Trang chủ arrow Tin tức arrow Hồn Việt lắng sâu trong kiến trúc cổ
Hồn Việt lắng sâu trong kiến trúc cổ
12/08/2010

Theo suckhoedoisong.vn - 03/04/2009

Ngôi nhà do Bùi Hoài Mai thiết kế. Bạn bè trìu mến gọi Bùi Hoài Mai bằng cái tên Mai “mải chơi”. Chẳng “oan ức” gì. Bởi sau những đam mê gốm cổ, xe máy kềnh càng, ô tô cũ, ông hoạ sĩ có vẻ ngoài rất phong trần, lãng tử này đang dành trọn trái tim cho việc tạo dựng những ngôi nhà đậm màu hoài cổ...

Chạy xe dưới ánh nắng, hun hút theo trục đường quốc lộ 1B dài xấp xỉ ba chục cây số, tôi mới tới được ngôi làng nhỏ bình dị thuộc xã Hiên Vân, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Sau cái nắng rát mặt, bụi đường cay sè lòng mắt, tâm hồn tôi như dịu lại khi được đắm mình trong hương rạ mới phơi, chìm trong bóng rợp của gần chục ngôi nhà in đậm phong vị kiến trúc cổ vùng đồng bằng Bắc Bộ - vốn là những tác phẩm đầy tâm huyết của Bùi Hoài Mai...

Là một nhà nhiếp ảnh, người sưu tầm gốm cổ, nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Đông Nam Á, kiến trúc sư thiết kế hàng loạt ngôi nhà cổ ở Việt Nam..., Bùi Hoài Mai rất tinh tế khi cắt xén, phát hiện những góc, cạnh trong ngôi nhà, thổi vào đó cái yên bình dân dã đầy chất thơ của cuộc sống ngày thường.

 

Từ bộ sưu tập gốm cổ đến cái tên gốm Mai

Những bình bát, chén đĩa gốm cổ hiện diện khắp nơi trong hai ngôi nhà mà anh Mai đang sở hữu tại thôn Na và thôn Hiên là kết quả của nhiều năm kỳ công sưu tập, nghiên cứu gốm từ góc độ mỹ học và dân tộc học. Nhiều bài nghiên cứu đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành, những cuốn sách Đồ gốm triều đại Lý – Trần, Đồ gốm triều Lê, Giải mã hoa văn trên gốm cổ... đã lần lượt được các NXB ấn hành từ niềm đam mê ấy.

Một xưởng gốm đã được Mai tạo dựng tại thôn Na, nơi anh có thể thoả sức bay bổng trong những giấc mơ sáng tạo và cho ra đời những sản phẩm tạo nên một tổng thể rất đỗi hài hoà cho những công trình kiến trúc của riêng mình.

Chắt lọc từ các tác phẩm điêu khắc của đình chùa, mô phỏng theo đường nét của những mảng chạm trên mái đình Tây Đằng hay chùa Tây Phương, rút tỉa từ các hình khối chạm trên đá của chùa Bút Tháp..., hoạ sĩ đã tạo nên các bức tượng gốm ngộ nghĩnh cũng như các mảng phù điêu gốm mang sắc màu tươi thắm. Những voi, ngựa,... vừa uyển chuyển, vừa chất phác, đã trở thành chi tiết trang trí cho ngôi nhà nhỏ mát rượi bóng cây.

Tới thăm xưởng gốm của người nghệ sĩ ham chơi, thật thú vị khi được chiêm ngưỡng những sản phẩm để mộc ánh lên màu đỏ hồng ấm áp của đất nung, những sản phẩm được phủ men gio tự nhiên (hội đủ các sắc độ từ xanh cô ban, xanh lục, vàng ngà đến đỏ bã trầu) hay ẩn giấu những đường vân men rạn tự nhiên. Một dòng gốm với kỹ thuật, đề tài truyền thống nhưng mang đậm ý tưởng và cách ứng dụng mới lạ đã ra đời – gốm Mai (cái cách mà bạn bè yêu quý anh thường gọi).

Từ niềm đam mê di sản kiến trúc vô giá của cha ông 

Trong căn nhà có tổng diện tích gần 500m2 ở thôn Hiên. Nhâm nhi chén trà giữa những bức tường gạch xây để mộc điểm xuyết dăm ba bức tranh gốm. Thả tầm mắt qua ô cửa ngắm nhìn tường bao đắp đất vàng ruộm. Nhìn mặt ao loáng thoáng sắc xanh – hồng của lá và bông súng. Thưởng thức sự hài hoà của miệng giếng đất nung mềm mại hoa văn bên gốc chuối xanh mướt. Mới thấy ông hoạ sĩ thật có lý khi chọn cho mình một không gian sống tĩnh lặng đến thế.

“Kiến trúc của những ngôi nhà thuần Việt có niêm luật rất chuẩn mực về tỷ lệ. Và chịu bỏ công tìm hiểu, ta sẽ thấy di sản kiến trúc mà cha ông ta để lại đều vô cùng hợp lý. Một đất nước với khí hậu nóng ẩm nhiệt đới, mưa luôn xiên, nắng thừa thãi tạo nên độ dốc hợp lý của mái ngói, độ rộng của hiên, của cửa ra vào và cửa sổ. Nét lượn cong thanh thoát của mái lợp ngói vảy, hàng cột gỗ hài hoà, đầu hồi gác xà nhà đục chạm thêm những hoạ tiết tinh xảo, mềm mại. Kiến trúc ấy rất phù hợp với một dân tộc phải sống qua bao cuộc chiến tranh, loạn lạc. Giặc tới, có thể tháo cả căn nhà giấu xuống ao. Giặc đi, nhà lại được vớt lên, lắp ráp lại. Nghèo, làm nhà nhỏ. Được mùa dăm ba vụ, họ có thể cơi nới thêm một hai gian. Tinh thần, hồn cốt Việt ẩn chứa ngay trong nét kiến trúc độc đáo ấy.

“Có người bảo tôi chơi nhà giả cổ. Hoàn toàn không chính xác. Tôi đâu có làm giả. Đó là nhà của tôi, tựa vào những tinh hoa cha ông mình đúc kết rồi đưa nó vào cuộc sống đương đại hôm nay” – anh khẳng định.

Đến những ngôi nhà 3G

Gạch – gốm – gỗ, ba thứ nguyên liệu đơn sơ ấy được Bùi Hoài Mai nhào trộn, kết hợp để tạo nên những không gian kiến trúc dễ làm say lòng người. Chỉ là gạch mộc và vôi vữa, cột kèo cũng chỉ dùng gỗ xoan, gốm nhấn nhá ở mọi nơi mọi chỗ song từ trong tới ngoài ngôi nhà đều như chất chứa tinh thần riêng biệt của cuộc hợp duyên giữa những chất liệu.

Mái ngói, khung gỗ xoan ngâm với những hàng cột gỗ kê trên những bệ gốm tròn trang trí hoa sen. Những phù điêu gỗ trang trí trên tường nhà, cửa sổ. Những bộ cửa ra vào cài then ngang bằng những cây gỗ dài. Những viên gạch gốm lát nền đan xen với những viên gốm nhỏ trang trí hoa văn giản đơn nhưng không kém phần tinh xảo. Tường đắp đất đơn sơ được đục đẽo bằng tay để trở thành bức phù điêu khổ lớn. Tất cả đều phảng phất phong cách điêu khắc đình chùa nhưng lại giữ nguyên công năng của nhà ở. Chính giữa vẫn là phòng thờ, cổ kính một bàn thờ gỗ cổ, trên đó pho tượng gốm Quan Âm nghìn mắt nghìn tay, mới nung nhưng đã có sắc màu thời gian, xung quanh không gian thờ vẫn giữ nguyên đường nét “cũ kỹ” với hoành phi, câu đối, sập gỗ, tràng kỷ... Sự công phu của “kiến trúc sư” cùng bàn tay tinh xảo của những người thợ thủ công hiện diện ở khắp mọi nơi.

Giản dị, đằm thắm, tuân thủ hình hài cũ mà không nệ cổ - tất cả vừa đủ để tạo nên thú nhàn hạ chốn thôn quê mà không tách rời tính cách sáng tạo của nghệ sĩ. Căn nhà được xây dựng vô cùng ngẫu hứng, lúc đi lên, khi đi xuống qua những bậc thang gỗ để mộc được trang trí bằng gốm, bằng tranh sơn dầu, bằng sách, bằng sập gỗ, tràng kỷ. Nương theo thế đất, ngôi nhà của anh mang đậm dấu ấn lãng tử, ham chơi của chính chủ nhân. Một kiến trúc mở, không hề có bản vẽ thiết kế. Cứ bán được tranh, có thêm ít tiền, Mai lại làm thêm một hai gian phòng nào đó. Nhìn từ ngoài vào, mái ngói lô xô của một ngôi nhà luôn có cảm giác dở dang, chưa thật sự hoàn thiện mang nét quyến rũ rất riêng. 

Từ năm 1997, căn nhà mà Mai tạo ra để làm xưởng vẽ đã quyến rũ nhiều bè bạn, người quen. Họ kéo nhau tới Hiên Vân mua đất, rồi nhờ Mai dựng nhà. Dần dà, anh trở thành kiến trúc sư lúc nào không hay. Rồi được mời thiết kế và đảm nhiệm luôn cương vị tổng công trình sư cho khách sạn bốn sao Long Beach’s Ancient Village Resort & Spa tại đảo ngọc Phú Quốc. Tham gia xây dựng cả loạt resort cao cấp ở nhiều tỉnh. Những ngôi nhà nhỏ lẻ anh thiết kế cho mọi người cũng đã lên tới con số dăm chục. Như cái tên Mạnh Đức gắn với nhà sàn, Thành Chương với Biệt phủ, Bùi Hoài Mai đã trở thành một thương hiệu gắn với những ngôi nhà kế thừa và phát huy vốn cổ dân tộc. Để những di sản vô giá được vĩnh viễn trường tồn cùng năm tháng.

Bài và ảnh: Huyền Nga

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >