Trang chủ arrow Âm nhạc dân tộc arrow NGHE CA NƯƠNG KIỀU OANH HÁT CA TRÙ
NGHE CA NƯƠNG KIỀU OANH HÁT CA TRÙ
28/12/2012

Nguyễn Kiều Oanh lại được sinh ra trong một gia đình truyền thống về Ca trù ở Tây Hồ - Hà Nội. Kiều Oanh nói rằng nhà cô "7 đời hát Ca trù" nên từ tấm bé, cô đã được tắm mình trong những giai điệu thánh thót, khoan nhặt của môn hát này. Oanh thừa hưởng "gien" của bố mẹ nên cô có giọng hát Ca trù rất đặc biệt. Sáng, vang, chắc và nảy hạt như những nghệ nhân thực thụ.

Ca nương Nguyễn Kiều Oanh (trái) và kép đàn Nguyễn Văn Khuê


Đến với Ca trù từ khi mới 6 tuổi, vừa tập đánh vần vừa học hát, Nguyễn Kiều Oanh được sống trong một môi trường thẫm đẫm văn hoá dân gian, cho dù nhà cô ở giữa lòng Hà Nội. Ông nội Nguyễn Kiều Oanh là nghệ nhân trống chầu Nguyễn Văn Mùi, bác ruột Kiều Oanh là nghệ sỹ ưu tú Nguyễn Văn Khuê... và nhiều cô, bác khác đều là những nghệ nhân nên việc truyền dạy cho đứa cháu gái bé bỏng Nguyễn Kiều Oanh là "nghĩa vụ" của gia đình để giữ gìn và phát huy truyền thống của dòng tộc.

Dù còn nhỏ nhưng Nguyễn Kiều Oanh rất có ý thức trong việc gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hoá nghệ dân gian. Đến với Ca trù, ban đầu là do "truyền thống" gia đình, nhưng càng ngày, lối hát này càng "ngấm" vào người và cô đã "say" Ca trù không dứt ra được. Buổi sáng học văn hoá ở trường phổ thông Chu Văn An, thời gian còn lại, hầu như cô dành cho Ca trù. Gương mặt bầu bĩnh và phong cách ngoài đời khá "xì tin" nhưng khi lên sân khấu, cô hoàn toàn hoà tan vào những giai điệu đầy tâm trạng của Ca trù. Sự biểu cảm của gương mặt, giọng hát và đặc biệt là tình yêu đối với Ca trù được thể hiện một cách rõ nét qua từng câu luyến láy, lên bổng, xuống trầm cũng như cách gõ phách của Nguyễn Kiều Oanh đã hoàn toàn chinh phục khán giả.

"Khi hát Ca trù, em thấy mình chính là nhân vật trong đó. Ca trù cho em cả tính kiên trì, bởi Ca trù lời cổ rất khó hiểu nên phải có thời gian ngẫm nghĩ cũng như tìm hiểu thì mình mới biết. Nhưng khi biết được nội dung của từng bài thì lại thấy nó rất ý nghĩa đối với cuộc sống bản thân. Ca trù cũng làm cho em thấy yêu văn học hơn bởi lời ca đầy chất thơ, và em cũng thấy mình... nữ tính hơn". Nguyễn Kiều Oanh bộc bạch.

Với 7 huy chương vàng qua các cuộc thi, Nguyễn Kiều Oanh đang tiếp tực "sưu tầm" những tấm huy chương cho mình với bộ môn Ca trù. Nhưng hơn thế, đó chính là niềm đam mê bộ môn nghệ thuật truyền thống và cô luôn có ý thức gìn giữ và bảo tồn. Với các bạn trẻ 9x, Kiều Oanh nói rằng, "các bạn thích nhạc trẻ là chuyện không sai, nhưng hãy thử đến với Ca trù, không cần học hát mà chỉ cần ngồi tĩnh tại và nghe, một vài lần, các bạn sẽ thấy Ca trù hay và ý nghĩa như thế nào. Nhạc trẻ như Pop, rock... đều là của nước ngoài, chỉ có dân ca mới chính là âm nhạc của Việt Nam. Kiều Oanh cũng là một 9x "xì tin", nhưng lại yêu Ca trù, chứng tỏ loại hình nghệ thuật này phải có sức hấp dẫn đặc biệt, do đó Kiều Oanh luôn mong các bạn cùng trang lứa hãy cùng chung tay để gìn giữ, bảo tồn và phát huy những bộ môn nghệ thuật truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam".

http://www.youtube.com/watch?feature=player_embedded&v=wpnlG--lgqA#!

 Tùng Huy (Nguồn: vnmedia)


Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >