Trang chủ arrow Tin tức arrow NGÔ HỒNG QUANG
NGÔ HỒNG QUANG
10/04/2008


Cập nhật, Thứ bảy, 23/02/2008, 14:30 GMT+7

Ngô Hồng Quang và những biến tấu độc đáo của đàn nhị 
 
Trong CD “Quang”, người nghe được thưởng thức đàn nhị với nhạc cổ ba miền, nhạc sáng tác dành cho nhị, acapella và cả những bản nhạc nước ngoài dành cho violin.
 

 

 

 

Ngô Hồng Quang sinh năm 1980 tại Hải Dương, bắt đầu học nhạc từ năm 14 tuổi tại Nhạc viện Hà Nội. Hiện anh là giảng viên đàn nhị, nghệ sỹ chơi đàn nhị, đàn bầu, trống, đàn môi, đàn Kơni, sáng tác nhạc và hát. “Quang” là tên CD đầu tay của Ngô Hồng Quang, ra đời tháng 7/2007, với âm hưởng nhạc dân gian truyền thống. Trong đó, tiếng đàn nhị đóng vai trò chủ đạo, sử dụng linh hoạt trong nhiều thể loại và phong cách âm nhạc.


 PV: Anh  yêu thích cây đàn nhị từ khi nào? Năm tôi 14 tuổi, bố mẹ tôi phát hiện tôi có năng khiếu nên đưa tôi lên Hà Nội ôn thi, thi đỗ rồi học. Nhưng phải đến 3, 4 năm sau tôi mới thực sự yêu cây đàn này. Thời gian đó tôi có tiếp xúc với nhiều người nước ngoài và thấy rằng việc giới thiệu nhạc dân tộc cho họ là điều rất có ý nghĩa. PV: Nhưng rõ ràng cho đến giờ, đàn nhị vẫn có chỗ đứng khá khiêm tốn so với các nhạc cụ khác?Tôi nghĩ đó là do chúng ta quảng bá chưa hiệu quả. Bản thân tôi cũng có nhiều lúc cảm thấy nản, không muốn học nữa. Hồi đó tôi nghĩ rằng mình học nhị rồi sau ra trường cũng... chả làm được gì, giỏi lắm thì cũng làm ở các đoàn thôi...

 


PV: Vậy tới giờ anh đã và đang làm được những gì rồi?
Tôi tham gia khá nhiều hội diễn trong nước, diễn ở một số nước châu Âu. Tôi có vài người bạn sống ở nước ngoài, họ giúp giới thiệu về tôi và CD của tôi.

Khi xem tôi biểu diễn, khán giả nước ngoài tỏ ra rất thích thú, họ nán lại hỏi han tôi đủ chuyện, và tôi hiểu điều đó thể hiện sự quan tâm rất lớn của họ dành cho âm nhạc dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, với cây đàn Kơni, họ còn vây quanh và yêu cầu tôi chơi lại nhiều lần để xem tôi cầm đàn thế nào, chơi thế nào. Bản thân tôi cũng thấy rất tự hào vì mình đã làm được một số việc đáng làm.

Sắp tới tôi sẽ sang Hà Lan biểu diễn theo chương trình của tổ chức MCNV và NCDO. Hành trang tôi mang theo là đàn môi, đàn nhị, trống, đàn kơni, đàn bầu.

Tôi vẫn mơ ước rằng đàn nhị sẽ được nhiều người học hơn. Hiện tôi đang dạy đàn nhị cho một số người nước ngoài, còn người Việt Nam mình thì vẫn chưa nhiều, chủ yếu là sinh viên trong trường thôi. Thời gian tham gia khóa giảng dạy phổ cập âm nhạc truyền thống trong trường Tiểu học do quỹ Ford tài trợ, tôi thấy có nhiều em nhỏ tỏ ra rất thích thú và xin học nhị, có em còn theo đuổi để thi vào Nhạc viện.
 

 
PV: Vậy thì CD “Quang” hẳn là cũng nằm trong mơ ước đó?Đúng vậy. Ý tưởng của tôi là chơi nhạc cụ dân tộc trên nền nhạc hiện đại như jazz, blue, pop. Tôi muốn cho đàn nhị cũng như nhiều nhạc cụ dân tộc thể hiện khả năng của nó, rằng nó có thể chơi ở nhiều thể loại và phong cách khác nhau.

Tất nhiên, để cho ra đời “đứa con” này, tôi đã được rất nhiều người giúp đỡ. Tôi có hai người anh thân thiết là Ngô Tự Lập và Nguyễn Lê Tâm (nhóm M6), rồi anh Đỗ Tuấn Anh, Nguyễn Đức Minh. Anh Tâm thì chụp ảnh và viết nội dung tiếng Việt, anh Lập viết tiếng Anh, anh Minh chụp ảnh cho mặt CD, anh Tuấn Anh thiết kế. Ngoài ra, còn phải có sự giúp đỡ của Đông A Đại Nam và Hồ Gươm Audio nữa.

Ban đầu tôi chỉ định làm CD cho riêng mình để mang sang châu Âu giới thiệu thôi. Nhưng anh Lập và anh Tâm động viên rất nhiều nên tôi mới phát hành. Thời gian đó cường độ công việc cũng khá căng, cộng với những khó khăn như về tài chính, rồi việc chọn soạn bài, chọn cách chơi... Vất vả, nhưng kết quả đạt được khá tốt. Tôi nói thế vì CD được người nghe thực sự đón nhận. Nó không thể hiện thứ âm nhạc “cao siêu”, mà là sự hội tụ của nhiều yếu tố: nhạc dân gian (Đường trường duyên phận – nhạc Chèo, Phú lục – nhạc Huế, Trông chờ – quan họ Bắc Ninh, Tây thi – Cải lương), nhạc sáng tác dành cho nhị (Kể chuyện ngày mùa, Tình quê hương – Thao Giang, Nước về đồng – Hồng Giót), nhạc nước ngoài (Vũ khúc Hungary, Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ), đàn Kơni và đàn môi chơi theo lối acapella (Đi săn – Ngô Hồng Quang)...
 PV: Anh tâm đắc nhất tác phẩm nào trong CD đầu tay của mình?Tôi thích nhất và cũng bỏ công sức nhiều nhất vào bài “Tiếng Việt“ (Sáng tác của Nguyễn Lê Tâm, thơ Lưu Quang Vũ) hát theo phong cách acapella. Đó là nhạc phẩm do chính tôi chuyển phong cách và hát. Cũng mất đến 2, 3 tháng, hỏng rồi sửa, cuối cùng thì thành công hơn cả mong đợi. PV: Anh hát tốt như vậy, sao không theo nghiệp ca hát?Thực ra ước mơ của tôi từ nhỏ đã là hát chứ không phải nhị. Tôi nghĩ mình hát cũng... được, cũng muốn đầu tư để học thêm kỹ thuật thanh nhạc nhưng vẫn đang nhiều việc quá, chưa thực hiện được. Có lần tôi đi diễn ở nước ngoài, hát xong thì họ hỏi: “Thế anh có CD hát không? Tôi muốn mua”. Có lẽ sau này tôi sẽ làm CD kèm phần hát nữa. PV: Còn sáng tác nhạc thì sao? Khán giả truyền hình nhiều người thích ca khúc “Đêm cuối cùng của mùa đông” (trong bộ phim “Ma làng”) do Ngô Hồng Quang viết ?Tôi viết ít và hơi “lẻ tẻ”. Thế nên khi đạo diễn Nguyễn Hữu Phần nhờ viết ca khúc cho phim, rồi nó lại được mọi người đón nhận, tôi cũng có thêm nguồn động viên. Nhưng nói gì thì nói, tôi vẫn đeo đuổi mục đích quảng bá nhạc truyền thống của Việt Nam mình nhiều hơn. PV: Quang chơi nhạc, Quang sáng tác nhạc, Quang hát, vậy Quang đời thường thì thế nào?Bạn bè bảo là tôi giản dị, chăm chỉ, chịu khó học hỏi và... biết nghe lời bố mẹ! Còn tự tôi thì thấy mình tương đối bận rộn, thế nên chuyện “tình yêu tình báo” vẫn cứ chưa đâu vào đâu! 
 
PV:  cảm ơn và chúc Quang sẽ có một năm “vừa đủ” bận rộn!
 
Nguyễn Hoàng Quỳnh Hương (thực hiện)

Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >