Trang chủ arrow Tản mạn arrow ĐOM ĐÓM
ĐOM ĐÓM
25/09/2006
Image

Đom đóm hay bọ phát sáng là những loài côn trùng cánh cứng nhỏ được gọi chung là họ Đom đóm (Lampyridae) có khả năng phát quang.

 
Đom đóm là động vật tiêu biểu cho vùng ôn đới mặc dù phần lớn các loài sống ở vùng nhiệt và cận nhiệt đới. Chúng là những sinh vật có tập tính hoạt động về ban đêm, con đực thường có cánh và bay vào những đêm đầu mùa hạ. Nhiều loài, con cái không có cánh. Con đực, con cái và ấu trùng phát ra ánh sáng lạnh và thường có màu đỏ cam hay vàng xanh; một số loài thậm chí trứng cũng phát quang. Người ta cho rằng, ánh sáng giữ vai trò quan trọng trong tập tính sinh sản của chúng với mục đích hấp dẫn con khác giới. Tuy nhiên, ở ấu trùng thì sự phát sáng nhằm mục đích cảnh báo các động vật ăn thịt là chủ yếu, do ấu trùng Đom đóm chứa các hóa chất có mùi vị khó chịu và có thể là độc đối với các động vật ăn thịt khác.
 
Ánh sáng của Đom đóm được phát ra bởi một cơ quan phát sáng nằm ở dưới bụng. Cơ quan này cấu tạo từ vài lớp tế bào nhỏ phản xạ ánh sáng và một lớp tế bào phát sáng. Tế bào phát sáng được điều khiển bởi thần kinh và các ống khí; ôxy được cung cấp bởi các ống khí chuyển hóa luciferin của tế bào phát sáng thành oxyluciferin. Quá trình ôxy hóa này được xúc tác bởi enzym luciferase đã giải phóng năng lượng dưới dạng ánh sáng. Côn trùng kiểm soát việc phát sáng bằng cách điều hòa lượng không khí cung cấp cho tế bào. Cường độ và tần số phát sáng rất đa dạng phụ thuộc vào loài và đặc biệt là để phân biệt con đực với con cái. Sự nhấp nháy đồng bộ là đặc trưng của một số loài nhiệt đới. Có người cho rằng mục đích của việc nhấp nháy của Đom đóm là để tìm bạn tình và không cho chim đi ăn đêm tấn công.

Đom đóm trưởng thành của nhiều loài thường không đi kiếm ăn, mục tiêu duy nhất là thực hiện hành vi sinh sản. Thông thường, Đom đóm trưởng thành chọn các vùng đất ẩm ướt, rồi đẻ trứng lên mình các loại ốc và giun đất bằng cách tiêm lên con mồi dung dịch thủy phân. Ấu trùng nở từ trứng sẽ sử dụng trên dinh dưỡng trực tiếp từ các cơ thể con mồi sống. Ấu trùng hóa nhộng sau khoảng 1 - 2 năm. Cả ấu trùng và con cái không cánh đều được gọi là giun phát sáng (glowworms). Loài giun phát sáng phổ biến ở châu Âu là Lampyris noctiluca. Những loài này được coi là có lợi vì chúng tiêu diệt những tác nhân phá hoại mùa màng như ốc và ốc sên. Trong bộ cánh cứng, ngoài Đom đóm còn có nhiều loài côn trùng có khả năng phát sáng khác…

Thế là những gì khoa học hiện đại khái quát về Đom đóm thì chỉ có thế, nhưng người xưa từ lâu đã để ý đến nó rồi…

Theo Tấn Thư, Xa Dận, tự Vũ Tử người đời Tấn, lúc ít tuổi rất chăm học. Vì nhà nghèo nên mùa hè phải bắt đom đóm cho vào túi để lấy ánh sáng mà đọc sách. Thế cho nên hình tượng con Đom đóm trong văn học cổ thường liên quan đến việc học hành gian khổ theo lối khoa cử. Ngày nay ở một số vùng nông thôn ở Việt Nam hay Trung Quốc, người dân (đặc biệt là trẻ em) vẫn có thói quen bắt Đom đóm bỏ vào những vật dụng trong suốt (ví dụ vỏ trứng) để làm trò chơi hoặc vật dụng chiếu sáng như đèn lồng.

Trong các sách Y học cổ cũng từng nhắc đến Đom đóm như là một thứ thuốc chữa bệnh hữu ích cho con người.

Quyển đầu, sách Nam Dược Thần Hiệu của Lương Y, Thiền Sư Nguyễn Bá Tĩnh chép: “ Đom đóm vị cay, tính ấm, không độc, có ánh sáng, thông thân, sát trùng, trị trẻ con ghẻ lở, chứng quỷ chú (Chết giả, ngất giả), mắt thong manh.

Phần Lĩnh Nam bản thảo trong HẢI THƯỢNG Y TÔNG TÂM LĨNH cũng ghi:

Huỳnh Hoả tục gọi con Đom đóm,
Không độc, ấm cay, tính sáng nhanh.
Thông thần, trừ cổ, trẻ mụn lở,
Quỷ chú, mắt mờ chữa sáng tinh.

Thế nhưng đây mới là điều đáng nói khi hoàng đế Đại Đường là Lý Thế Dân đã từng có  thơ ca ngợi đức cần cù chịu khó và dũng cảm của giống côn trùng nhỏ bé này để nhằm răn dạy người đời:


 
的厯流光小
飄颻薄羽輕
恐畏無人識
獨自暗中明


Phiên âm:


HUỲNH


Đích lịch lưu quang tiểu,
Phiêu diêu bạc vũ khinh.
Khủng uý vô nhân thức,
Độc tự ám trung minh.


Nghĩa:


ĐOM ĐÓM
Lập loè đôi cánh mỏng,
Một đốm lửa xinh xinh.
Hãi hùng chẳng ai biết,
Trong đêm sáng một mình.
 
Con đom đóm kia âm thầm chiếu sáng trong bóng đêm đầy bất trắc mà chẳng cần ai biết ai hay. Việc lấy con đom đóm, một giống côn trùng để làm gương mẫu này khiến chúng ta nhớ đến năm đức Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín của con gà đòn, giống vật yêu thích của nguyên soái Lê Văn Duyệt. Quả là người xưa sống gần thiên nhiên, yêu thiên nhiên và cùng lớn lên với nó, để đến một ngày bản thể chân như hoà cùng vũ trụ. Đọc bài thơ Đom đóm của nhà thơ Ngu Thế Nam  làm nên cách đây ngàn năm, chúng ta càng thấm nhuần cái đạo lí “Vạn vật học ở Đạo, Đạo học ở tự nhiên” của người xưa. Đom đóm, giống vật giản dị ấy, đã cho ta bài học lớn diệu huyền của đại trụ.
 
Để kết thúc câu chuyện người viết bài này chỉ xin nhắc lại một câu trong Đạo Đức kinh:

… “Huyền chi hựu huyền, chúng diệu chi môn”.
(Đạo màu càng màu, chúng diệu phép sâu).

Cái huyền diệu có khi chỉ nằm trong những điều giản dị xung quanh ta vậy.

Nguyễn Hạnh ( Viết theo nhiều tư liệu khoa học) 
 


Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >