Trang chủ arrow Tản mạn arrow 1. TÌNH DỤC HỌC - MỘT NGÀNH KHOA HỌC TRẺ
1. TÌNH DỤC HỌC - MỘT NGÀNH KHOA HỌC TRẺ
25/12/2009
Giáo dục về tình dục là một bộ phận trong chương trình giáo dục về chức năng, bổn phận của vợ chồng, cha mẹ. Chúng ta biết rằng tình dục tồn tại như một bộ phận hoạt động cấu thành đời sống con người. Chính nó là cơ sở sâu xa cho sự xuất hiện tình yêu, tình vợ chồng, và nhờ nó mà trẻ em ra đời, loài người tồn tại. Những bài học về tình dục đã và đang đi vào thời khóa biểu học sinh nhiều nước, hoàn toàn bình đẳng bên cạnh các môn toán học, địa lý, văn học v.v… Đáng tiếc rằng hiện nay trong nhiều trường phổ thông, những bài giảng cho học sinh về tình dục vẫn còn là những giờ học đầy lúng túng và ngần ngại đối với giáo viên. Nhiều giáo viên vừa giảng vừa lo sợ trước những phản ứng của phụ huynh học sinh ở nhà.

Loài người đang chinh phục vũ trụ, nhưng hiểu biết về thái độ của con người về đời sống tình dục của chính mình thì nhiều khi chẳng hơn gì hiểu biết và thái độ của người Trung Cổ. Cách đây hàng chục thế kỷ, người ta vẫn xem tình dục như là một điều xấu xa của thiên nhiên, với con người thì như một điều tội lỗi và không… sạch sẽ. Thật khó xử cho các ông bố, bà mẹ khi cô con gái của mình hoảng hốt báo tin mình bị “đổ máu”, hoặc cậu con trai run rẩy thổ lộ rằng con thấy có… “dầu nhờn”. Và tình hình càng khó xử hơn nữa khi cha mẹ phát hiện ra thằng con trai ngộc nghệch của mình đang bí mật thủ dâm. Có lẽ những ông bố, bà mẹ đó quen nghĩ rằng, đối với vấn đề tình dục thì con mình đã được học môn giải phẫu sinh lý rồi. Vì vậy, trước nhiều câu hỏi bất ngờ của đứa con đang lớn, họ không biết trả lời ra sao và cũng không biết trong tủ sách gia đình mình cần có một quyển từ điển thế nào cho thích hợp. Ngược lại với thái độ trên, lại có không ít những ông bố, bà mẹ “hiện đại”, tiêm nhiễm cho con cái mình những lối sống tình dục phóng đãng.

Nhìn chung, đại đa số những ông bố bà mẹ trong chuyện này thường để con cái hoang mang, cô đơn, không người dẫn dắt, bảo ban. Các kết quả điều tra cho thấy, các cô con gái ít nhiều còn được các bà mẹ thì thầm dặn dò, còn đại đa số các cậu con trai thì bị cha mẹ phó mặc, bỏ rơi. Họa hoằn lắm các cậu mới được một lời nói cộc lốc của bố. Vì vậy, về chuyện này các cậu hiểu biết rất lơ mơ. Thường thì các ông bố, bà mẹ hay lảng tránh những câu hỏi tò mò của con. Và trong thâm tâm, họ tự giải thích sự lúng túng của mình theo kiểu: “Đằng nào thì nó vẫn là trẻ con”. Một vài năm sau, bố mẹ cũng có chủ động thăm dò, nhưng sau một vài câu họ đã vội yên trí rằng: “Nó biết cả rồi”. Thế là một chuyện rất hệ trọng chưa có mở đầu đã kết thúc một cách chóng vánh, giả tạo, trong sự ngượng ngùng của cả cha mẹ và con cái. Các cô các cậu lại phải tự mò mẫm, tìm những dịp thuận lợi để thu lượm những thông tin bí mật về chuyện này. Do không muốn cha mẹ phải phiền lòng nên trước mặt cha mẹ, các cô các cậu thường tỏ ra mình thờ ơ trước “chuyện đó”. Một vài năm trôi qua, cha mẹ mới giật mình nhận ra trong lĩnh vực tình dục, con cái mình đã quay lưng lại những tập quán lâu nay, lối ứng xử của chúng trong chuyện này thật quá khó hiểu đối với các thế hệ trước.

Hiện nay, không ít các ông bố, bà mẹ quan niệm rằng, những chuyện xung quanh vấn đề tình dục thì chẳng cần phải học, “cứ lớn lên là khắc biết”. Những người đó chắc sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng có một ngành khoa học độc lập, chuyên nghiên cứu sự phát triển tình dục và đời sống tình dục của con người. Đó là Tình dục học (sexologie).

Mặc dù các nhà thơ, các nhà triết học đã quan tâm tới tình yêu và sự ân ái của con người ngay từ thời cổ đại, nhưng việc nghiên cứu một cách nghiêm túc hoạt động tình dục trên cơ sở khoa học chỉ được tiến hành cách đây không lâu. Có thể coi cuốn “Những rối loạn tình dục” xuất bản năm 1886 của nhà tâm lý học Kraphta Ebinzo (Áo) là cuốn sách nghiên cứu tình dục đầu tiên. Đây là cuốn sách thống kê lại những biểu hiện tình dục đa dạng, chủ yếu là những hiện tượng rối loạn tình dục. Nhờ nó, người ta mới vỡ lẽ về những trạng thái rối loạn tình dục, như hiếp dâm, tình dục bạo lực... Những khái niệm như khiêu dâm, kích dục thị giác, tình dục kiềm chế, ức chế tình dục... được K. Ebinzo đưa ra cách đây một trăm năm.

Sau K. Ebinzo, đã có nhiều công trình nghiên cứu hiện tượng tình dục đồng giới theo quan điểm tiến bộ. Nhiều nhà nghiên cứu coi tình dục đồng giới (hay còn gọi là “đồng tính luyến ái”) như một hiện tượng bẩm sinh. Từ thời Cơ Đốc giáo, tình dục đồng giới đã bị xem như một hiện tượng phóng đãng, quái đản, một sự suy sụp về nhân cách hay là một biến chứng của một bệnh ngứa. Từ sau Ebinzo, nhiều nhà khoa học đã không lên án những nhu cầu của người đồng tính luyến ái.

Người có công thúc đẩy tình dục học phát triển là nhà tâm lý S. Freud (người Tiệp Khắc, sống ở Áo), người sáng lập ngành phân tâm học. Ngay từ đầu thế kỷ này, ông đã xem xét những nhân tố xã hội trên cơ sở môi trường con người sinh sống, lý giải những hành vi con người bằng những vận động thầm kín của đời sống tâm sinh lý. Ông nhấn mạnh rằng, sự xuất hiện bệnh thần kinh có thể là do khi còn bé, bệnh nhân được giáo dục quá kém, do những chấn động tâm lý thời thơ ấu, thời dậy thì, hoặc do những xung đột có tính xã hội khác. Năm 1905, ông cho xuất bản một cuốn sách rất có ý nghĩa: “Ba bài thảo luận về tình dục”. Một số quan điểm của ông cho tới nay vẫn giữ nguyên giá trị khoa học. Tuy nhiên, do chỉ dựa vào những quan sát y học, ông đã đưa ra nhiều quan điểm cực đoan, không đủ sức đứng vững trước sự phát triển của khoa học ngày nay.

Trong hàng chục năm liền, lý thuyết thăng hoa (Sublimace) của S. Freud đã hấp dẫn nhiều giới khoa học. Theo lý thuyết này, chỉ một phần của năng lượng tình dục được tiêu hao trong hoạt động tình dục; số năng lượng còn lại được chuyển hóa vào các lĩnh vực hoạt động khác như văn hóa, nghệ thuật, chính trị, tôn giáo… Cũng theo lý thuyết này, xã hội sẽ tốt hơn lên nếu con người hạn chế hoặc ngăn ngừa được năng lượng và bản năng tình dục, chuyển những năng lượng đó vào những lĩnh vực hoạt động khác. Từ lý thuyết thăng hoa của Freud, có thể rút ra kết luận: người nào “mạnh mẽ” trong đời sống tình dục thì ít thành công trong lao động và những hoạt động khác, cho dù anh ta khỏe mạnh và hoàn toàn sáng suốt. Điều đó cũng có nghĩa là người nào phung phí quá nhiều sức lực vào những lĩnh vực “phi tình dục”, đầu tư năng lượng của mình vào những hoạt động xã hội khác thì sẽ yếu đuối trong chuyện tình dục.

Tất nhiên, những người ủng hộ lý thuyết thăng hoa có thể tìm được nhiều ví dụ phù hợp để chứng minh cho nó. Nhưng việc khẳng định hay phủ nhận một lý thuyết không thể chỉ bằng cách đưa ra một vài trường hợp riêng lẻ. Chúng tôi không có ý định khẳng định hay phủ định lý thuyết này, chỉ nêu ra một thực tế là, có nhiều nghệ sĩ, chính trị gia, nhà khoa học nổi tiếng đã làm việc quên mình trong các lĩnh vực chuyên môn, đồng thời vẫn khá mạnh mẽ trong lĩnh vực tình dục. Những kết quả thăm dò gần đây đã chứng minh mối liên hệ qua lại tích cực giữa hai lĩnh vực hoạt động: tình dục và phi tình dục. Chân lý dường như lại nằm trong cái lý thuyết “Phản thăng hoa” này: “Khi các hoạt động sản xuất, sáng tạo khoa học, nghệ thuật đạt hiệu quả cao, người ta sẽ vui vẻ, hài lòng, dẫn đến đòi hỏi khắt khe hơn trong hưởng thụ cá nhân. Vì vậy mà nhu cầu tình dục của người ta dễ bị kích thích, thức dậy. Ngược lại, khi cuộc sống tình dục đầy đủ, hài lòng thì con người cảm thấy say mê hơn trong các hoạt động lao động sáng tạo”.

Một bước nhẩy vọt nữa của khoa học tình dục là những công trình nghiên cứu của A.C. Kinsey và những cộng sự của ông. Tuy là giáo sư động vật học nhưng Kinsey là người đầu tiên nghiên cứu tình dục từ góc độ xã hội học. Ông đã tiến hành kiểm tra rất nhiều phụ nữ và đàn ông. Kết quả kiểm tra được công bố trong cuốn sách “Ứng xử tình dục của đàn ông”, in năm 1948, với số lượng 200.000 cuốn. Sách được bán hết ngay trong vòng hai tháng. Lý do hấp dẫn của cuốn sách rất đơn giản: Lần đầu tiên trong lịch sử loài người, một số liệu cụ thể về đời sống tình dục được công bố rất nghiêm túc và lý giải một cách khoa học.

Trước đó, không ai biết chuyện thủ dâm phổ biến tới mức độ nào, bao nhiêu đàn ông, đàn bà nếm trải thứ tình dục đồng giới, bao nhiêu phần trăm phụ nữ “biết” từ 5 bạn tình trở lên. Một điều đáng ngạc nhiên nữa là cuốn sách còn công bố bao nhiêu phần trăm các cặp bạn tình kích thích bộ phận sinh dục bằng miệng, trong khi thời ấy người ta vẫn coi phương pháp kích thích này là một sự đồi bại.

Cuốn sách của Kinsey như một trái bom làm rạn nứt định kiến xã hội. Dưới sự tác động của những số liệu điều tra, xã hội học buộc phải thay đổi một số quan niệm. Ví dụ, nếu như trong thực tế có tới 90% đàn ông trẻ thủ dâm thì phải xem hành vi tình dục đó là điều bình thường, và xã hội phải quan tâm lưu ý không phải tới 90% đó, mà là với 10% còn lại kia.

Cuốn sách của Kinsey đã phân chia dư luận xã hội làm hai khối: tán thành và phản đối việc công bố các số liệu khách quan đó. Giới thầy tu, chính khách công khai phản đối việc lưu hành cuốn sách. Họ tuyên bố rằng, Kinsey đã phá vỡ nền tảng luân lý Mỹ, rằng những hoạt động tương tự như vậy sẽ làm suy sụp xã hội Mỹ... Thực ra, Kinsey đã phê phán xã hội Mỹ. Ông chứng minh tính giả tạo của những lý tưởng đạo đức Mỹ, khơi lên mối nghi ngờ về giá trị đích thực của chúng. Tất nhiên những con số mà ông công bố chỉ có ý nghĩa lịch sử, bởi vì nó chỉ phản ánh thực trạng đời sống tình dục Mỹ những năm 40 của thế kỷ 20.

Một mốc lớn nữa trong sự phát triển tình dục học là công trình nghiên cứu của nhà di truyền học V.H. Maxter và vợ ông, nhà tâm lý học V.E. Johnson. Vào những năm 60, họ quan tâm tới một khía cạnh khác của tình dục, đó là những quá trình sinh lý của xúc động tình dục và sự thỏa mãn tình dục. Họ đã quan sát các phản ứng sinh lý của 400 phụ nữ và 300 đàn ông trong khi giao hợp và hứng dục. Họ còn tiến hành quan sát 7.500 cơ quan sinh dục phụ nữ và 2.500 bộ phận sinh dục đàn ông. Vợ chồng ông bà Maxter đã trở nên nổi tiếng và rất gần gũi với mọi người thời bấy giờ vì đã chữa rất thành công cho nhiều cặp vợ chồng bị rối loạn chức năng tình dục. Chính Maxter là người đầu tiên khẳng định rằng, quá trình giao tiếp tình dục diễn ra qua 4 giai đoạn.

Năm 1968, hai nhà nghiên cứu Phordo và Bach (Tiệp Khắc) công bố cuốn sách nổi tiếng “Những hình thái tình dục”. Hai ông đã tiến hành so sánh hoạt động tình dục của từng dân tộc và chủng tộc khác nhau, bổ sung thêm những thông tin mới về dịch học và sinh lý học. Hai ông đã khẳng định rằng, các hình thức hoạt động tình dục không đơn thuần nảy sinh từ trạng thái hoóc môn của cơ thể mà còn từ những yếu tố tâm lý xã hội.

Việc nghiên cứu tình dục ngày càng trở nên khẩn trương và có ý nghĩa xã hội quan trọng. Nó là vấn đề sức khỏe của mỗi cá nhân, đồng thời là vấn đề cần quan tâm chung của xã hội. Nó góp phần giải phóng xã hội khỏi các định kiến sai lầm và giải phóng con người thoát khỏi những dằn vặt và chịu đựng phi lý. Ngành khoa học này đã và đang đưa ra khả năng chữa chạy các bệnh rối loạn tình dục, khám phá được cơ sở sinh lý của những người thường bị coi là “đa dâm” và đề ra những biện pháp nhằm ổn định trạng thái tình dục của họ.

Nhờ nắm bắt được quy luật phát triển tâm sinh lý của con người, ngành nghiên cứu này đã đưa ra chương trình giáo dục các lứa tuổi trẻ về tình dục một cách khoa học.
 
J.P. Maslova 

Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >