Trang chủ arrow Tin tức arrow PHÍA SAU CÁC CÁNH DIỀU LẤP LÁNH
PHÍA SAU CÁC CÁNH DIỀU LẤP LÁNH
10/04/2008


15:29' 10/03/2008 (GMT+7)
 
 - Giải thưởng Cánh diều vàng 2007 vừa kết thúc tối 9/3, nhưng dư âm đằng sau gam màu sáng lấp lánh của những cánh diều vàng, diều bạc thì vẫn còn.
 

Chương trình "nghiêm", nghệ sĩ "nghỉ"

Lễ trao giải trang trọng đến cứng nhắc. (V.T)

Một quan chức trong Ban chỉ đạo giải Cánh diều 2007 tiết lộ rằng ở trước sân khấu, trên ống kính truyền hình, mọi việc nom có vẻ suôn sẻ, nhưng đằng sau hậu trường thì "rối như canh hẹ".

Đích thân ông suýt ngất xỉu vì phải tìm lối đi như mê cung phía sau cánh gà nhà hát để nhắc MC giới thiệu quan khách cao cấp.

Ngay cả đạo diễn của chương trình đêm trao giải, ông Đinh Anh Dũng, cũng thẳng thắn phê và tự phê bình lễ trao giải diễn ra quá cứng nhắc.

Áp lực của một chương trình truyền hình trực tiếp trên cả nước lẫn đòi hỏi phải đạt được một đêm trao giải hoành tráng, sang trọng đã làm cho các thành phần tham gia bị gò bó.

Có vài nghệ sĩ tiết lộ khi lên sân khấu trao giải hoặc nhận giải rất muốn phát biểu hài hước một chút, nhưng trước không khí quá nghiêm trọng của đêm lễ, họ đã bảo đảm an toàn cho mình và cho mọi người bằng những câu nói vô thưởng vô phạt!

Chỉ có bộ đôi, cha - nhà văn Nguyễn Quang Sáng lên trao giải và con - đạo diễn Nguyễn Quang Dũng lên nhận giải là còn dám bông phèng đôi câu.

Ngay cả MC cũng rơi vào tình trạng "cứng người". Ông Dũng cho rằng: "Tôi muốn MC phải là người hoạt náo để tạo không khí, chứ không phải đọc và giới thiệu đều đều như thế".

Trong khi đó, dù lễ trao giải cố gắng trang trọng, nhưng tình trạng một số nghệ sĩ phục sức tuềnh toàng bước lên sân khấu nhận giải vẫn còn tái diễn. Ban tổ chức có chuẩn bị áo vest cho nghệ sĩ mượn nhưng chắc chẳng ai đủ thời gian để mặc khi sóng truyền hình trực tiếp được tính từng phút.

Sao không có Cánh diều vàng?

Mùa sau ai sẽ đưa diều bay cao?

Mối quan tâm hàng đầu ở giải Cánh diều luôn là hạng mục phim truyện nhựa xuất sắc nhất và chuyện "hậu Cánh diều" nếu có, cũng phát nguồn từ đây.

Ban giám khảo phim truyện nhựa mùa giải năm nay không phải đã "yên thân" dù các giám khảo Bùi Thạc Chuyên, Nguyễn Khải Hưng, Đỗ Hải Yến đều bay về Hà Nội ngay hôm sau, còn NSND Huy Thành đã đổ bệnh sau tối trao giải.

Trưởng ban tổ chức, bà Dương Cẩm Thúy khẳng định Ban giám khảo đã làm đúng quy chế và không có tranh cãi gì: "Ban giám khảo họp và thảo luận thẳng thắn sau khi xem hết 11 phim, có ghi biên bản và ban thường vụ của Hội Điện ảnh gồm 4 người đã trực tiếp kiểm phiếu, cộng điểm".

Vì thế, theo Ban tổ chức, việc hai phim Trái tim bé bỏngNụ hôn thần chết cùng đồng giải Cánh diều bạc nhưng lại được trao hai lần và... thêm số 1 sau giải của Trái tim bé bỏng chỉ là một động tác kỹ thuật trong đêm lễ.

Trái tim bé bỏng được 8,6 điểm, còn Nụ hôn thần chết được 8,5 điểm, đều nằm trong khung điểm giải bạc (từ 8,1 đến 9), nên bằng chứng nhận như nhau và tất nhiên, tiền thưởng cũng bằng nhau.

Tuy nhiên, đạo diễn Đinh Anh Dũng lại cho rằng không nên đưa ra một thang điểm cứng nhắc như thế: "Tôi cho rằng dù chưa có phim xuất sắc nhưng vẫn có phim hay nhất trong số những phim... dở. Một lễ trao giải thì phải có giải vàng. Không nên đưa ra thang điểm rồi tự buộc mình theo như thế!".

Lỗ nặng!

TIN LIÊN QUAN

Từ khi Hội Điện ảnh Việt Nam tự đứng ra tổ chức, cho đến khi có công ty truyền thông góp tay thực hiện, chưa ai dám nghĩ chuyện lấy lãi ở giải thưởng Cánh diều. Nhưng cũng không ai nghĩ rằng sẽ lỗ nặng như lễ trao giải lần đầu tiên xã hội hóa năm nay.

Chủ tịch Hội Điện ảnh, ông Trần Luân Kim, cho rằng hầu bao của đơn vị tổ chức thủng nặng sau lễ trao giải.

Toàn bộ tầng trệt Nhà hát Hòa Bình, TP.HCM gồm hơn 1.000 chỗ (trong tổng số hơn 2.000 ghế) được dành cho vé mời, Ban tổ chức chỉ bán vé ở tầng lầu. Tuy nhiên, do lượng khách mời tăng, khá nhiều vé dành để bán đã được rút lại.

Ông Lâm Quang Tùng, Phó giám đốc Trung tâm phát triển dịch vụ truyền thông điện ảnh đa phương tiện (CFM) cho biết chi phí tổ chức lễ trao giải khoảng hơn 1 tỷ đồng. Doanh thu từ việc bán vé nói trên như muối bỏ biển.

Ông Tùng khẳng định: "Chưa biết... lỗ bao nhiêu nhưng chúng tôi không xác định kinh doanh ở lễ trao giải Cánh diều. Chẳng ai đi nhận một sự kiện vào cuối quý 4 rồi tổ chức ngay sau tết như vậy. Đó là trách nhiệm".

Nhưng đấy là CFM, đơn vị trực thuộc Hội Điện ảnh. Do đó ngoài CFM ra, có đơn vị nào dám nhảy vào tổ chức giải Cánh diều, dù rất muốn thể hiện tâm huyết với phim ảnh nước nhà?

Liệu rằng sau giải năm nay, vì chịu không thấu chuyện lỗ lãi, CFM có rút lui, đơn vị khác thì chưa chắc đủ dũng khí để trám chỗ. Hội Điện ảnh biết loay hoay thế nào, khi cơ thể đứa con ruột Cánh diều đã lớn, mà người cha Hội Điện ảnh thì không đủ tiền may áo mới cho con?

  • Võ Tiến


Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >