Trang chủ arrow Bài viết arrow Y án chữa bệnh tình chí - Kinh (sợ hãi)
Y án chữa bệnh tình chí - Kinh (sợ hãi)
25/11/2016
Liễu thị là vợ Vệ đức Tân, đêm nằm ngủ trên nhà lầu. Có bọn cướp đột phá nhà bên cạnh. Liễu thị hoảng sợ từ trên giường cao ngã lăn xuống sàn, người nhà xúm lại nhấc lên giường. Từ đó về sau, hễ nghe tiếng động gì hơi mạnh, tức thời sợ ngất, mê man không còn biết gì. Đến nỗi người nhà làm lụng, cất nhắc việc gì, đều phải gượng nhẹ, không dám để gây thành tiếng động.

Cứ như vậy tới hơn một năm, các thầy thuốc cứ cho là bệnh tại Tâm, dùng các loại thuốc bổ Tâm, an thần để điều trị, đều không chút công hiệu. Khi đó, Đức Tân đi mời Tử Hòa. Sau khi quan hình sát sắc và chẩn mạch. Tử Hòa bảo Đức Tân: "phàm các chứng "kinh" là do từ bên ngoài đột nhiên đến, mình chưa từng biết, thuộc về dương; các chứng "khủng" là do tự mình đã biết từ trước thuộc về âm. Kinh Túc Thiếu dương Đảm thuộc Mộc, Đảm có nghĩa là "quả cảm", "mạnh dạn", nếu "kinh" thì Đảm sẽ bị thương, do đó mà sinh bệnh. 

Nói rồi, Tử Hòa bảo Liễu thị ngồi vào chiếc ghế dựa, hai tay để lên hai thành ghế. Bảo hai người nhà đứng hai bên, mỗi người giữ một tay. Trước mặt Liễu thị để một chiếc bàn nhỏ, cũng chỉ thấp bằng ghế của Liễu thị ngồi. Chuẩn bị xong xuôi, Tử Hòa bảo Liễu thị:

Bà hãy trông thẳng xuống bàn...

Dứt lời, Tử Hòa cầm cái thước lớn đập mạnh xuống bàn "chát" một tiếng. Liễu thị giật mình suýt ngất đi. Ngay lúc đó, Tử Hòa vừa dùng tay trái nắm chặt lấy chỏm tóc trên đầu Liễu thị, vừa cười nói:

Tôi đập xuống mặt bàn đấy mà! can chi phải sợ?

Chờ lúc Liễu thị đã định thần hết sợ...Tử Hòa lại đập "chát", lần này Liễu thị chỉ hơi sợ...Tức thời "chát, chát, chát" Tử Hòa đập luôn hai ba tiếng; đồng thời bảo người nhà lấy gậy đập vào cửa đằng trước, cửa đằng sau, tiếng đập dồn đập cả xung quanh...Lúc này, Liễu thị không còn sợ nữa, cười hỏi Tử Hòa:

Ông lang chữa bằng phương pháp gì lạ lùng thế?

Nhân có Đức Tân cũng ở đó, Tử Hòa giải thích cho cả hai vợ chồng cùng nghe:

Nội Kinh có câu: "Kinh giả bình chi", phàm vật, hễ được thấy thường luôn, thì không còn khi nào kinh (sợ) nữa. Khi đã bị kinh, thì "thần" sẽ từ dưới bốc ngược lên, nên tôi đập ở mặt bàn phía dưới, và bảo trông trở xuống, chủ yếu là để thu liễm cho thần khỏi bốc lên; khi thần đã thu được thì còn kinh gì nữa...

Đêm hôm đó, Tử Hòa lại bảo người nhà, đập bàn, đập ghế, om sòm thâu đêm, Liễu thị không hề sợ sệt, ngủ một giấc từ tối tới sáng. 

Từ đó bệnh khỏi hẳn.

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >