Trang chủ arrow Tản mạn arrow KHỞI NGHĨA PHAN XÍCH LONG
KHỞI NGHĨA PHAN XÍCH LONG
21/02/2008

 Phan Xích Long sinh năm Quý Tị (1893), tên thật là Phan Phát Sanh (Một tên khác là Lạc), là con trai của ông Phan Núi, nhân viên cảnh sát ở Chợ Lớn. Hình ảnh vị tướng tài ba thống lĩnh đội quân quần đen áo trắng khi xông trận đã in sâu vào tâm khảm dân chúng Nam Kỳ một thời.

Với tiêu chí: "Tiên đã hôn quân, hậu đã loạn thần", Phan Xích Long trở thành thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa trong những năm Đệ Nhất Thế chiến tại Nam Kỳ, góp phần làm sôi động phong trào Hội kín trong thời kỳ này.

Giống như Nghĩa Hòa Đoàn trong việc sử dụng bùa phép cổ xúy binh sĩ, Phan Xích Long còn tỏ ra am tường trong khoa học kỹ thuật với hoạt động chế vũ khí tương đối tân tiến, hiện đại. 

Hoạt động của Phan Xích Long nổi tiếng nhất là anh lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống Pháp năm 1913 tại Sài Gòn. Một số trong các hoạt động đó và kết cục số phận của ông đã được một tác giả nghiên cứu, ghi lại cụ thể như sau:

"Đêm 23 rạng ngày 24-3-1913, Nguyễn Hữu Trí và Đặng Tấn Sao đã dùng thuyền bí mật chở 5 trái phá loại lớn đến giấu tại cầu Ông Lãnh. Sau đó người trong Hội kín đến lấy và đặt ở các điểm đã được tính toán trước như dinh Chánh Soái, dinh Thống soái Nam kỳ, xưởng Ba Son... Ngoài ra, Hội kín còn bố trí đặt bom đồng loạt ở Chợ Lớn, Tân An, Sóc Trăng và ở Nam Vang (Campuchia). Trước ngày khởi nghĩa, Phan Xích Long đi nhiều nơi để tuyên truyền chống Pháp, kêu gọi: “Ta hãy đứng dậy mà phục quốc”, tiếc rằng anh đã bị bắt ở Phan Thiết trước một ngày. Sáng hôm sau (28-3-1913), 600 quân của Hội kín tiến quân từ Chợ Lớn về Sài Gòn và ai cũng tin rằng: Khi đã uống bùa thì không ai nhìn thấy và thân thể có phép gồng thì gươm đạn cũng không làm thủng da thịt (!) vì thế đội quân khi vừa áp sát mục tiêu đã bị quân Pháp phản công mãnh liệt nghĩa quân mau chóng tan rã.

Sáng 15-11-1913, Tòa đại hình Pháp đã đưa 104 người ra xét xử trong đó có Phan Xích Long. Tòa án nhận định: Chúng kinh hoàng trước vũ khí tự tạo: “Hễ những trái ấy nổ ra chỗ đông người thì bại to” các chiến sĩ của Hội kín đều tỏ ra hiên ngang trước tòa án quân thù, Phan Xích Long đanh thép quả quyết chỉ tiếc rằng hỏa lôi chưa làm banh xác quân thù. Anh bị kết án 2 năm khổ sai. Sự kiện này đã có tiếng vang lớn chấn động giới giang hồ mã thượng trên đất Nam kỳ. Ba năm sau, khuya ngày 16-2-1916, Hai Trí lại dẫn đoàn quân tới 300 người tấn công khám lớn Sài Gòn nhằm giải phóng Xích Long. Cuộc khởi nghĩa lại thất bại. Tòa Pháp lại xử Phan Xích Long một lần nữa và ngày 22-2-1916 có 38 người bị xử tử ở Đồng Tập (nay thuộc khu vực đường 3-2 và Điện Biên Phủ (Q.3 và Q.10) đứng đầu danh sách là Phan Xích Long."

Khởi nghĩa Phan Xích Long với màu sắc thần bí kiểu Trung Hoa, với lòng yêu nước và chủ nghĩa anh hùng đã trở thành một phấn khích lớn trong phong trào chống ngoại xâm.

Nguyễn Hạnh (Từ nhiều tư liệu) 


Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >