Trang chủ arrow Tản mạn arrow NGÀY TÁM THÁNG BA NHỚ ĐẾN NỮ TRẠNG NGUYÊN NGỌC TOÀN
NGÀY TÁM THÁNG BA NHỚ ĐẾN NỮ TRẠNG NGUYÊN NGỌC TOÀN
07/03/2008

 Có một quyển từ điển chữ Nôm lâu đời nhất Việt Nam, đó là quyển Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa do nữ Trạng Nguyên Ngọc Toàn biên soạn. Toàn tập Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa gồm 3627 câu lục bát, viết bằng song ngữ Hán - Nôm (mục từ là chữ Hán, dịch nghĩa bằng chữ Nôm). Sách trình bày nội dung theo quan niệm thiên - địa - nhân, bao gồm hơn 30 phần: phong vũ, tinh tú, nhân luân, thân thể, tạng phủ, thực bộ, chức nhậm, ẩm (đồ uống), mộc tượng, bỉnh (các loại bánh), kim ngọc, hôn nhân, tang lễ, nhạc khí, binh khí...

Nữ trạng nguyên Ngọc Toàn còn có tên là Nguyễn Thị Du, Nguyễn Thị Duệ, Nguyễn Thị Niên,  Ngọc Trúc, vốn sinh thành nơi làng Kiệt Đức, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, dưới thời Lê Trung Hưng (Thế kỷ XVI - XVII). Trong giới nghiên cứu thư tịch cổ, người ta hay kính gọi bà là Trịnh Thị Ngọc Trúc.

Tương truyền bà Trịnh Thị Ngọc Trúc thuở nhỏ mặt hoa da phấn, lộng lẫy hơn người. Thế nhưng bỏ qua ngoài chuyện ong hoa, 10 tuổi theo cha lên miền ngược, cải trang, đổi tên là Ngọc Toàn, bà miệt mài đèn sách và đỗ Trạng Nguyên. Sau, cơ duyên bại lộ, nhà vua nhân lần ban yến đã phát hiện ra bà là thân gái cải trang đi thi. Vì mến tài năng và đức độ nơi con người bà, nhà vua đã xuống chỉ quyết định không trị tội khi quân mà còn dung nạp bà làm Tinh Phi. Khi nhà Mạc suy vong, bà bị quân Trịnh bắt nhưng đều được các chúa Trịnh và đặc biệt là vua Lê Kính Tông mời giữ chức Lễ Sư, tước Chiêu Nghi, đứng đầu cửu giai cung tần mỹ nữ. Trong thời gian này, công việc chính của bà là dạy bảo cung nương, con cháu hoàng tộc, phê duyệt biểu sớ, văn bài.

Chính trong lúc dư hạ sau khi triều chính, bà miệt mài tra cứu, biên soạn nên bộ Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa, bộ từ điển cổ nhất Việt Nam mà chúng ta đã biết đến ngày nay.

Năm 70 tuổi, bà xin về quê dựng am Đàm Hoa và được chúa ban cho Ngự Lộc. Năm 80 tuổi, bà mất, lập mộ phần trên núi Trí Ngư - tháp xây trên mộ gọi là “Tinh phi cổ tháp” liệt vào “Chí Linh bát cổ”, có khắc 10 chữ trên bia là “Lễ Phi Sinh Thông Tuệ Nhất Kinh Chiếu Tam Vương”(Công lao tài giỏi thông tuệ của bà Lễ Phi suốt ba đời chúa).

Nguyễn Hạnh


Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >