Trang chủ arrow Nghệ thuật ẩm thực arrow 湯鍋 - THANG QUA - THẮNG CỐ?
湯鍋 - THANG QUA - THẮNG CỐ?
22/02/2008

 湯鍋 - Thang Qua là một từ chỉ đích danh món Lẩu thịnh hành ở Trung Quốc, để lại dấu vết trong từ vựng Nhật ngày nay. Món ăn này nhấn mạnh đến Canh, tức thành  phần nước, linh hồn chủ đạo.

Nói về Lẩu, đây là  một loại món ăn phổ biến xuất phát từ Mông Cổ nhưng ngày nay được các nước Đông Á ưa thích. Một nồi lẩu ngày nay bao gồm một bếp (ga, than hay điện) đang đỏ lửa và nồi nước dùng sôi. Các món ăn sống được để xung quanh và người ăn gắp đồ ăn sống bỏ vào nồi nước dùng, đợi chín tới và ăn nóng. Thông thường đồ ăn dùng làm món lẩu là: thịt, cá, lươn, rau, nấm, hải sản...Ở nhiều nơi, món lẩu thường được ăn vào mùa đông nhằm mục đích giữ thức ăn nóng sốt. Hình thức ăn này rất gần với Thắng Cố vùng cao, có thể nói là một dạng Lẩu tập thể.

Thắng Cố là từ chỉ một món ăn phổ biến trên chợ vùng cao theo hình thức trên một chảo lớn ninh thịt và nội tạng đun sôi. Trong tiếng H'mong, từ Thắng Cố vốn được đọc là Thảng Cố, có ý nghĩa là  một nồi canh. Lúc này chúng ta có thể nghĩ ngay tới khả năng liên quan của từ này với từ Thang Qua trong từ vựng tiếng Hán. Phải chăng trong quá trình giao lưu du nhập giữa các tộc người, từ Thắng Cố của người Kinh, Thảng Cố của người H'mong là do Thang Qua đọc trại ra mà thành?

Trong tiếng Bắc Kinh, từ Thang Qua được phát âm là Tangguo, trong tiếng Quảng Đông, nó được phát âm là Toòng cố, như vậy là rất gần với từ Thảng Cố trong tiếng H'mong.

Điều này có thể sẽ thuyết phục hơn khi ta xét thêm về vấn đề nguồn gốc và lịch sử. Người H’Mông, còn gọi là người Hmông, người Mông, người Hơ-mông, người Miêu (ở Trung Quốc), người Mèo (ở Việt Nam), người Mẹo (ở Lào) (tiếng Trung Quốc: 苗 Miáo; tiếng Thái: แม้ว Maew hay ม้ง Mông), là một dân tộc ở châu Á nói tiếng H'mong; quê hương của họ là những vùng núi cao ở phía nam Trung Quốc (đặc biệt là Quý Châu) cũng như các khu vực miền bắc của Đông Nam Á (bắc Việt Nam và Lào). Thuật ngữ “Miêu” (“Mèo” hay “Mẹo”) là một từ ngữ xúc phạm đối với một số người H’mong. Ngày nay, họ tạo thành nhóm dân tộc lớn thứ 5 trong số 56 dân tộc được chính thức công nhận ở Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và cũng là một trong 54 dân tộc Việt Nam.

Như vậy, khả năng từ vựng tiếng Hán vào trong tiếng H'mong hay Miêu là hoàn toàn có thể.

Theo truyền thuyết Trung Hoa, bộ tộc của Xi Vưu (tiếng Hoa: 蚩尤, pinyin: Chīyoú) đã bị đánh bại ở Trác Lộc (tiếng Hoa: 涿鹿, pinyin: Zhuōlù; một địa danh cổ trên ranh giới tỉnh Hồ Bắc và Liêu Ninh ngày nay) bởi liên minh quân sự của Hoàng Đế (tiếng Hoa: 黃帝, pinyin: Huángdì) và Viêm Đế (Yandi), các thủ lĩnh của bộ tộc Hoa Hạ (tiếng Hoa: 華夏, pinyin: Huáxià) khi họ tranh giành quyền làm chủ lưu vực sông Hoàng Hà. La bàn được cho là lý do quyết định trong chiến thắng của người Hoa Hạ. Trận đánh này, được cho là diễn ra vào thế kỷ 26 TCN, đã diễn ra dưới điều kiện thời tiết mù sương và người Hoa Hạ đã có thể chiến thắng tổ tiên của người Miêu là nhờ có la bàn.

Sau thất bại, bộ tộc ban đầu của người Miêu được chia ra thành hai nhóm bộ tộc nhỏ, là Miêu và Lê (tiếng Hoa: 黎, pinyin: lí). Người Miêu tiếp tục di chuyển về phía tây nam còn người Lê về phía đông nam giống như bộ tộc Hoa Hạ (ngày nay là người Hán) mở rộng xuống phía nam. Trong suốt chiều dài lịch sử Trung Hoa, họ được nói đến như những kẻ "man di" do sự chênh lệch ngày càng tăng trong văn hóa và kỹ thuật so với người Hán. Một bộ phận các bộ tộc này đã bị đồng hóa thành người Hán trong thời kỳ nhà Chu (1122 TCN-256 TCN).

Có một phiên bản khác của thời kỳ hậu-Jiuli, người dân của Jiuli chia thành 3 nhóm đi theo 3 hướng khác nhau. Người ta nói rằng Xi Vưu có 3 con trai, và sau khi Jiuli thất thủ thì con trai cả của ông dẫn một số người về phía nam, con trai thứ dẫn một số người về phía bắc còn người con trai út ở lại Trác Lộc và đã bị đồng hóa theo văn hóa Hoa Hạ. Những người đi về phía nam thành lập ra nhà nước San-Miêu. Có lẽ vì sự phân chia thành nhiều nhóm nhỏ nên rất nhiều dân tộc ở Viễn Đông coi Xi Vưu là tổ tiên của mình, và vì thế nhiều câu hỏi được đặt ra về bộ tộc thực sự của Xi Vưu cũng giống như của người H'mong hay các dân tộc khác. Ví dụ, người Triều Tiên cũng cho Xi Vưu là tổ tiên của mình. Ngoài ra, theo chính sách hợp nhất các bộ tộc hiện nay của Trung Quốc, Xi Vưu được nhắc đến như là một trong những tổ tiên của người Trung Hoa cùng với các tổ tiên của người Hán là Hoàng Đế và Viêm Đế.

Tiếng Mông là một ngôn ngữ không có chữ viết. Năm 1961 phương án chữ Mông theo tự dạng Latin đã được chính phủ Việt Nam phê chuẩn (cụ thể bộ chữ được xây dựng theo ngữ âm ngành Mông Lềnh Sa Pa — Lào Cai) có bổ sung thêm một số âm vị của các ngành Mông khác, gồm 59 phụ âm (có 3 âm vị phụ âm của ngành Mông Đơư và Mông Sua), 28 vần và 8 thanh.

Cho đến nay chúng ta đều biết đến tiếng Mông là một ngôn ngữ nằm trong hệ ngôn ngữ Miêu-Dao (hay Mông-Miền). Nhưng trên thực tế vấn đề phân loại theo quan hệ họ hàng của ngôn ngữ này đã từng có nhiều ý kiến khá khác nhau. Một số nhà ngôn ngữ học xếp ngôn ngữ Mông thuộc nhánh Miêu-Dao trong hệ Hán-Tạng (trong đó phải kể đến các nhà khoa học Trung Quốc). Trong những ý kiến đáng chú ý ta còn phải kể đến Paul K. Benedict với quan điểm quy các ngôn ngữ trong khu vực thành hai hệ cơ bản: Hán-Tạng và Nam Thái (Austro-Thai). Trong đó vị trí các ngôn ngữ Miêu-Dao được định vị trong hệ Nam Thái.

Thế nhưng dù nằm trong hệ ngôn ngữ nào, với một quá trình sinh sống và giao hòa cùng sắc tộc Hán lâu dài như trên, thì sự ảnh hưởng mạnh và trực tiếp qua lại giữa hai chủng người, ở đây là ngôn ngữ là điều hoàn toàn có thể.

Thang Qua, phải chăng đó là từ nguyên của Thắng Cố.

Nguyễn Hạnh (Trong quá trình nghiên cứu Hán Nôm và văn tự khối vuông tại Bắc Kinh 2005)


Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >