Trang chủ arrow Tản mạn arrow CỤ LÊ XUÂN HOÀ
CỤ LÊ XUÂN HOÀ
24/09/2006

 Từ lâu hình ảnh ông đồ bày mực Tàu giấy đỏ đã trở nên một hình ảnh để người ta liên tưởng đến một cái Tết cổ truyền.Qua bao thăng trầm, những hồn xưa cũ nay đã vắng bóng nhiều. Cụ Lê Xuân Hoà hay còn được gọi là Thanh Hoằng Khê Lê Xuân Hòa là những gì còn sót lại số ít của một ông đồ dáng dấp khoa cử. Tên ông ghép từ tên gọi của tỉnh Thanh Hóa, huyện Hoằng Hóa, làng Phú Khê, nơi ông sinh ra và học những nét vẽ đầu tiên từ thân phụ là cụ Tú Kép Lê Duy Bá.

 
Xuất thân trong một gia đình Nho giáo, Lê Xuân Hoà đã bắt đầu viết chữ Nho (hay còn gọi là chữ Hán) từ năm lên 8 tuổi. Thân phụ ông Lê Xuân Hoà là một nhà Nho yêu nước đã từng đỗ liền 2 khoa tú tài, viết chữ Nho rất đẹp và được cả làng mến phục. Nhận thấy chữ Nho và đạo Nho của Khổng Tử đã dạy con người nhiều điều hay lẽ phải nên thân phụ ông mong muốn các con sẽ nối tiếp mình tiến thân lập nghiệp bằng con đường học chữ Nho.

Từng bị cha chê viết chữ gai khó tiến bộ,cụ  Lê Xuân Hoà  càng quyết tâm viết được chữ đẹp. Từ đó, cụ Hòa miệt mài học ngày học đêm, thay đổi thời cuộc rồi vỡ mộng khoa cử vì năm 1918, Triều đình nhà Nguyễn bỏ khoa thi và Nho giáo không còn được coi trọng. Không nản lòng , cụ vẫn miệt mài ung dung luyện chữ cho đến tận bây giờ. Sau nhiều năm là thày giáo dạy chữ Nho cho học sinh ở quê nhà, mãi tới năm 1954,cụ Lê Xuân Hoà ra Hà Nội làm kế toán ở Bộ Giao thông Vận tải. Trong những năm tháng đó, tiếng Hán ít được ngó ngàng tới nhưng ông vẫn không ngừng miệt mài tôi luyện chữ.

Đến năm 1975, Viện Hán Nôm mời ông làm cộng tác viên dịch sách bằng chữ Nho. Cũng từ đây, Lê Xuân Hoà dành nhiều thời gian chuyên tâm viết thư pháp bằng chữ Nho.Vậy là mỗi năm hoa đào nở, chúng ta lại thấy ông đồ già Lê Xuân Hòa trong dáng vẻ khoan thai, mực thước ngồi ở Văn Miếu viết chữ. Nhà thư pháp Lê Xuân Hoà cho rằng , thư pháp chỉ đích danh nghệ thuật viết chữ Nho (chữ Hán) bằng bút lông, xuất hiện từ rất lâu đời ở Trung Quốc. "Thư" có nghĩa là "chữ"; "pháp" có nghĩa là "phép tắc". Các chấm, các nét được thể hiện theo quy tắc. Khi viết, mỗi lần nhấn bút là một chấm, mỗi lần nhấc bút được kể là một nét. Chúng có sự bắt đầu, hướng phát triển và điểm kết thúc, có độ lớn nhỏ cho từng chấm, độ thanh đậm cho từng nét theo những quy định bắt buộc. Dù có bay bướm hay tung hoành đến mấy thì toàn bộ chữ vẫn phải nằm trong một khuôn khổ, một kiểu chữ nhất định, trong một hình khối kết cấu hết sức cụ thể, rõ ràng, mạch lạc và muốn viết được chữ đẹp thì phải dành hết tình cảm và tâm hồn vào những chữ mình viết. Hơn 80 năm viết chữ Nho, nét chữ của ông Hoà đã khiến người đời phải nể phục vì sự tài hoa độc đáo. Vì vậy, nhiều người đã gọi ông là một trong những nhà thư pháp nổi tiếng ở nước ta. Nhà văn, nhà thư pháp Giả Đồng Huy của nước bạn Trung Quốc, khi sang Việt Nam rất cảm phục đức độ, tài năng viết chữ của cụ Lê Xuân Hoà nên cũng đã vẽ tặng ông bức tranh với dòng chữ "Kính trình Lê Xuân Hòa đại sư".

Đã có biết bao người yêu văn chương được cụ Hòa cho chữ, từ người trong nước, những vị quan chức cấp cao của nhà nước như: nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Thủ tướng Phan Văn Khải, Đại tướng Võ Nguyên Giáp… đến những du khách nước ngoài, nhưng đông nhất vẫn là những người bạn, học trò, họ hàng, con cháu. Cụ tặng mỗi người một chữ với những ý nghĩa khác nhau. Cụ Lê Xuân Hòa đã đưa chúng ta trở về văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc, của thú vui chơi câu đối Tết, cảm tác thơ xuân và những thuần phong mĩ tục có bề dày lịch sử 4000 văn hiến. Mỗi nét chữ của nhà thư pháp Lê Xuân Hòa đều là những lời vàng ý ngọc của cổ nhân. Bút pháp của nhà thư pháp Lê Xuân Hoà khỏe khoắn, hồn nhiên, chữ của ông truyền cảm, nhanh, mạnh, hùng tráng, tươi vui đầy ấn tượng, nét to đậm chắc đan xen nét phi bạch kết hợp sáng tối hài hòa cũng như con người ông vừa yêu đời vừa tự tại. Tất cả dù là chữ Nho hay chữ Nôm đều hiện ra hoành tráng, tươi tắn, khí phách dưới ngọn bút Lê Xuân Hòa, hầu như làm sống dậy cảm hứng của giới trí thức biết thưởng thức văn thơ nước nhà.Thư pháp Thanh Hoằng Khê Lê Xuân Hoà đã được giới thiệu trong Nam, ngoài Bắc. Chữ của ông còn có mặt trong các cuộc Triển lãm thư pháp quốc tế lớn do Hiệp hội giao lưu văn hoá đối ngoại Trung Quốc và Hiệp hội các nhà Thư pháp Trung Quốc chủ trì tổ chức. Lê Xuân Hoà luôn coi trọng tầm cao tư duy và cảm xúc của mình khi viết chữ. Có thể lấy ngay tám chữ: 'Thiết thạch can trường, tinh anh tuyết ngọc' (Khí phách kiên cường như đá như thép, tâm hồn trong sáng cao đẹp như tuyết như ngọc) để khái quát diện mạo tinh thần của thư hoạ Lê Xuân Hoà.

Ngoài viết thư pháp, Thanh Hoằng Khê Lê Xuân Hòa còn có tài vẽ tranh và làm thơ. Dường như trong lòng con người  ấy đã để cho lòng mình về với thiên nhiên. Mặc dù chưa học qua trường lớp hội họa nào nhưng từ rất nhỏ ông Lê Xuân Hoà đã biết vẽ tranh đẹp đến nỗi cả làng Phú Khê phải trầm trồ thán phục. Những bức của cụ sâu sắc, đa dạng tạo nên một không gian khó có thể xem một lần mà liễu giải được. Kỹ xảo tạo độ trái sáng trên nền giấy thường thôi mà vẫn bắt hình chính xác cho thấy sự dày công luyện tập quan sát của cụ.

Phong cách tranh thủy mặc của Trung Quốc thường là công bút. Bút lực dùng để tả  để tả cái thần của tranh phải qua nhiều năm mới đạt tới được cảnh giới vi diệu. Mặc dù nhà thư pháp Lê Xuân Hoà vẽ tranh theo cách vẽ tranh thủy mặc của Trung Quốc nhưng người xem tranh của ông vẫn cảm nhận được thiên nhiên, con người Việt Nam. Điều này cũng đã thể hiện trong những vần thơ ông viết tặng nhà khoa học Hoàng Xuân Hãn đã qua đời tại Pháp:

Nghìn trùng trời biển rộng bao la
Đẹp nghĩa, đẹp tình những thiết tha
Thể gửi xứ người nương cửa phật
Hồn về đất Việt hướng quê nhà
Trúc lâm bảo tọa hương bay ngát
Thiền viện hào quang ánh tỏa xa
Nét bút câu thơ vui hạnh ngộ
Xuân Hòa - Xuân Hãn kết tinh hoa

Cái đẹp của tranh kết hợp với chữ là sự kết hợp giữa không gian hội hoạ và sự mô tả cái hiện hữu với tính chất trừu tượng, tượng hình của nghệ thuật thư pháp.

Dù tuổi đã ngoài 90, nhà thư pháp Thanh Hoằng Khê Lê Xuân Hoà vẫn hàng ngày vẽ tranh, làm thơ, hòa mình vào  chữ, điểm tô cho non sông nước Việt một âm hưởng cội nguồn để cho chúng ta biết đến và thêm yêu truyền thống văn hóa ngàn năm của cha ông. Suốt đời, nhà thư pháp Lê Xuân Hoà coi trọng chữ "Tâm". Điều đó cũng giải thích vì sao cạnh mỗi chữ "Tâm" ông đều viết câu thơ của Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du: "Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài" hay còn là câu thơ Đường của Vương Xương Linh đời Đường  “Lạc Dương thân hữu như tương vấn, nhất phiến băng Tâm tại Ngọc Hồ” (...Một tấm lòng trong sáng đựng trong bình ngọc)…/.

Nguyễn Hạnh

Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >