào dùng cách châm nào, và đều phải chọn kim và cách châm đã được mọi người công nhận.

Mấu chốt của cách châm chích là cách dùng kim (hợp quy cách) 9 kim đều có phạm vi dùng riêng và có tác dụng điều trị riêng. Các loại kim dài, kim ngắn, kim to, kim nhỏ đều có đối tượng riêng. Nếu dùng không đúng bệnh sẽ không lành. Bệnh ở nông (biểu) mà (dùng cách) châm sâu, sẽ làm tổn thương thịt lành (làm chảy máu), sinh mụn nhọt ở da. Bệnh ở sâu mà (dùng cách) châm nông, làm tổn thương các chi lạc, không tả được bệnh tà và cũng gây ổ mủ ở da. Bệnh nhỏ mà dùng kim to sẽ tả (thương tổn) nguyên khí làm bệnh nặng lên. Bệnh to (nặng, sâu) mà dùng kim nhỏ thì tà khí không bị đẩy ra ngoài, kết quả sẽ kém. Sau đây nói về cách sử dụng kim cho đúng:

- Bệnh ở da (nông) không có chỗ cố định, dùng kim mũi như mũi tên (sàm châm) để châm nơi có bệnh (để tả phong nhiệt), không châm vào chỗ da trắng.

- Bệnh ở giữa các lớp cơ (các gân) dùng kim mũi tròn (viên châm) tác động vào nơi có bệnh (để lưu thông khí huyết). Bệnh ở kinh lạc, thường là chứng tý ngoan cố, "dùng kim mũi 3 cạnh" (phong châm - tam lăng châm để chích xuất huyết ở lạc). Bệnh ở mạch khí không đủ phải bổ, dùng để châm (không châm qua da) ấn các tỉnh, huỳnh, du, kinh, hợp và các huyệt khác (để làm cho khí huyết lưu thông). Bệnh có ổ mủ dùng kim mũi kiếm (phi châm - để chích tháo mủ). Bệnh tý bạo phát (cấp tính) dùng kim mũi tròn, sắc (viên lợi châm, châm sâu để chữa đau gấp). Bệnh tý đau liên miên, dùng hào châm (lưu kim lâu để trừ đau). Bệnh ở giữa (sâu) dùng kim dài (trường châm - để chữa, tà vào sâu gây tý ở sâu). Bệnh phù, có nước ở khớp, dùng kim to mũi, hơi tròn (đại châm - để tiết nước tích ở khớp ra). Bệnh ngoan cố ở ngũ tạng, dùng kim tam lăng (phong châm) để tả các huyệt tỉnh, huỳnh...tùy mùa mà chọn huyệt (Xuân huyệt huỳnh, Hè huyệt du, Thu huyệt hợp, Đông huyệt tỉnh, huyệt du).

* Chú ý: Sàm châm để làm chảy máu ở nông. Viên châm đề châm để xoa bóp huyệt. Phong châm để chích nặn máu. Phi châm để tháo mủ. Đại châm để trục thủy ở khớp (đại châm là phong châm làm to lên). Trường châm để chữa chứng tê lâu ngày. Ngày nay tháo mủ dùng ngoại khoa. Kim tam năng (phong châm) để chích xuất huyết. Hào châm thay viên châm. Trường châm ít dùng vì có thể gây nguy hiểm. Kim hoa mai có tác dụng tương tự sàm châm. Ngày nay rất ít dùng viên châm để châm, để xoa bóp huyệt.

Chín cách châm dùng cho 9 trạng thái bệnh lý như sau

1. Du thích là châm 5 huyệt hùynh du của các kinh và các huyệt du ở lưng của tạng phủ.

2. Viễn đạo thích là châm huyệt ở xa, bệnh ở trên lấy huyệt ở dưới còn gọi là "phủ du" huyệt của (các kinh dương ở chân).

3. Kinh thích (châm vào đường kinh) là châm các huyệt và nơi kết lạc của kinh bị bệnh.

4. Lạc thích (châm vào lạc) là châm các lạc mạch nhỏ nổi ở dưới da (để nặn máu, tả máu ứ).

5. Phân thích là châm ở khe giữa các bó cơ (nơi các kinh đi qua).

6. Đại tả thích (châm tả mạnh) là châm nơi có mủ, tháo dẫn lưu mủ bằng phi châm.

7. Mao thích (châm nông) là châm chữa chứng tý ở da (không vào đến thịt).

8. Cự thích (châm đối xứng) là đau bên phải châm bên trái, đau bên trái châm bên phải.

9. Thối thích là dùng kim đốt nóng để chữa chứng tý.

12 cách châm dùng cho (trạng thái bệnh lý của) 12 kinh:

1.Ngẫu thích là tìm 2 huyệt ở lưng và ngực cùng vị trí đau, châm vào đó để chữa tâm tý (đau thắt ngực). Cần châm chếch (để không làm tổn thương tạng).

2. Báo thích: Là châm ở bệnh có đau không cố định, đau chạy lên trên, xuống dưới, châm ở đúng chỗ đau không rút kim. Sau lấy tay trái ấn vào chỗ đau khác mới rút kim và châm tiếp chỗ đau khác. Với chỗ đau khác cũng làm như vậy.

3. Khôi thích là châm thẳng sát gân (hoặc trước hoặc sau). Mổ cò, mở rộng lỗ châm để làm mềm gân bị co, dùng để chữa chứng cân tý (cân mạch co gây đau).

4. Tề thích: là châm đúng giữa một kim, châm ở hai bên phải trái. Mỗi bên một kim dùng để chữa chứng hàn khí ở chưa sâu lắm, còn gọi là tam thích để chữa chứng tý chưa vào sâu.

5. Dương thích: là châm ở giữa một kim, châm ở 4 xung quanh 4 kim nữa, dùng cách châm nông, để chữa hàn tý ở nông và phạm vi nông, phạm vi rộng.

6. Trực châm thích: Là véo da ở phía trên huyệt lên rồi châm kim luồn dưới da (không tổn thương đến thịt), để chữa hàn tý ở nông.

7. Du thích: là tiến và rút kim nhanh, dùng ít huyệt, châm sâu để chữa bệnh nhiệt do tà khí thịnh (để tả nhiệt).

8. Đoản thích chữa cốt tý, châm vào từ từ, tiến kim xong hơi lay kim, rồi lại tiến kim sâu hơn, làm mũi kim đến gần xương, rồi mổ cò như xoa bóp xương vậy (dùng kim ngắn nhưng châm vào sát xương).

9. Phù thích là châm chếch (vào phần cơ) nông để chữa chứng thuộc hàn của cơ bị co đau.

10. Âm thích là châm cả hai bên phải trái để chữa chứng hàn quyết, hàn quyết có liên quan đến kinh (thận) thiêu âm (nên châm hai huyệt Thái khê hai bên) sau mắt cá.

11. Bàng châm thích là châm một kim thẳng vào kinh, châm một kim chếch (vào lạc), để chữa chứng tý lâu ngày không khỏi.

12. Tán thích là tiến kim và rút kim nhanh, ở ngay chỗ đau, châm nông, nhanh vài kim cho ra máu để chữa xưng tấy mụn nhọt.

Nếu kinh mạch ở sâu có bệnh, nhìn không thấy thì khi châm tiến kim từ từ vào trong, lưu kim lâu để thông mạch khí ra huyệt, làm cho có cảm giác đắc khí. Nếu mạch ở nông thì không trực tiếp châm vào nó mà dùng tay đẩy mạch để châm cho khỏi vào mạch. Sẽ không gây chảy máu, không làm tinh khí tiết ra ngoài mà chỉ làm tà khí tiết ra mà thôi.

Tam thích là 3 mức độ nông sâu khác nhau (thiên, địa, nhân), đều có cốc khí (cảm ứng đắc khí). Mới đầu châm nông qua da làm dương tà (ở phần vệ) tiết ra ngoài, tiếp đó châm sâu thêm để đuổi âm tà (tà ở phần dinh), lúc đó kim vào đến thịt nông nhưng chưa vào đến lớp cơ sâu - cuối cùng vào đến lớp cơ sâu (phần nhục chi gian) sẽ làm cốc khí xuất (có cảm giác đắc khí). Vì vậy "thích pháp" viết: Mới đầu châm nông ở da để đuổi tà khí ở nông làm thông khí huyết, tiếp đó châm hơi sâu để đuổi tà khí ở phần âm, cuối cùng châm rất sâu để hạ cốc khí (có đắc khí - để đạt mục đích bổ hư tả thực).

Do đó thầy châm giỏi phải biết thời khí (trong năm) của lúc châm, tình hình thời khí thịnh suy (của từng tiết), và trạng thái hư thực (của bệnh nhân) do thời tiết gây nên.

Có 5 cách châm để ứng với (bệnh của) ngũ tạng:

1. Bán thích là châm rất nhanh, nông ở da, không làm tổn thương cơ như nhổ lông, để sơ tiết tà khí ở da (Phế chủ da), nên ứng với Phế (hiện nay châm trong da, gõ kim hoa mai).

2. Báo văn thích: là châm nhiều kim trúng lạc mạch ở trước sau, phải trái của (quanh) nơi bệnh, để cho máu ứ của kinh lạc thoát ra (Tâm chủ huyết) nên cách châm này ứng với tâm.

3. Quan thích là châm ở nơi bám của các cân ở khắp tứ chi để chữa cân tý. Cẩn thận không để chảy máu (Can chủ cân) nên ứng với Can (cân tý là chân tay co quắp, không đau, không vận động được tốt).

4. Hợp cốc thích là châm sâu vào cơ, hai bên phải trái chỗ bệnh mỗi bên một kim, châm chếch và bắt gặp nhau như chữ V, dùng chữa cơ tý (Tỳ chủ cơ nhục) nên ứng với Tỳ (cơ tý: do bị hàn thấp nên da cơ đều đau).

5. Du thích là tiến kim rút kim nhanh, châm sâu đến gân xương. Dùng chữa bệnh cốt tý (Thận chủ cốt) nên ứng với Thận.

Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >