Trang chủ arrow Trang chủ
ÂM DƯƠNG CỦA THANH TRONG NGÔN NGỮ VĂN HỌC
13/01/2013
Mỗi tiểu phẩm văn học là kết cấu của ngôn ngữ, cũng là kết cấu của các thanh, nó phải tuân theo quy luật tự nhiên. Trước hết, về nội dung, luôn luôn trong một tiểu phẩm phải có hai vế, vế nêu vấn đề và vế làm trọn vấn đề. Nêu vấn đề là Dương, làm trọn vấn đề là Âm. Đó là hai mặt Âm Dương của tiểu phẩm.

Một số nội dung nữa là số lượng từ ngữ trong tiểu phẩm được chia ra làm hai loại. Thanh bằng  và thanh trắc, đó là Âm Dương của ngôn ngữ.

Xin lấy ca dao, câu đối để phân tích các nội dung Âm Dương vừa nêu trên như sau:

Ca dao, câu đối có chung một hình thức hai vế, vế trước là vế nêu vấn đề, nêu câu hỏi, câu đố là vế Dương theo nghĩa phát tán; vế sau phải giải đáp vấn đề, bổ sung, đối chọi để trọn vẹn ý nghĩa của tiểu phẩm, đó là vế Âm, theo nghĩa âm thu nạp.

Để đảm bảo đúng ý nghĩa của vế, nội dung của từng vế phải hoàn toàn phụ thuộc và nội dung âm dương của thanh, cũng như nội dung tình cảm của cả tiểu phẩm, tuỳ theo tỷ lệ giữa hai loại thanh âm (bằng) và dương (trắc) quyết định.

Để dễ khái quát khi đánh giá một nội dung một tiểu phẩm xin quy nạp theo bảng như sau:

Dương

Nêu vấn đề

Thanh trắc (Có số lượng thanh trắc nhiều hơn thanh bằng)
Tình cảm sôi nổi, biến động hơn

Âm

Bổ túc vấn đề

Thanh bằng (Có số lượng thanh bằng nhiều hơn thanh  trắc)
Tình cảm êm ái dịu dàng hơn

Những tiểu phẩm có số lượng thanh âm và thanh dương bằng nhau hoặc chênh nhau ít là những tiểu phẩm có nội dung đấu tranh, phê phán mạnh mẽ.

Xin nêu mấy ví dụ để minh họạ cho quy luật tình cảm tự nhiên của số lượng thanh âm, dương như sau:

Về câu ca dao:

Câu 1:

Con cò bay lả bay la
Bay từ đồng ruộng bay ra phố phường

Để dễ phân tích trước hết ta đánh dấu âm dương cho các từ trong câu:

Con cò bay lả bay la
 -    -   -    +    -    -
 Bay từ đồng ruộng bay ra phố phường
-   -     -      +    -    -   +      -

Trong câu ca dao này, vế nêu vấn đề có nội dung tình cảm nhẹ nhàng, man mác, êm ái, cho nên trong sáu thanh thì có một thanh dương ở từ  “lả”,  vế bổ túc vấn đề có nội dung tình cảm biến điệu phong phú hơn cho nên trong 8 thanh đã có 2 thanh dương ở những từ “ruộng, phố”.

Nội dung của tiểu phẩm này có tính nhẹ nhàng êm ái cho nên trong tổng số 14 thanh thì có 3 là dương, 11 là âm.

Câu 2:

Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?

Ta đánh âm dương cho các từ trong câu:

Hỡi cô tát nước bên đàng
+     -  +      +    -      -
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi ?
-     -    +    +    -      -     +  -

Trong câu ca dao thứ hai này, vế nêu vấn đề có nội dung tình cảm gay gắt, trịnh thượng cho nên trong 6 từ thì đã có đến 3 từ là thanh dương; ở vế thứ 2 tuy vẫn là câu hỏi, nhưng nội dung tình cảm đã ngả sang trữ tình, có hình ảnh thơ mộng hơn cho nên trong 8 từ chỉ có 3 thanh dương, còn lại 5 thanh âm.

Nội dung tiểu phẩm là một câu hỏi có tính chất gợi mở, bắt đầu bằng một câu chuyện tình tự nhưng chưa có lời đáp nên tổng số từ trong tiểu phẩm có 14 từ có tới 6 thanh dương và 8 thanh âm, tỷ lệ âm dương chênh nhau ít là sự gay cấn vướng mắc tình cảm.

Về câu đối, xin lấy 2 câu đối của Cao Bá Quát làm minh hoạ như sau:

Câu thứ nhất:

Ông nghè ra vế đối:    Ngói đỏ lợp nghè, lớp trên đè lớp dưới
Ông Quát đối :           Đá xanh xây cống, hòn dưới nống hòn trên.

Ta đánh dấu âm dương cho các từ trong hai vế đối:

Ngói đỏ lợp nghè, lớp trên đè lớp dưới
  +     +   +     -      +   -    -  +      -
Đá xanh xây cống, hòn dưới nống hòn trên
 +    -    -     +      -     +     +     -    -

Theo quy luật, ngoài vế đối ý, Đối nghĩa của từ (ngày xưa gọi là nghĩa bóng và nghĩa đen), người đối còn phải đối về tính chất âm dương của từng từ theo thứ tự âm dương của câu đối.

Theo quy luật tình cảm mà xét, ta thấy vế ra đối có 9 từ, trong đó 6 thanh dương và 3 thanh âm, tính chất dương lấn át âm, nó rất phù hợp ý của ông nghè mượn thế bề trên cả về tuổi đời và học vị, dùng hình ảnh ngôn ngữ trấn áp như “lợp, đè”, và buộc đối phương chỉ được phép đối lại với nội dung cho phép trong phạm vi từ ngữ có 6 thanh âm và 3 thanh dương.

Cao Bá Quát vốn có hiểu biết sâu sắc về bản chất ngôn ngữ tiếng Việt, ngoài việc dùng từ ngữ có đối về ý, về phương của nghĩa từ như nống đối với đè, xanh đối với đỏ, dưới đối với trên, đá đối với ngói, ông còn phá bỏ tỉ lệ bắt buộc phải có trong vế đối về âm dương là 6 - ; 3 + thay vào đó bằng tỷ lệ 5 -; 4 +. Tỷ lệ được ông dùng 5 -, 4 + đã bộc lộ tâm trạng gay gắt của ông, thanh được thay thế để có tỷ lệ mới này lại nằm ở từ đầu tiên của vế đối, từ được dùng là “đá” đối với “ngói” thì rất là chỉnh. Ông nghè tuy hiểu rằng Quát rất coi thường ông nhưng về tài văn chương của Quát thì đã tỏ ra xuất chúng nên ông nghè đành phải chấp nhận một sự thật cay đắng chà xát vào tính cao ngạo của nghè.

Câu thứ hai:

Vua Minh Mạng ra:                Nước trong leo lẻo cá đớp cá
Cao Bá Quát đối:          Trời nắng chang chang người trói người.

Câu đối này được ra và đối trong điều kiện người học trò trẻ bị trói trước Thiên tử dưới chế độ phong khiến. Cái chết, cái sống của cậu học trò vi phạm điều cấm về nghi lễ chỉ được giải thoát bằng tài văn chương như ông vua đã hoạch định, và chỉ trong khoảnh khắc ngắn ngủi, ông đối.

Ta cũng đem đánh dấu âm dương của từ ngữ ở cả hai vế đối như sau:

Nước trong leo lẻo cá đớp cá
    +    -     -   +    +   +   +
Trời nắng chang chang người trói người.
  -     +      -       -       -     +      -

Trong câu này ta bỏ qua các  vấn đề về ngữ nghĩa, chỉ xét về tài năng của ông Quát về âm dương của từ ta thấy như sau:

Trước mặt là thiên tử, một ông vua hay chữ, Cao Bá Quát buộc mình phải tuân theo luật đối. Trong vế ra đối có 5 +, 2 -, tất nhiên vế đối phải là 5 – và 2+, về điều này Quát phải không được sai phạm như đối với lần gặp ông nghè, nhưng do tính chất kiêu kỳ, ương ngạch của tài năng, tuy vẫn giữ đúng tỷ lệ âm dương, nhưng ông đã đổi vị trí của một thanh dương về vị trí cần thiết nhất, làm cho vế đối giữ được khí phách của ông. Vế đối không hề mềm yếu trước uy quyền, trái lại, sức tố cáo có âm vang truyền cảm thắng cả uy lực trong lòng ông vua ham văn chương thời đó.

Bảng so sánh âm dương trong câu đối 2


Theo luật                                                      Thực tế Cao Ba Quát đã đối

Ra            +   -   -  +  +  +   +        5+, 2 -                                  +   -  -  +  +  +  +  5  +,  2-
Đối           -   +   +  -  -   -   -        5- , 2 +                                  -   +  -  -   -  +  -   5  -,    2+

Ở trong câu đối này, phần cuối cùng của vế trên và vế dưới mới là nội dung chủ yếu của câu đối, tỷ lệ theo luật, muốn đối lại với ba từ “Cá đớp cá” thì phải có ba từ đều là thanh bằng cả, Cao Bá Quát đã khôn khéo đưa từ ở vị trí thứ  3 chuyển sang thanh bằng rồi dùng thanh trắc ở đó chuyển xuống vị trí thứ 6 để cho ba thanh cuối có một thanh trắc là dương, làm cho nội dung tình cảm mạnh mẽ hơn nhiều lên.

Đối với văn xuôi, nội dung của từng phần cũng như của toàn bài đều nằm trong quy luật tự nhiên của tình cảm như trên. Tôi xin chọn một bài văn xuôi tả người trong sách giáo khoa thư ngày xưa có bố cục ngắn gọn để dễ minh họạ, đó là bài tả người nghiện thuốc phiện như sau:

Mở bài: Trông thầy chánh còm ai ai cũng biết là người nghiện.

Thân bài: Trước kia thầy là người béo tốt, phương phi, tinh nhanh, khôn khéo, mà bây giờ mặt bủng da chì, so vai sụt cổ, giọng nói khàn khàn, cái môi thâm xịt, trông người lẻo khẻo như cò hương.

Kết luận: Thầy mới ăn thuốc phiện mấy năm nay mà đã khác hẳn đi như vậy.

Phần mở đầu gồm 10 từ, trong đó 6 thanh âm và 4 thanh dương, phù hợp với tình cảm nội dung tuy là nêu vấn đề để phê phán nhưng gay cấn chưa nhiều cho nên số thanh âm nhiều hơn dương.

Phần thân bài có 39 từ, trong đó có 25 thanh âm và 14 thanh dương. Trong phần này nếu xét từng đoạn ngắn chúng ta thấy có nhiều khúc biên độ chênh lệch, cao thấp của các thanh cạnh nhau là rất nhiều, chứng tỏ sự phân tích là kỹ càng , tỷ mỷ về mọi nhẽ, nhưng nhìn chung tất cả ta thấy tỷ lệ thanh âm nhiều hơn thanh dương cho nên tình cảm vẫn thiên về sự xót xa, tiếc thương.

Phần kết luận có 15 từ, gồm 7 thanh âm và 8 thanh dương. Tỷ lệ xấp xỉ nhau về âm dương trong số thanh ở phần này phù hợp với nội dung đấu tranh phê phán trong nội dung tư tưởng , tình cảm của tác giả.

Nhìn chung toàn bộ bài có 54 từ, trong đó 38 thanh âm, 16 thanh dương, tình cảm chung toàn bài là có đấu tranh, phê phán nhưng vẫn còn là rất êm ái, dịu dàng, thiên về xót xa thương cảm.

Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >