Trang chủ arrow Tản mạn arrow DẤU VẾT CHỮ HÁN TRONG HỆ CHỮ TIẾNG NHẬT
DẤU VẾT CHỮ HÁN TRONG HỆ CHỮ TIẾNG NHẬT
21/02/2008

Trong các nước sử dụng chữ Hán, tạm gọi là cộng đồng các nước đồng văn, Nhật Bản có vị trí địa lý tương đối đặc biệt. Được tạo thành bởi những đảo và quần đảo nhỏ, văn hóa của đất nước Mặt Trời mọc này có những điểm dị biệt được tồn tại một cách bảo thủ, giống như tinh thần của các Samurai (Võ sĩ đạo). Trong thời kỳ những phương tiện thông tin đại chúng còn hạn chế, việc tiếp thu văn minh của các nước láng giềng đối với Nhật Bản là vô cùng khó khăn. Điều đó thể hiện ở những gì nó chậm chạp phát triển và chậm chạp phôi phai.

 

Trong khu vực, có thể nói Trung Quốc là nước có tầm ảnh hưởng sâu rộng, các nước đồng văn đều chịu những tác động to lớn của nó, từ chính thể, tục lệ, và đặc biệt là chữ viết, ở đây là chữ Hán, thứ chữ bành trướng, công cụ thống trị của các triều đình Trung Hoa trong hàng thế kỷ.

Ở một nơi xa xôi, lại biệt lập, Nhật Bản tiếp thu tiếng Hán khó khăn nhưng đầy sáng tạo, cộng với tính bảo thủ cực đoan cố hữu đã tạo ra hai bộ chữ đặc trưng trong tiếng Nhật, mang đầy dấu vết tượng hình Trung Quốc: Hiragana và Katakana.

Phải nói tiếng Nhật ngày nay là một sự kết hợp của nhiều bộ chữ. Với Kanji (漢字Hán tự), Rōmaji, chữ số Ả rập, Hiragana và Katakana đã xác lập được một diện mạo hiếm thấy trong tiếng Nhật.

Nói về Hiragana, đây là một thứ chữ được phát triển từ man'yōgana (万葉仮名, "vạn diệp giả danh"), tức là những chữ Trung Quốc được dùng để biểu diễn cách phát âm của người Nhật, bắt đầu hình thành từ thế kỷ thế 5. Dạng chữ hiragana bắt nguồn từ sōsho (草書, "thảo thư"), kiểu chữ thảo của thư pháp Trung Quốc. Hãy nhìn vào bảng bên dưới:

Chúng ta có thể thấy tất cả những chữ Hiragana đều là những chữ viết theo thể Thảo của những chữ Hán, Cụ thể: 

  

A: An, I: Dĩ, U: Vũ, E: Y, O: Ư, Ka: Gia, Ki: Kỉ, Cơ, Ku: Cửu, Ke: Kế, Kê, Ko: Kỉ, Sa: Tả, Shi: Chi, Su: Thốn, Se: Thế, So: Thú, Ta: Thái, Chi: Tri, Tsu: Xuyên, Te: Thiên, To: Chỉ, Na: Nại, Ni: Nhân, Nu: Nô, Ne: Nễ, No: Nãi, Ha: Ba, Hi: Tỉ, Bỉ, Fu: Bất, He: Bộ, Ho: Bảo, Ma: Mạt, Mi: Mỹ, Mu: Vũ, Me: Nữ, Mo: Mao, Ya: Dã, Yu: Do, Yo: Dữ, Ra: Lương, Ri: Lợi, Ru: Lưu, Re: Lễ, Ro: Lữ, Lã, Wa: Hòa, Wi: Vi, We: Huệ, Wo: Viễn, N: Vô.

Trong khi đó thì Katakana(片仮名, "Phiến giả danh", カタカナ or かたかな) hay còn gọi là kiểu chữ cứng của tiếng Nhật, là một thành phần trong hệ thống chữ viết truyền thống của Nhật Bản, bên cạnh hiragana, kanji và đôi khi còn để viết phiên âm chữ cái Latin. Từ "katakana" có nghĩa là "kana chắp vá", do chữ katakana được hợp thành từ nhiều thành phần phức tạp của Kanji.

Katakana được tạo thành từ các nét thẳng, nét cong và nét gấp khúc, là kiểu chữ đơn giản nhất trong chữ viết tiếng Nhật.

Katakana có hai kiểu sắp thứ tự thường gặp: Kiểu sắp xếp cổ iroha (伊呂波), và kiểu thường dùng thịnh hành gojūon (五十音).

Có thể nói Katakana là một hệ thống chữ viết tắt của các thành tố tiếng Hán. Điều đó thể hiện rõ trong bảng sau:

Trong đó các chữ Katakana đều là được lấy từ các chữ Hán để mượn phiên âm như A, Y,  U, Giang, Ư, Gia, Kỉ, Cửu, Giới, Dĩ, Tán, Chi, Tu, Thế, Thú, Đa, Thiên, Xuyên, Thiên, Chỉ, Nại, Nhân, Nô, Nễ (Nhĩ), Nãi, Bát, Tỉ (Bỉ), Bất, Bộ, Bảo, Mạt, Tam, Mâu, Nữ, Mao, Dã, Do, Dữ, Lương, Lợi, Lưu, Lễ, Lữ, Hòa, Hồ, Nhĩ.

Như vậy, là một ngôn ngữ chắp dính, tiếng Nhật đã được người Nhật sáng tạo ra những bảng chữ viết tắt như trên qua quá trình học tập tiếng Hán cổ để giải quyết vấn đề mang tính khu vực như trên. 

Nguyễn Hạnh 


Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >