Trang chủ arrow Tản mạn arrow LÊN NÚI BÁI ĐÍNH - XEM CHÙA LỚN NHẤT NƯỚC NAM
LÊN NÚI BÁI ĐÍNH - XEM CHÙA LỚN NHẤT NƯỚC NAM
03/03/2008

(VietnamNet) - Đại công trường Bái Đính (Gia Sinh, Gia Viễn, Ninh Bình) vẫn còn ngổn ngang nhưng mỗi ngày vẫn đón vài trăm lượt khách vãn thăm. Danh tiếng của ngôi chùa lớn nhất Việt Nam không chỉ làm nên bởi con số về kích thước, khối lượng đáng kinh ngạc mà còn bằng những câu chuyện kì tích của người thợ tài hoa xây đắp.

Bạc tóc ăn ngủ cùng 500 vị La Hán
 

Điện Pháp chủ và gác chuông
Điện Pháp Chủ và gác chuông như một khối núi
Đã 3 năm rồi, xưởng đá của nghệ nhân Phạm Ngọc Hoàn lúc nào cũng vui như cái hội làng. Tiếng đục, tiếng mài cắt đá ầm ì, đường đi lối lại chật kín với những tảng đá cao hơn đầu người, hình khối đá phác thảo, tượng La Hán sắp hoàn chỉnh. Những người thợ tài hoa nhất làng đá Ninh Vân (Ninh Bình) đã hội tụ về đây để tạc khối tạo hình phục dựng 500 vị La Hán cho chùa Bái Đính.

Thợ tạc Đặng Văn Phong sau một hồi miệt mài ghé sát mặt vào phiến đá tạo đường nét mới dừng tay: “Tượng La Hán phải sinh động, mà tạo đường nét mặt là cái khó nhất. Những tay thợ trẻ chỉ lơ là sẽ hỏng cả khối đá chọn tuyển rất kĩ càng”.

Anh em ở công trường vẫn hay có câu đùa “Bạc đầu với La Hán”. Cũng bởi chỉ sau độ nửa giờ tạc tượng, đầu ai cũng bạc trắng với bụi đá. Những chi tiết càng tinh xảo lại càng phải chăm chú “hít bụi tạc hình”. Cả công trường hàng trăm người được chia làm 7 đội làm liên tục 3 ca, ca tối từ 7h đến 10h30, ăn ngủ giữa cả quần thể tượng. Đêm mùa đông, khí đá lạnh buốt mà từng mũi mài vẫn rít lên nóng rẫy tạo đường chỉnh nét.
 
Cái công phu nhất của tạc tượng La Hán là phải phục dựng tới 2 lần. Từ 4 tập sách dày ghi tên vẽ hình các vị lấy từ viện Hán Nôm, anh em thợ phải tạo thành một mẫu thạch cao hoàn chỉnh, từ đó mới dựa theo mà tạc mẫu đá. 
 
“Thực ra những vị như Ma Ha Ca Diếp, A Nan Đà… chúng tôi khắc tên vào đây chứ không biết gì về lịch sử nhà Phật. Cánh thợ chỉ có cái tâm hướng Phật mà làm cho cẩn trọng. Trung bình suốt 2 tháng ròng rã mới xong một tượng”. Anh Phong tâm sự.
 
Hiện tại, cả xưởng mới chuyển vào chùa Bái Đính được 200 pho. Còn 300 pho La Hán nữa sẽ hoàn thành vào cuối năm 2008.
 
Trở lại công trường chùa Bái Đính với xe ben, máy phá đá, máy ủi gào rú đêm ngày cho kịp tiến độ. Nghệ nhân Nguyễn Văn Lĩnh đang trầm ngâm trước bãi gỗ lớn: “Trên toàn công trường có khoảng 8.000 khối gỗ. Tôi mới phụ trách 50 khối gỗ vàng tâm mà cũng mất ăn mất ngủ. Nghề sơn mài của làng Cát Đằng (Ý Yên, Nam Định) có lịch sử 500 năm mà lần đầu tiên mới nhận một công trình lớn tới vậy”.

Những bức hoành phi, câu đối, cửa võng với kích thước chưa từng có. Bức hoành với hai chiều 9m x 3,2m nặng khoảng 9 tấn đang được những người thợ tài hoa nhất Cát Đằng trạm trổ, sơn son thếp vàng. “Chúng tôi từng tu bổ bức hoành phi lớn nhất Việt Nam ở Cẩm Giang (Từ Sơn, Bắc Ninh) mà chỉ có kích thước 4,5m X 0,9m. Chưa bằng một nửa đơn hàng này”.

Dự kiến có 3 tổ thợ mỗi tổ 100 người làm liên tục trong 5 tháng mới hoàn thành được khối lượng cửa võng, hoành phi cho điện Tam thế.
 
Trên công trường chùa Bái Đính có hơn 500 thợ (phần lớn ở Ninh Bình và Huế) làm việc liên tục. Mỗi người từ thợ xẻ gỗ, lợp mái, quét sơn… đều đang lập kì tích cho mình.
 
Ngược đường vào núi tìm Phật
 
Sự hoành tráng của chùa Bái Đính đang xây dựng khiến ít người để ý rằng chỉ vòng qua bên kia núi một độ đường sẽ đến chùa Bái Đính cũ vẫn giữ vẻ hoang sơ.

Bên này núi ầm ĩ tiếng máy móc ngày đêm, bên kia chùa cũ tương truyền có ngót nghìn năm vẫn trầm mặc. Chùa tựa lưng chùa mà tưởng chừng của hai thế giới.

Những kỷ lục của chùa Bái Đính

- Khu chùa có diện tích rộng nhất: 107ha. Điện thờ Tam Thế và Pháp Chủ có diện tích lên tới 1.000 m2.

- Tượng Phật bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á: Tượng Phật Tổ Như Lai nặng 100 tấn. Ba pho Tam Thế mỗi pho nặng 50 tấn.

- Hai quả chuông lớn nhất Đông Nam Á: 36 và  27 tấn.

- Chùa có nhiều tượng La Hán nhất với 500 vị bằng đá cao hơn đầu người.

Vòng vèo leo qua hơn 300 bậc đá mới tới chùa Bái Đính cũ ở độ cao ngót 200 mét. Ông Đặng Văn Bắc, người phụ trách tôn tạo lại ngôi chùa cũ này, cho hay: “Phật nơi nào cũng như nhau, chùa cũ mới đều có cái vị thế hay của nó. Chùa cũ trầm mặc kín đáo nhưng lại là nơi long chân huyệt đích, long mạch chạy dài, tụ thủy ở Giếng Ngọc. Trong vùng dù khô hạn đến mấy mà giếng không bao giờ cạn”.

“Còn chùa mới được cái vị thế ỷ sơn hướng hải, không gian khoáng đạt, trước mặt sông chảy qua, án ngữ bởi hai khối núi như long chầu hổ phục”.
 
Các cụ trong huyện Gia Viễn đều kể lại câu chuyện thiền sư Nguyễn Minh Không vào núi Bái Đính tìm thuốc chữa bệnh cho vua Lý Thần Tông bị hóa hổ. Thiền sư phát hiện động Tối, động Sáng, Thung Thuốc trên núi nên đã biến thành chùa thờ phật. Bên động Tối gồm nhiều hang nhỏ thông nhau có thờ cả Mẫu Thượng Ngàn.
 
Cụ Đỗ Xuân Cảnh, nhà ở ngay chân chùa Bái Đính cũ phấn khởi: “Có chùa mới to nhất nước dân làng ai cùng mừng rỡ. Nhưng nghĩ lại phật ở trong lòng, tìm đến phật là tìm đến sự thanh thản, thông tuệ. Cũng không nên cầu sự ồn ào thái quá!”.
 
Chùm ảnh: Ngổn ngang đại công trường núi chùa Bái Đính
 
Thắp hương trước tượng Phật Tổ nặng 100 tấn giữa dàn giáo
Pho tượng trong điện Tam Thế nặng 50 tấn
 
 
Du khách rất hào hứng chụp chuông cao 5,6m nặng 27 tấn bên điện Tam Thế.

 

Tháp chuông bát giác 3 tầng, 24 mái để treo chuông 36 tấn
Một bên mái điện thờ Pháp Chủ. Điện cao 27m, dài 47,7m, rộng 43,2m.

 

Bãi đá làng Ninh Vân với hàng trăm tượng La Hán đã hoàn thành.
Khoảng 200 vị La Hán đã được chuyển tới Bái Đính

 

Nắn nót từng nét áo
Mỗi tượng đều phải có một mẫu thạch cao phục dựng trong khoảng 1 tháng

 

2 công nhân sơn vân gỗ trong 3 ngày liên tục mới xong 1 cột.
Đẽo cột dựng Điện thờ Quan Thế Âm Bồ Tát hoàn toàn bằng gỗ.

 

Thợ xẻ Trần Văn Định: "Cột quá lớn, phải xẻ bằng tay, 3 ngày tạm phác được khối tròn".
Lựa chọn gỗ chở về làng Cát Đằng làm cửa võng, hoành phi.

 

Lợp mái nhỏ điện Pháp Chủ. 10 công nhân lợp được 8 hàng ngói/ngày.

 

Bóng Điện Tam Thế sánh ngang bóng núi.
Chùa Bái Đính cũ vẫn nép mình, tĩnh mịch

 

  • Nguyễn Hữu Bắc

Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >