Trang chủ arrow Văn hoá rượu arrow CHUYỆN RƯỢU
CHUYỆN RƯỢU
26/09/2006

 Hà Nội càng ngày mọc lên càng nhiều quán rượu dân tộc. Chỉ dạo qua phố phường cũng đủ thấy sự cơ man bàng bạc ấy là như thế nào.

Có một phố thời Pháp từng được gọi là phố Mới hay Jean Depuis, đi từ một địa danh lịch sử là Ô Quan Chưởng qua ngã ba Thanh Hà, cắt ngã tư Nguyễn Thiệt Thuật - Hàng Giầy tới phố Đồng Xuân nối sang Hàng Mã mà nay gọi là Hàng Chiếu , một trong những kinh đô rượu, nơi tọa lạc của đền thờ ông Trần Lưu, tương truyền đã có công trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông , địa chỉ nhậu nhẹt khá khuya của nam thanh nữ tú. Từ 19h, thực khách trên phố đã đông nghìn nghịt với sự xuất hiện trong hội là cả những cô gái còn rất trẻ. Tuy âm thanh hỗn độn nhưng có thể nhận ra trong câu chuyện họ đều là những người tuổi đời còn rất khiêm tốn và là con nhà khá giả. Dường như giờ đây ở Hà thành uống rượu mới là thú vui của dân sành điệu.

Thường thì uống rượu người ta hay bàn những chuyện làm ăn, nhưng ở đây việc tình yêu của mấy chàng trai trẻ lại là vấn đề sôi nổi hơn cả trong các quán. Họ uống và uống, họ nói huyên thuyên, thôi thì chuyện chinh phục cô này, cảm mến cô kia. Trong quán chỉ lác đác vài vị “Mấn mao thôi” là bàn chủ đề khác, thường chỉ là sự hoài niệm về chiến tích xưa theo kiểu “Vãng vãng thuyết Nguyên Phong”. Câu chuyện cứ thế tuôn ra trong tiếng chạm cốc, tiếng cười và tiếng cốc chén dằn xuống càng lúc càng mạnh.

Ở phố này ban đêm là địa hạt của  những khách nhậu khuya chủ yếu là những chàng TYPN và những cô gái ăn mặc theo kiểu sành điệu, máy xịn búi rùi, tóc vàng váy đùi, thật lạ mắt. Họ đến đây thường bằng xe hơi, chứng minh là thành phần sang trọng và quý phái.

Rượu ở đây giá từ 30.000-40.000 đồng/nậm nhỏ, được quảng cáo bằng những dòng công dụng giật mình như dưỡng khí đại bổ, kích thích chăn gối… Còn các loại rượu như Sâu chít, Ong đất, Sơn long... được đặt giá khoảng 90.000 đồng/nậm. Món nhậu thì đủ cả các món nhậu quen thuộc của phố phường.

Với những quán rượu như thế này chẳng qua chỉ là nơi tụ tập ăn khuya của những con chim đêm chưa về tổ. Nhưng này, người Hà thành còn biết đến những phong cách uống rượu khác…

Một quán rượu  tại ngõ Huế là nơi  có một không gian nghệ thuật khá đặc sắc. Cách bài trí quán cổ kính với một số Hoành phi, câu đối và những bàn ghế, đồ vật xa xưa của Việt Nam cho thấy chủ nhân là một con người có một tình cảm đặc biệt với xứ sở này. Ngõ này tuy rộng nhưng trước đây chủ yếu là nhà ở, không có buôn bán, chỉ có vài quán ăn nhỏ gần phố Huế thế cho nên việc mọc lên một quán rượu ở đây là một hiện tượng.

Một quán nữa trên phố Phùng Hưng, dãy phố dài nhất Hà Nội. Theo nhiều vị khách ở đây thì uống rượu có một cái thú lạ là được nghe tiếng đường tàu. Rượu không bán quá nhiều và theo anh chủ quán là bởi vì việc mở quán chỉ là một niềm đam mê cảnh điền viên đơn thuần mà thôi. Thế cho nên ẩm thực phục vụ khách đa phần là những món ăn dân dã như: cá rô rán vàng, tép kho khế... Nhân viên phục vụ đều mặc quần áo nâu sồng giản dị, càng làm cho khách như lạc vào chốn quê dung dị, thuần khiết. Điều này cũng thấy có ở một số quán khác xung quanh Hà thành. Việc trở về với nét cũ người xưa đã là cái nhiều người giờ đây tìm đến bên nhau trong “Tứ Hải quy tâm”, “Thập phương huynh đệ”…

Đi uống rượu không chỉ là ăn cho đã thèm, uống cho ứ họng, mà là thú thanh tao, một nghệ thuật thưởng thức thực sự. Các quán rượu ra đời ở trong thành phố ngày nay đang ở cái thế vàng thau lẫn lộn, có phong lưu, có đàng điếm. Điều đòi hỏi thực khách phải tìm cho mình một chốn đi về quen thuộc, nhận chân được giá trị thực sự của nét văn hoá cộng đồng.

Nguyễn Hạnh (Kí sự lang thang quán)


Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >