Trang chủ arrow Tin tức arrow THÔNG CÁO BÁO CHÍ VŨ HỘI CHỮ
THÔNG CÁO BÁO CHÍ VŨ HỘI CHỮ
10/04/2008

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Chương trình biểu diễn nghệ thuật thư pháp hành vi.

VŨ HỘI CHỮ

 


Chưa bao giờ câu chuyện về thư pháp Việt Nam lại được công chúng quan tâm và nhắc nhiều đến nó như hiện nay. Cuộc nổi chìm của con chữ thánh hiền, lúc trầm lúc bổng, làm nên hình dạng của sự vận động nội tại thư pháp nước nhà, kéo theo các ngã rẽ trong khuynh hướng phân-hợp, hợp-phân, để cuối cùng, nó đến được cái đích: Hợp nhất các khuynh hướng phát triển của thư pháp Việt Nam, bình ổn “thế chân vạc”: Hán, Nôm – Quốc ngữ - Tiền vệ, thiết lập một kết cấu mới, kết cấu của sự phản ánh đa chiều, phô bày tính đa nguyên thẩm mỹ trong nghệ thuật thư pháp.

Với sự nhận thức ấy, Bà Nguyễn Nga là một người Pháp gốc Việt – giám đốc Maison Der Arts gallery đồng ý tài trợ toàn phần kinh phí cho cuộc biểu diễn nghệ thuật Thư pháp hành vi được tổ chức tại tầng 1 số 31A Văn Miếu, Hà Nội. Maison Der Arts gallery  mong muốn làm cho câu chuyện về thư pháp Việt Nam được rõ nét hơn, bằng việc đẩy nó đến đỉnh điểm của hành vi, đưa nghệ thuật thư pháp từ tĩnh sang động.  Maison Der Arts gallery  chủ động mời các thư pháp gia đại diện cho thời đại @ - những người đã từng có những cống hiến nhất định đối với sự phát triển của Thư pháp nước nhà trong những năm gần đây đồng thời tài trợ cho các thư gia toàn phần kinh phí, từ chất liệu sáng tác tác phẩm đến tổ chức trình hiện, triển lãm và biểu diễn.

Chương trình biểu diễn nghệ thuật thư pháp hành vi lần này, một lần nữa, phá bỏ sự gò túng của không gian chữ thuần túy. Nội hàm cuộc triển lãm là phản ánh sự biến đổi nội tại của nghệ thuật Thư pháp Việt Nam, từ truyền thống đến đương đại, hoặc ngược lại, đương đại đến từ truyền thống. Từ văn hóa xin cho đến mua bán. Ý niệm này được ngưng kết trong tác phẩm thông qua nghệ thuật hành vi. Chữ viết thông qua ba thời kỳ tiêu biểu: Hán Nôm - Quốc ngữ - Tiền vệ tương ứng với 3 Thư pháp gia biểu diễn. Khung cảnh biểu diễn được thiết kế theo nghệ thuật sắp đặt bồi dán từ tường, trần nhà đến các vật dụng, được dán bởi hàng trăm “miếng” Thư pháp các thể chữ Hán Nôm, Quốc ngữ và Tiền vệ - Trừu tượng các cỡ, trên giấy Xuyến chỉ với mầu sắc khác nhau (phần tranh bồi dán trên tường sau vứt bỏ). Những tác phẩm làm nên cuộc chắp vá cho con đường phát triển của thư pháp Việt Nam, cũng như phản ánh tư duy-cảm nhận-phê bình của công chúng từ trước đến nay về một bộ môn nói thì dễ nhưng thực hành thì khó này.

Danh sách các nhóm thư pháp gia trong Chương trình biểu diễn nghệ thuật thư pháp hành vi:

Thư pháp Hán-Nôm:

   1. Vũ Thanh Tùng (tham gia trình diễn thư pháp)
   2. Nguyễn Trung Hoàng Long
   3. Nguyễn Tiến Hạnh
   4. Lê Thanh Hải

Thư pháp Quốc ngữ:

   1. Trịnh Tuấn (tham gia trình diễn thư pháp)
   2. Kiều Quốc Khánh
   3. Trần Thanh Bình

Thư pháp Tiền vệ:

   1. Nguyễn Quang Thắng (tham gia trình diễn thư pháp)
   2. Trần Trọng Dương
   3. Nguyễn Đức Dũng
   4. Phạm Tuấn

(Lý lịch nghệ thuật (trích ngang) của các thư pháp gia trình hiện diễn được đính kèm với thông cáo báo chí này).

Thư pháp Hán-Nôm truyền thống, với danh vị đã được khẳng định từ mấy nghìn năm trong lịch sử văn tự Trung Hoa, và bao trùm cả (hàng) thiên niên kỷ ở Việt Nam dưới các triều đại phong kiến. Tính kế thừa và sự duy trì lặng lẽ của nó vẫn luôn âm ỉ cháy trong lòng những người yêu văn mến chữ thánh hiền. Hàng trăm, hàng nghìn các nhà thờ, đình, chùa, đền, miếu, như hàng trăm hàng nghìn bảo tàng dân gian, lưu giữ và tôn vinh giá trị những tác phẩm thư pháp, dưới dạng những hoành phi, câu đối, thác bản. Cho đến hôm nay, nó vẫn còn nguyên giá trị, nếu xét nó trong khía cạnh về giá trị văn hóa cổ truyền. Với sự cộng hưởng từ các phong trào phát triển nghệ thuật thư pháp, sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ truyền thông, nỗ lực vượt bậc của các thư gia trẻ, thư pháp Hán-Nôm đang được hoằng dương mạnh mẽ.

Thư pháp chữ Quốc ngữ, hay còn gọi là thư pháp chữ Việt, là một thành phần cấu tạo nên sức-sống-mới cho diện mạo thư pháp Việt Nam. Nó là sản phẩm của xã hội mới, ra đời trong sự vận động tất yếu của nghệ thuật viết chữ. Mang trong mình tính phổ biến, dễ đọc, dễ hiểu, dễ cảm nhận, vì thế, nó cũng dễ làm nên những Câu-Chuyện-Kỷ-Lục. Song, do thừa hưởng và phát triển từ di sản thư pháp Hán-Nôm cũng như di sản thư pháp nhân loại, nên thư pháp chữ Việt bị hạn chế về cơ sở lý luận, khó hoạch định cho mình con đường phát triển sâu về học thuật, để có thể định danh là một cái gì đó của văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, khi băng qua mọi thứ dan díu về mặt lý luận với các di sản thư pháp Đông-Tây, thì cái còn lại của thư pháp chữ Việt là những giá trị văn hóa phi vật thể ghim trong lòng lát cắt lịch sử thời đại này.

Thư pháp Tiền vệ, chuyển dịch vào Việt Nam một cách muộn mằn, nhưng lại mang hơi thở cuộc sống hiện tại, nói được nhiều câu chuyện hôm nay (rất kịp thời), làm cầu nối se duyên cho cuộc hợp hôn tưng bừng giữa thư pháp Hán-Nôm và Quốc ngữ. Đồng thời, thư pháp Tiền vệ mang tải tinh thần thời đại, cuốn công chúng vào chiều sâu ý niệm, phá dỡ hoàn toàn các khuôn thước, các khái niệm cổ điển, cởi toang nhận thức của cá nhân, nhằm đạt đến cái tận cùng của bản ngã. Phá bỏ tính xem-hiểu, tiến đến tính xem-cảm. Người xem sẽ tự tìm ra cho mình thông điệp gửi gắm trong tác phẩm, mà không có bất kỳ sự chú thích hay lý giải nào. Đó cũng là cách để “mở cửa” trong nghệ thuật, ở đây, người nghệ sĩ sẽ trao cho công chúng chiếc chìa khóa để bước sâu vào thế giới của sự tưởng tượng.

Chương trình biểu diễn nghệ thuật thư pháp hành vi VŨ HỘI CHỮ kết nối ba mảng Thư pháp nói trên lại một sân chơi, như một gạch nối giữa truyền thống với hiện đại, giữa nghệ thuật phương Đông với phương Tây, giữa tâm linh với hiện thực, giữa rạch ròi với mơ hồ, giữa hư vô phù phiếm với khuôn thước quy chuẩn v.v…

Chương trình biểu diễn nghệ thuật thư pháp hành vi sẽ được khai mạc lúc 18 giờ, ngày 17 – 24 tháng 2 năm 2008, tại Maison Der Arts gallery, tầng 1 số 31A Văn Miếu, Hà Nội. Chương trình kéo dài đến hết ngày 24/2/2008.


Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >