Trang chủ arrow Bài viết arrow ĐÔNG Y LƯỢC DẪN
ĐÔNG Y LƯỢC DẪN
25/09/2006

 

Đông y là một môn học uyên bác và có lịch sử lâu đời. Người học Đông y thường bị cuốn vào dòng phát triển của nó. Nhưng để có một cái nhìn tổng quan mới là một điều cần thiết.

      
Chương I         
 
I/ Đông y lược dẫn:
 
Đông Y được hiểu là nền y học phương Đông, trong đó có rất nhiều quốc gia và nhiều dân tộc, mỗi dân tộc có một nền văn hoá và tập tục, thổ nhưỡng và khí hậu khác nhau, vì vậy cách hiểu biết và chẩn đoán bệnh cũng có đôi chút không trùng hợp. Sau khi hệ thống triết học phương Đông hình thành, trong đó Âm Dương Ngũ Hành, Qẻ số, Can Chi, Y lý, Mạch lý đều là cương lĩnh chung của Đông y, làm cơ sở suy luận, biện chứng, so sánh và điều trị bệnh. Trong đó Dịch học, một cơ sở biện chứng duy vật, chỉ đạo xuyên suốt hệ thống Đông y. Nền y học phương Đông dựa vào lý luận kinh điển của Dịch Lý - Y Lý (Nội kinh - Nạn kinh - Thương Hàn luận - Kim quỹ yếu lược). Cụ Hải Thượng Lãn Ông đã nói rằng: “Học Dịch trước sau mới học Y”.
 
Con người là tinh hoa của vũ trụ, hấp thụ  khí thiêng của trời đất, mọi sự Sinh - Lão -Bệnh - Tử đều nằm trong qui luật của Âm Dương Ngũ hành. Nghề y cũng không thể vượt ra ngoài các qui luật đó mà chữa được bệnh. Nhiệm vụ của ngành Y là giúp con người cải thiện sức khoẻ và phòng chống bệnh tật, trong đó Y học cổ truyền Phương Đông đóng góp một phần không nhỏ. 
 
Từ xa xưa tổ tiên chúng ta sống một cuộc sống bầy đàn tự nhiên hoang dã, cho nên thời tiết, khí hậu luôn luôn ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của họ. Để tồn tại trong môi trường như vậy, con người đã biết tìm hiểu sự biến đổi của thiên nhiên và sống cho phù hợp với sự biến đổi đó. Trong quá trình tìm hiểu thiên nhiên, con người đã tìm ra một số phương pháp chữa bệnh. Các phương pháp chữa bệnh theo năm tháng dần được hệ thống và đúc kết, truyền lại đến ngày nay.
 
II/ Lịch sử y học Trung Quốc:
 
Theo khảo cứu của các nhà khoa học, từ thời kỳ đồ đá mới (cách đây hơn 6000 năm), người xưa đã biết dùng đá mài cho nhọn làm  kim châm gọi là Biếm thạch. Sang đến thời đại đồ đồng (cách đây khoảng 5000 năm), họ đã dùng đồng làm kim thay cho đá, gọi là Vi châm ... đồng thời trong quá trình lao động họ cũng bắt đầu có kinh nghiệm sử dụng thảo dược.
 
Theo những chứng cớ còn thấy được trong thư tịch cổ thì Thần Nông - một trong ba vị vua thời nguyên thủy là người sớm nhất nói đến thuốc. Nhưng để sáng lập ra hệ thống lý luận về sinh lý, bệnh lý của con người cùng nguyên nhân gây ra bệnh tật thì không thể không nhắc tới  Hoàng Đế – Kỳ Bá và trước tác Hoàng Đế Nội Kinh gồm 18 quyển (9 quyển Linh Khu và 9 quyển Tố Vấn). Trong đó Hoàng Đế và Kỳ Bá đã mượn lời vấn đáp để giải rõ kinh lạc, tạng phủ và vận khí. Đây được coi là pho sách chuẩn mực, khuôn vàng thước ngọc soi sáng hệ thống Y học cổ. Ông Trương cảnh Nhạc đời nhà Minh đã nói “Nội là Đạo của mạng sống, Kinh là sách ghi Đạo, lúc thường nói về học vấn gọi là Tố Vấn.... Cốt lõi của thần linh gọi là Linh Khu”.
 
Sau ngót 1000 năm đến đời nhà Thương (1783 trước Thiên Chúa giáng sinh) có ông Y Doãn soạn ra bộ Thần Nông Bản Thảo từ đó cách dùng thảo dược mới được hình thành.
 
Đến đời Xuân Thu ( 571 trước Thiên Chúa giáng sinh) có ông Biển Thước tên là Tần Việt Nhân soạn ra Cuốn Nạn Kinh gồm 81 nạn, làm cho pho sách Hoàng Đế Nội Kinh càng được soi sáng, mạch lạc và rõ ràng hơn.
 
Cuối đời Đông Hán (162) Có ông Trương Cơ tự là Trọng Cảnh làm Thái thú ở đất Trường Sa, ông tập hợp các phương thuốc cổ của các bậc tiền nhân thời thượng cổ, quy nạp được căn bản của Âm Dương, hiểu biết được lục kinh, phân tích được sự quan hệ và truyền bệnh của các tổ chức, cơ quan trong con người, sáng lập ra học thuyết Lục Kinh Biện Chứng và trước tác ra hai bộ sách là: “Thương Hàn Tạp Bệnh Luận và Kim Quỹ Ngọc Hàm Kinh” vào thời kỳ này y học cổ của Trung Quốc được ông làm rõ rất nhiều; Ông dùng thuật ngữ Lục Kinh để biện chứng và thuyết minh các tình huống bệnh tật, đem rất nhiều chứng trạng thường gặp trên lâm sàng chia thành 6 loại: Thái dương, Dương minh, Thiếu dương, Thái âm, Thiếu âm, Quyết âm. 6 loại chứng trạng này được phân biệt đại biểu cho đặc điểm và tình trạng bệnh tật để dễ dành nhận định tình hình diễn biến của bệnh mà lập ra phương pháp điều trị thích hợp. Thật là một nhà y học hiện đại nhất thời bấy giờ; nếu làm nghề y mà chưa đọc hai bộ sách này của ông , thì chưa tìm đâu ra chân lý?
 
Cùng thời với ông Trương Trọng Cảnh còn có Đại Danh Y Hoa Đà (141 - 208) tự là Nguyên Hóa, người nước Bái (nay là tỉnh An Huy Trung Quốc) ông tinh thông các khoa nội, ngoại, phụ, nhi, châm cứu, Ông nổi tiếng về ngoại khoa có rất nhiều thành tựu vượt bậc ở thời bấy giờ. Thư cổ thời Hậu Hán có ghi rằng: “Nếu bệnh vì kết lại ở trong, dùng châm, dùng thuốc mà không được, thì trước tiên phải dùng Ma Phí Tán, hòa với rượu cho uống, khi đã say không còn biết gì nữa thì mổ lưng, mổ bụng cắt chỗ tích tụ ấy đi. Nếu bệnh ở trường vị thì cắt ra rửa sạch, trừ hết chất bẩn của bệnh rồi khâu lại, sau đó dán thần cao vào 4-5 ngày chỗ vết thương sẽ lành, sau một tháng sẽ bình phục như cũ” thật là đáng khâm phục, đây là Y thư cổ nhất trên thế giới nói về gây mê để mổ.
 
Đến đời nhà Tấn, có ông Vương Thúc Hòa (210 – 285) làm Thái y lệnh. Soạn ra mạch Kinh 10 quyển, mạch Quyết 4 quyển, Mạch Quyết Đồ Yến 6 quyển, mạch Phú 1 quyển và sắp xếp lại bộ Thương Hàn Luận của ông Trương Trọng Cảnh: đồng thời ông cũng là người đề xuất ra việc thăm khám thông qua tứ chẩn, thì mới đầy đủ điều kiện đề ra phương pháp điều trị.
 
Y học ngày càng phát triển, đến đời Tùy ,Đường (589 – 907) có ông Sào Nguyên Phương (610 - ...? ) soạn ra cuốn “Chư Bệnh Nguyên Hậu Luận” trong đó gồm 1.720 bài viết về các triệu chứng, cách phân biệt rất rõ ràng; có nói về đậu mùa và bệnh sởi có khác nhau (thời khí phát ban), ông còn cho biết một số bệnh mang tính chất truyền nhiễm. Đây là bộ sách sớm nhất ở Trung Quốc nói về nguyên nhân và bệnh lý.
 
Cũng thời này có ông Tôn Tư Mạo (581 - 682) ở ẩn trên núi Thái Sơn, soạn ra cuốn Thiên Kim 30 quyển, là cuốn sách đầy đủ về lý luận, phương dược và cách điều trị. Ông dùng biện chứng về Tạng Phủ để đặt ra phương pháp điều trị, ông cho rằng: “sinh mệnh con người quan trọng nhất, quý hơn vàng, một phương cứu chữa được, cái ơn của nó thật là lớn lao”. Vì vậy tác phẩm của ông được người đời gọi là Thiên kim.
 
Tiếp sau có ông Vương Đào một nhà Y học có kiến thức uyên bác. Ông sinh vào đầu thế kỷ thứ 8, ông có tác phẩm nổi tiếng là Ngoại Đài Bí Yếu 40 quyển, hoàn thành vào năm 752, Ngoại đài là nơi chứa sách trong hoàng cung. Bí yếu là biểu hiện sự thu thập của ông đều là những văn hiến cốt lõi bí mật.
 
Đời Kim Nguyên thì Y học có sự thăng hoa đặc biệt, có rất nhiều học giả làm cho nền Y học Trung Quốc phát triển mạnh. Đặc biệt có các danh y được người thời bấy giờ phong tặng là tứ Đại Gia:
 
Ông Lưu Hoàn Tố (1120 – 1200 ), hiệu là Hà Gian, tự là Thủ Chân. Chủ trương của ông trị bệnh lấy việc giáng hỏa làm chủ; giỏi việc dùng thuốc mát. Tác phẩm của ông có: Vận Khí Yếu Chỉ Luận, Y Phương Tinh Yếu, Tố Vấn Dược Chứng, Thương Hàn Trực Cách, Tố Vấn Huyền Cơ Nguyên Bệnh Thức, Tuyên Minh Phương Luận... đều dựa trên Nội Kinh để phát triển, nhưng các tác phẩm của ông có rất nhiều tư tưởng cá nhân, đây cũng là sự đổi mới thời bấy giờ, đồng thời phương tễ của ông được chế lập một cách đầy sáng tạo và hoàn thiện, người thời ấy còn gọi ông là phái Hàn lương.
 
Ông lý Cảo (1180 – 1251 ) hiệu là Đông Viên. Ông chủ trương thuyết tì vị, trước tác của ông gồm: Tì Vị Luận 3 quyển, nội ngoại Thương Biện Hoặc Luận 3 quyển, Lan Thất Bí Tàng 3 quyển. Người đời sau đem hợp với các sách khác làm ra bộ thập thư 20 quyển. Đại ý ông thường hay dùng các vị thuốc ôn Tì trừ thấp như: Xương truật, Bạch truật, Khương hoạt, Độc hoạt, Trần bì, Cát cánh, Mộc hương... để tăng cường công năng của tì vị, khiến cho khí bị hạ hãm có công năng thượng thăng. Các phương Bổ trung ích khí, Thăng dương ích vị, thật là kỳ diệu, người đời sau gọi ông là phái Bổ thổ.
 
Ông Trương Tử Hòa (1156 – 1230) chữa bệnh chủ trương dùng phương pháp công phá, giỏi về các pháp “hãn”, “hạ”, “thổ”. Ông soạn ra quyển Nho Môn Sự Thân. Quan điểm khi chữa bệnh, cần phải quan tâm đến việc trục đuổi tà khí, vì khi tà khí xuất hiện thì chính khí không được yên, vì vậy khi chữa bệnh không sợ công phạt, do đó mà người đời sau gọi ông là phái Công hạ.
 
Ông Chu Chấn Hanh (1281 – 1358) hiệu là Đan Khê, ông cho rằng: “Dương thường hữu dư, Âm thường bất túc”, phần Âm của cơ thể con người nên bổ dưỡng, còn phần Dương thì rất kỵ làm cho nó phù động nổi lên, nên có chủ trương bổ Âm, nên người đời gọi ông là phái Bổ âm. Còn tạp bệnh thì ông chia ra làm 4 chứng: khí, huyết, đàm, uất. Chứng thuộc huyết thì dùng bài Tứ Vật, chứng thuộc khí dùng bài Tứ Quân, bài Nhị trần để chữa đờm, bài Việt cúc để chữa uất chứng... còn trước tác của ông thì gồm có: Cách Trí Dư Luận Cục Phương, Ngoại Khoa Tinh Yếu Phát Huy và Bản Thảo Diễn Nghĩa Bổ Di.
 
Bốn danh y nói trên, họ đều rất nổi tiếng là uyên thâm, họ đều kế thừa lý luận của Nội Kinh mà phát triển theo sự hiểu biết của mình; do hoàn cảnh không gian, thời gian khác nhau, mà họ có suy luận nhìn nhận và điều trị bệnh khác nhau. Nói tóm lại họ làm cho nền Y Học Trung Quốc ngày càng phát triển.
 
Đến đời nhà Minh, có ông Lý Diên (1573) tác giả cuốn Y Học nhập Môn 7 quyển, ông cho rằng đọc sách của Trương Trọng Cảnh mà không đọc sách của ba nhà Lý, Lưu, Chu thì không hiểu được thế nào là bệnh nội thương; đọc sách của ba nhà Lý, Lưu, Chu mà không đọc của Trương Trọng Cảnh thì cũng không biết đâu là ngoại cảm.
 
Thời gian này Y học lại có sự phát triển rất lớn; việc phổ biến sách thuốc có phần rộng rãi hơn, lúc này có nhiều bộ sách lớn như: Phổ Tế Phương 168 quyển, trong đó có trên 60.000 bài thuốc lớn nhỏ tập hợp mọi thời đại, có nhiều bài thuốc rất hay, quý gần như bị thất lạc được khôi phục...thời gian này có các danh y sau:
 
Ông Vương Khẳng Đường (1549 - 1613) tự là Tử Thái, hiệu là Tổn Am, năm 1589 đỗ Tiến sĩ giữ chức Hàn lâm viện kiểm thảo, làm ra bộ sách Cổ Kim Y Thông Mạch Toàn Thư, Lục Khoa Chuẩn Thằng 120 quyển, bộ tiết thị án 78 quyển, trong đó sử dụng các bài Tiêu giao, Tứ quân, Lục quân, Bát vị một cách nhuần nhuyễn cho nhiều chứng trạng.
 
Ông Lý thời Trân (1518 – 1593), hiệu là Tần Hồ làm ra các bộ Bản Thảo Cương Mục 32 quyển, đây là quyển sách dược được ông vận dụng học vấn uyên bác của mình vừa ghi chép đầy đủ các tính dược một cách rất rõ ràng, là một trong những bộ dược học nổi tiếng trên thế giới. Quyển Tần Hồ Mạch Học, Bát Mạch Kỳ Kinh đều là những cuốn sách quý giá và thực dụng.
 
Thời gian này còn có Ông Trương Giới Tân, tự Huệ Khanh, hiệu là Cảnh Nhạc (1563 – 1640) trước tác bộ Loại Kinh Chất nghi 32 quyển, bộ Cảnh Nhạc Toàn Thư 64 quyển; học thuyết của ông thời chỉ Thục địa bổ âm, Nhân sâm bổ dương, Khương, Phụ khu hàn, Cầm, Liên trừ nhiệt, tập hợp nhiều vị thuốc lại làm thành bài thuốc như: Hữu Quy hoàn, Tả Quy hoàn v.v...
 
Ông lý Trung Tử (1588 – 1655) tự là Sĩ Tài, hiệu là Niệm Nga làm ra bộ Sĩ Tài Y Thư, Nội Kinh Tri Yếu, Lôi Công Bào Chế Dược Tính Giải, Y Tông Tất Độc, sách này giúp ích cho người mới nhập môn dể hiểu hơn.
 
Đến đời nhà Thanh, Y học lại có một bước đột phá mới, nhất là vào thời đại Khang Hy (1723 -1734 ), các nhà Y chú tâm vào việc chỉnh lý các Y Thư cổ, làm ra bộ Cổ Kim Đồ Thư Tập Thành, trong đó có 250 quyển nói về Y Học. Đến thời đại Càn Long (1722 – 1790) các nhà Y lại soạn ra bộ Tứ Khố Toàn Thư, ở trong đó có 191 tập sách nói về Y Dược học, nói chung ở thời kỳ này nhà Thanh hưng thịnh. Việc tập trung cho thư khố là điều tất yếu, các Ty Thái Y cũng tập trung biên soạn và đào tạo, năm 1740- 1742 Càn Long ra sắc lệnh cho Ty Thái Y biên soạn ra bộ Y Tông Kim Giám làm bộ sách giáo khoa, được giảng dạy cho các Y Sinh thời bấy giờ. Đủ thấy nhà nước thời kỳ nhà Thanh rất coi trọng việc truyền bá và phát triển Y học. Các y gia thời nhà Thanh đúc kết được tinh hoa của Nội Kinh và Thương Hàn lập ra “học thuyết Ôn bệnh” thời kỳ này là thời kỳ Thương Hàn Luận lên ngôi.
 
Lúc này có các nhà y danh tiếng đương thời như: ông Kha Cầm, tự Vận Bá, hiệu Tự Phong sinh sống vào niên hiệu Khang Hy, Ung Chính (1662 – 1735). Nghiên cứu Nội Kinh, Thương Hàn rất sâu, ông soạn ra các bộ sách như Thương Hàn Luận Chú 6 quyển, Thương Hàn Luận Dực 2 quyển, sau hợp lại thành quyển Thương Hàn Lai Tô Tập.
 
Ông Dụ Xương (1585 – 1664) hiệu là Gia Ngôn soạn ra bộ Thông luận Trương Trọng Cảnh Thương Hàn Luận 897 pháp, phát huy được vi ngôn áo nghĩa của bộ Kim Quỹ.
 
Ông Diệp Quế (1667 – 1746) tự là Thiên Sĩ, hiệu là Hương Nham, người Tô Châu, là người có tài học các sách thư kinh đều thông suốt; sách Tố Vấn, Linh Khu, Nạn Kinh do các danh gia Hán, Đường, Tống đều đọc và lãnh hội một cách đầy đủ. Ông rất chịu khó học hỏi và tìm tòi, trước sau đã học hỏi tất cả 17 vị danh y, nhờ vậy mà ông học được  nhiều cái hay của các nhà. Ông nhận thấy các sách kinh điển như Nội kinh, Nạn kinh, Thương hàn, Kim quỹ tuy có tên là ôn bệnh nhưng không rõ ràng cách trị liệu, ông tiến hành nghiên cứu sâu, kỹ lưỡng ôn bệnh từ cách phát sinh đến việc đúc kết trong điều trị, từ đó có biện chứng luận trị một cách rõ ràng, ông được tôn vinh là người sáng lập ra phái Ôn bệnh. 
 
Ở quận Tiền Đường có ông Trương Chí Thông tự là Ẩn Am và ông Cao Sĩ Tôn, vì làm thuốc không hợp thời nên đóng cửa chép sách, chú giải lại các bộ sách như: Nội Kinh, Bản Thảo Cương Mục, Thương Hàn, Kim Quỹ. Hai ông này thực là bậc công thần của y giới thời bấy giờ.
 
Giữa thế kỷ thứ 18 có ông Trần Niệm Tổ, hiệu là Tu Viên ông tập hợp tất cả các sách nói về Thương Hàn và Kim Quỹ chú lại thành bộ Thương Hàn - Kim Quỹ Thiển Chú gồm 16 quyển, nghĩa lý rất rõ ràng, làm cho Thương Hàn Luận của Trương Trọng Cảnh càng sâu sắc hơn.
 
Đến đời Đạo Quang, có ông Vương Thanh Nhậm (1768 – 1831), tự là Huân Thần làm ra bộ Y Lâm Cải Thác 2 quyển. Ông nghiên cứu mổ tử thi, xem xét tạng phủ người ta, tư tưởng của ông là người ta có bệnh phần nhiều là do ứ huyết gây nên; đây cũng là một bước đột phá mới của y học thời bấy giờ.
 
Đời Quang Tự có ông Đường Tôn Hải (1862 – 1918), tự là Dung Xuyên, tác giả sách Trung Tây Hồi Thông 28 quyển. Ông đem khoa học áp dụng vào y học cũng làm cho hệ thống Đông y càng được soi sáng hơn.
      
 III/ Lịch sử Y học dân tộc Việt Nam:
 
Việt Nam chúng ta là một nước thuộc Đông Nam Châu á, phía bắc giáp Trung Quốc, phía Tây – Tây Tây nam giáp Lào và Cam-Pu-Chia, phía Đông giáp Biển Đông. Thổ nhưỡng và khí hậu - thời tiết cũng rất đa dạng (nhưng chủ yếu là khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm thấp mưa nhiều).
 
Dân tộc Việt Nam đã có hơn 4000 nghìn năm lịch sử, cũng có nhiều truyền thống, đánh giặc giữ nước, phát triển văn hóa; nhân dân ta có nhiều kinh nghiệm phòng bệnh và chữa bệnh bảo vệ sức khỏe, vì vậy nền Y học của chúng ta cũng có kế thừa và phát triển không ngừng qua các thời đại lịch sử.
 
Cũng như mọi dân tộc khác trong khu vực; thời cổ xưa tổ tiên chúng ta cũng có ý thức phòng bệnh từ trong lao động và sản xuất, tránh ở những nơi ẩm thấp, lấy gỗ làm nhà, đào giếng tìm nước sạch, phát minh ra lửa để sưởi ẩm và nấu ăn... thời Hùng Vương (2879 - 257 T.C.N), đã có An Kỳ Sinh người ở Đông Triều - Hải Dương dùng cây ngải cứu, chữa bệnh cho Thôi Văn Tử.
 
Đời Thục An Dương Vương (257 - 207 T.C.N), có Cao Lỗ ở Chí Linh – Hải Dương châm cứu rất giỏi, có Thôi Vĩ đã dùng châm cứu chữa bệnh lao hạch cho Ứng Huyền và Nhâm Hiệu.
        
Thời kỳ đô hộ một nghìn năm của thế lực phong kiến phương Bắc, nhân dân ta đã quật cường đấu tranh chống lại thế lực đô hộ ấy, trong lúc này nền YHCT của ta cũng không ngừng phát triển, một mặt tìm các thuốc có sẵn trong nước, mặt khác tiếp thu nhanh chóng nền y học của Trung Quốc giao lưu sang nước ta. Vì vậy thành tựu y học cũng có bước phát triển sớm so với các nước khác trong khu vực.
 
Trong Lịch sử Việt Nam, có một số y liệu được ghi sớm vào thời nhà lý (1010 – 1224). Triều đình có tổ chức Ty Thái Y chăm lo và bảo vệ sức khỏe cho nhà vua và các quan trong triều; cũng có nhiều thầy thuốc chuyên nghiệp ở ngoài lo việc chữa bệnh cho nhân dân, phát triển việc tổ chức trồng thuốc (di tích này còn lại ngày nay là xã Đại Yên – Ba Đình – Hà Nội).
 
Phương pháp chữa bệnh bằng tâm lý cũng phát triển năm 1136, lương y Nguyễn Chí Thành tức Minh Không Thiền Sư người Gia Viễn Ninh Bình chữa khỏi bệnh tinh thần cho Lý Thần Tông, được phong làm Quốc sư, hiện nay còn thờ ở phố Lý Quốc Sư, quận Hoàn Kiếm Hà Nội.
 
Đến đời nhà trần (1225 – 1399) Y học Việt Nam lại phát triển một cách đáng kể ở triều đình, Ty Lương Y được đổi thành viện Thái Y. Triều đình còn có chủ trương phát thuốc cho dân ở vùng bị dịch bệnh hoành hành, thời kì này xuất hiện một số danh y và các tác phẩm về y học.
 
Ông Phạm Công Bản (thế kỷ 13) làm Thái y lệnh dưới triều vua Trần Nhân Tông đã có công lao rất lớn trong việc phục vụ người bệnh, không phân biệt người nghèo, tổ chức phát thuốc cho người nghèo cứu sống được nhiều người.
 
Tuệ Tĩnh thiền sư (thế kỷ 14) tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh người xã Cẩm Vũ – huyện Cẩm Giàng – Tỉnh Hải Dương ngày nay, đỗ Tiến sĩ nhưng không ra làm quan, ông đi tu lấy pháp danh là Tuệ Tĩnh, chuyên nghiên cứu sách thuốc của người Trung Quốc – tìm hiểu nhiều vị thuốc Nam, viết sách truyền bá y học.
 
Tác phẩm của ông để lại còn có: bộ Nam Dược Thần Hiệu gồm 11 quyển 580 vị thuốc nam, 3873 bài thuốc chữa 182 chứng bệnh trong 10 khoa lâm sàng; quyển Hồng Nghĩa Giác Tư Y Thư gồm hai bài phú về thuốc nam (một viết bằng chữ Nôm và một viết bằng chữ Hán ), tóm lược 630 vị thuốc công dụng và điều trị – 13 phương gia giảm theo cách biện chứng luận trị cơ bản và mạch học. Ông là người đầu tiên nêu cao khẩu hiệu: “Nam dược trị nam nhân", phổ biến rộng rãi một cách dễ hiểu trong nhân dân bằng các phương pháp: xông, cứu, uống thuốc, dưỡng sinh, vệ sinh, để nâng cao sức khỏe, ông có lời dặn trong vệ sinh tinh thần là: 
 
        “Bế tinh dưỡng khí tồn thần
              Thanh tâm quả dục thủ chân luyện hình”.
 
Người đời sau phong tặng cho ông là vị Thánh thuốc nam. Năm 55 tuổi ông bị bắt đi sứ sang Trung Quốc, ông được nhà Minh giữ lại làm việc ở viện Thái y, rồi mất ở bên ấy không rõ năm nào.
 
Chu văn An (1292 – 1370) người ở Vân Thôn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (Thanh Trì - Hà Nội ngày nay), ông đỗ Thái Học Sinh, giữ chức Tư Nghiệp trường Quốc Tử Giám dưới thời vua Trần Minh Tông (1324). Đến thời vua Trần Dụ Tông triều đình mục nát, ông can gián nhà vua nhiều lần mà không được, bọn quan lại lộng hành, tham ô ngày càng nhiều. Ông dâng sớ xin chém 7 nịnh thần (1341) và từ quan về dạy học ở Chí linh, Hải Dương và chuyên tâm nghiên cứu Y Học. Với sở học uyên thâm, ông đã đi sâu vào nghiên cứu Y học một cách đầy đủ các triệu chứng bệnh, nhất là bệnh dịch. Ông để lại một số tư liệu, bệnh án, kinh nghiệm điều trị, sau này con cháu ông là Chu Doãn Văn và Chu Xuân Lương đã ghi lại thành quyển “Y Học Yếu Giải Tập Chú Di Biên” năm 1466.
 
Thời nhà Hồ (1400 – 1406 ), tuy tồn tại có 6 năm nhưng việc cải cách xã hội được đặc biệt quan tâm. Triều đình thu hồi một số đất của bọn tham quan chia cho dân nghèo; đồng thời mở rộng việc khám chữa bệnh ở cơ sở, phát triển và phổ biến ngành châm cứu. Danh Y thời này có cụ: Nguyễn Đại Năng người xã Am Hiệp Huyện Kinh Môn - Hải Hưng, phụ trách bộ Thứ Quãng Tế, chuyên phụ trách các cơ sở y tế khám chữa bệnh cho nhân dân. Ông viết ra cuốn Châm Cứu Tiếp Hiệu Diễn Ca, vận dụng 120 huyệt đạo để chữa 100 thứ bệnh thông thường.
 
(1407- 1427) Nước ta lại một lần nữa bị thế lực phương Bắc (nhà Minh) đô hộ, chúng vơ vét của cải, sách vở, đưa các sĩ phu và các thầy thuốc giỏi của Việt Nam về nước. Do đó Y học thời bấy giờ không được phát triển
 
Thời Hậu Lê (1428- 1788), thời kỳ này có nhiều tiến bộ trong lĩnh vực bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Đặc biệt trong thời kỳ này có ban hành bộ luật Hồng Đức: đặt quy chế cho ngành y, trừng phạt những thầy thuốc kém y đức; gây tử vong bằng thuốc độc mạnh. Quy chế về vệ sinh xã hội cũng được nêu cao, cấm mua bán loại thịt cá ôi thiu, thịt súc vật đã chết; cấm bỏ thuốc mê, thuốc độc. Về mặt Pháp y cũng đề ra phương pháp khám nghiệm tử thi và y thương tích, việc tảo hôn cũng bị bài trừ, phổ biến phương pháp phòng bệnh, luyện tập và giữ gìn sức khỏe.
 
Việc tổ chức hệ thống y tế thì: ở triều đinh có Thái Y Viện đứng đầu, chăm lo việc bảo vệ sức khỏe cho Nhà Vua và các Quan, đồng thời cai quản chung việc y tế của xã hội; ngoài ra còn có Ty Lương Y chăm sóc sức khỏe cho quân đội, ở các tỉnh có Tế sinh Đường, chăm lo sức khỏe và chữa bệnh tật cho nhân dân và công tác phòng dịch. Mở các kỳ thi tuyển lương y và tổ chức giảng dạy ở Thái Y Viện, quảng bá rộng rãi y học phổ thông; in ấn sửa chữa, tái bản nhiều cuốn sách thuốc như: Châm Cứu Tiếp Hiệu Diễn Ca, Hồng Nghĩa Giác Tư Y Thư, Nam Dược Thần Hiệu, các sách mới như Y Học Nhập môn... thời kỳ này cũng xuất hiện nhiều danh y:
 
Nguyễn Trực (1416- 1473), quê ở xã Bối Khê, Huyện Thanh Oai, Hà tây, Trước Tác quyển Bảo Anh Lương Phương, chữa bệnh trẻ em bằng thuốc, châm cứu, xoa bóp.
 
Hải Thượng Lãn Ông, tên là Lê Hữu Trác (1724 - 1791), ông là nhà y học lỗi lạc, nhà văn hoá lớn, lịch sử nhiều lần đề cập đến ông. Là tác giả của pho sách trứ danh Hải Thượng Y Tôn Tâm Lĩnh, là pho sách đồ sộ gồm 28 tập, 66 quyển, được coi là quyển bách khoa toàn thư của y học cổ truyền Việt Nam, nội dung rất phong phú bao gồm hầu như các lĩnh vực của Y Học Cổ Truyền Phương Đông: gồm các phần như triết học cổ phương Đông, Y Lý, nguyên tắc điều trị và Phương tễ học, Dược vật học; kể cả Vận khí học, Sinh lý bệnh học, Chẩn đoán học, Dưỡng sinh điều trị, phòng bệnh; các khoa nội, ngoại, nhi, phụ, nhãn khoa, hầu khoa.
 
 

Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >