Trang chủ arrow Bài viết arrow CÁCH NẤU CAO BAN LONG
CÁCH NẤU CAO BAN LONG
16/03/2008

 

 Chọn lấy sừng hươu hoặc nai, không kể là sừng tươi hay sừng rụng, đem ngâm ở dòng nước chảy độ vài ba ngày đêm, rồi lấy bàn chải sắt chải thật sạch những chất bẩn đóng két ở các rãnh sừng.

 

Kế đó đem rửa sạch và cưa ra từng khúc độ vài tấc, rồi chẻ ra từng miếng mỏng. Những chất ruột xốp ở trong sừng là chất tinh huyết, cao được nhiều là nhờ ở thứ đó không nên vứt bỏ phí. Đem thứ sừng đã chẻ đó cho vào nồi đổ đầy nước mà nấu. Khi nước cạn lại cho thêm nước nóng. Bên cạnh lò đặt một nồi nước nhỏ, để luôn luôn có nước nóng pha vào nồi cao. Mỗi ngày đêm múc lấy nước cao một lần và đổ sang một cái thùng chứa, thùng chứa để ở nơi thoáng gió, không nên đậy vung và phải luôn luôn đun cho nóng, nếu không làm như vậy sẽ bị biến chất sinh ra tanh hôi. Sau khi đã múc hết nước cao lần thứ nhất rồi lại múc nước nóng (ở nồi nước nhỏ đã chuẩn bị ở cạnh lò) đổ vào nồi cao cho đầy và lại nấu. Quá một ngày đêm nữa lại múc một lần nước cao thứ hai. Nên tùy theo mức lửa mạnh hay yếu, không cần tính số ngày và không lên lấy chất sừng tới lúc mềm làm mức, mà cần xem nước nấu đã hết chất nhờn thì thôi. Lúc đó đem dồn cả nước cao đã gạn được từ mấy lần trước cho vào chiếc nồi đất sạch để cô. Cô cho đến khi nào có sủi bọt đỏ thì nhấc ra ngay (nếu không thì sẽ cạn nồi và cao quanh nồi sẽ dính két lại và dẫn tới cháy khô). Rồi lại đem nồi cao đó, đặt vào một cái nồi khác để cô cách thủy, nên lấy đũa cả luôn luôn quấy xuống đáy nồi, để cao khỏi bị đông gây ra bén nồi. Nếu vào mùa đông thì cao cô hơi non một chút, về mùa hè nên cô hơi già một chút. Về mùa lạnh cao tuy hơi non một chút đã được coi là vừa mức. Như vậy đã được nhiều cao, mà lại khỏi làm cho cao bị quá già và hoa cao.

Cách thăm cao đã vừa mức hay chưa

Dùng chiếc đũa cả nhúng lấy một chút cao để thử. Nếu vừa mới ra khỏi lửa đã thấy chút cao trên đầu đũa đóng váng lại, như vậy là vừa được. Khi cao đã thành rồi, trước hết hãy lấy lá chuối giải lên trên mâm và đổ cao lên trên lá, lấy đũa dàn ra cho đều, đừng để chỗ dày chỗ mỏng. Đợi khi cao đã đóng váng thì lấy bột sừng (đã nấu) tán nhỏ dây mịn rắc lên rồi vứt bỏ lá chuối rồi cắt thành từng miếng vuông hoặc tròn độ chừng một lạng. Trước hết hãy hong ở chỗ thoáng gió, rồi sau đem phơi ở chỗ nắng nhạt. Khi cao đã khô dần thì sẽ phơi ở chỗ nắng to cho khô cứng là vừa mức. Đoạn rồi xếp vào thùng kín, sẽ đảm bảo không bị mềm, bị chảy. Hoặc có người nói: Nấu cao phải cho thêm các loại Đương quy, Kỷ tử, Nhân sâm thì mới đúng là cao Ban long. Đó là vì họ chưa thấy trong sách đã nói: "Con hươu đến 60 tuổi thì dưới sừng sẽ nảy sinh ra quỳnh ngọc". Hươu thuần dương là Rồng, cho nên gọi là "Ban long". Nên chỉ nấu đơn thuần cao sừng, rồi sẽ tùy theo chứng trạng của từng bệnh nhân để dùng thứ thuốc kết hợp thích đáng. Bởi vì thứ cao này tuy căn bản là thuốc bổ âm, lại có thể bổ dương, không nên nấu lẫn với các thứ khác.


Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >