Trang chủ arrow Tản mạn arrow CHUYỆN PHIẾM CÙNG HẠT DƯA
CHUYỆN PHIẾM CÙNG HẠT DƯA
20/02/2008

 Có công trình khoa học chỉ ra rằng ăn hạt bí ngô là cách tiêu thụ nhiều Magiê một cách dễ dàng. Nhà nghiên cứu ở Pháp phát hiện những người đàn ông có mức Magiê trong máu cao có thể giảm 40% nguy cơ chết sớm hơn là những người có mức Magiê thấp. Trung bình, mỗi người cần tiêu thụ 353mg khoáng chất mỗi ngày.

Vừa rồi trên báo chí, người ta xếp hạt bí ngô vào trong danh mục mười thực phẩm quý bị lãng quên, ngang hàng với kỉ tử, ô mai, củ cải đường, thạch lựu…

Thoạt đầu, tôi thích ăn hạt hướng dương, sau nghe lời khuyên của các bác sỹ mà chuyển sang hạt bí, cuối cùng nhận thấy cái dư vị thanh thanh của hạt dưa mới là điều khoái tuyệt, đành dan díu với mối tình ấy mãi đến nay. Âu điều hạnh phúc cuộc đời đôi khi là được đón đợi  một hương âm tuyệt hảo.

Xưa, Mai An Tiêm bị khép hình ngạnh vương hóa, phải đi đày nơi xa, giống hạt dưa Nga Sơn mà loài chim gieo xuống chẳng biết ở đâu, đã cứu cho một mảnh đất hoang sơ đầy gió mặn, để cả một vùng cổ sơ xanh một màu thu hoạch.

Và chính cái hạt quả đỏ nhưng nhức ấy đã là một phần không thể thiếu được mỗi khi tiết xuân về. Mùi vị thơm, giòn, tiếng lách tách vui tai như khuyên răn con người xích lại gần nhau, thủ thỉ những điều “diệu huyền trong lá”, để đôi mắt chàng trai say đắm nhìn bờ môi mỹ nhân cắn đi hai nửa son màu.

Hãy nghe lời thế gian tâm sự:

“Steve hỏi tôi ăn cái thứ hạt dưa ấy thì có ích lợi gì. Tôi nói: có nhiều cái lợi lắm chứ. Ở đây tuy người ta ăn rất nhiều trong các cuộc lễ, lễ giáng sinh, lễ tạ ơn vân vân… nhưng người ta không nói đến tiếng ăn. Còn bên xứ chúng tôi người ta nói thẳng thắn là ăn. Ăn Tết, ăn lễ sinh nhật, ăn cưới, ăn hỏi, ăn khảm tháng, ăn ngũ tuần, ăn lục tuần, ăn thượng thọ, ăn giỗ, vân vân… Mà Tết thì kéo dài những ba ngày; trong ba ngày liền phải ăn luôn miệng. Đi đâu, gặp ai mời, cũng ăn, cũng phải ăn. Mà thức ăn cũng mau no, chỉ có hạt dưa là ăn mãi không no. Như vậy cái lợi thứ nhất là ăn mãi mà không sợ phải no. Cái lợi thứ hai là ăn hoài mà không sợ hại cho sức khỏe. Ăn cái gì nhiều cũng có thể đau bụng, đau gan, trúng thực nhưng mà ăn hột dưa thì không sao; vì tuy cái miệng ăn hoài mà cái dạ dày không bao giờ đầy. Cái lợi thứ ba là đỡ phải nói chuyện nhất là khi ta không biết chuyện gì mà nói. Dù sao thì cái miệng của tôi cũng đang làm việc mà: Tôi ít nói vì cái miệng tôi đang ăn hạt dưa, chứ không phải là tôi không biết nói chuyện. Cái lợi thứ tư là tránh được cái hại đa ngôn đa quá. Hạt dưa dạy người ta ít nói, dạy người ta im lặng để suy nghĩ về những điều mình muốn nói, dạy người ta biết nghe những người khác. Từ đứa trẻ năm tuổi cho đến ông già tám mươi ai cũng có thể dạy cho ta được nhiều điều bằng các câu chuyện của họ - người ta thường là thế. Hạt dưa khiến cho ta chín chắn hơn, và giúp ta tránh được những câu nói vô ích, lầm lỡ, nhất là câu tuyên bố bừa bãi không dựa trên căn bản suy tư và nhận xét nào cả. Trong trường hợp này, biết thì thưa thốt, không biết thì “cắn hạt dưa” mà nghe. Khỏi phải dựa cột. Steve cười ngất khi nghe tôi nói như vậy và bảo rằng tôi có thể viết những ý đó thành bài nói về cái triết học của hạt dưa đỏ.”

Theo Y học cổ truyền, hạt dưa vị ngọt, tính bình. Làm thanh phế nhuận táo (thanh nhiệt phổi chống ráo), hóa đàm hòa trung (tan đàm điều hòa hệ tiêu hóa). Cho nên, người bị ho do phổi nóng; đàm nhiều; ăn uống kém, nên thường dùng.

Còn bên kia bán cầu, các nhà khoa học cũng ráo riết phân tích và phát hiện ra rằng hạt dưa chứa nhiều chất dinh dưỡng như protid, glucid, lipid, vitamin B1, B2, E, PP, canxi, sắt, kẽm, phốt pho, selen... Trong đó, protid của hạt dưa là chất đạm không thể thiếu cho thần kinh, cơ bắp, huyết dịch, nội tạng, xương khớp. Chất glucid trong hạt dưa là thành phần chính cấu tạo tế bào và thần kinh. Chất béo trong hạt dưa, phần nhiều là acid béo không bão hòa, sẽ giúp ích trong việc phòng ngừa xơ cứng động mạch, bệnh mạch vành, chứng cao mỡ máu...

Và từ đó, người ta khuyến cáo rằng ăn hạt dưa giúp tăng cường trí nhớ, phục hồi thương tổn thần kinh. Khi ăn hạt dưa, việc vận động cơ răng hàm, mặt cũng là tiêu chí để đánh giá tác dụng thẩm mỹ.

Đối với sinh viên, cắn hạt dưa trở thành thú ăn chơi khi trong túi không nhiều tiền. Chỉ cần một tách café, đĩa hạt dưa là đã có thể hàn huyên một buổi. Cách ăn chơi này thích hợp với những ai muốn có những phút giây rôm rả cùng bạn bè, với những người thích chuyện trò, lắng nghe những mảnh đời bất tận.

Cắn hạt dưa cho đỡ chán, có một cách là ngồi cắn hạt dưa, hãy để dành số lượng cho tới khi nào làm được nhân của mười cái bánh Trung Thu. Khi ấy, mọi lo nghĩ xa xôi sẽ tiêu tan, con người như tự mình thân mật hơn, gần với thực tại.

Ăn hạt dưa là một nghệ thuật? Có thể có hai lý do: Đó là nghệ thuật chế biến và nghệ thuật cắn hạt. Chúng ta hãy nghe một nhà báo nói về một vùng đất làm hạt dưa:

“Để có những hạt dưa thơm, giòn người nông dân Bắc Bình phải một nắng hai sương vật lộn với thiên nhiên để giành lấy những trái dưa lăn tròn trên cát. Vùng động cát phía đông nam là vùng chuyên canh cây dưa lấy hạt bao đời nay của bà con nông dân Bắc Bình. Tuy hiện nay đất đã bạc màu, thời tiết khắc nghiệt, thị trường tiêu thụ ngày càng bấp bênh, song dưa lấy hạt vẫn được xem là cây chủ lực đối với nông dân, các vùng màu thuộc xã Hòa Thắng, Hồng Phong, Phan Thanh, Hồng Thái, Lương Sơn, Sông Lũy, Bình Tân với diện tích gieo trồng mỗi năm hơn 5.400ha.

Cách rang hạt dưa thủ công theo truyền thống được duy trì. Những khâu cơ bản trong chế biến trước hết là việc tẩy rửa sạch cát bụi và ngâm nước một thời gian ngắn rồi đem phơi ráo, sau đó tiến hành rang hạt dưa trong chảo hay nồi gọ với một ít cát sạch, rang trên lửa lớn. Trong quá trình rang luôn trộn liên tục, nhanh tay để hạt dưa chín đều, đến khi có mùi thơm và tiếng nổ lách tách trong nhã rang dứt hẳn mới để ra sàng lọc cát, làm nguội. Mỗi nhã rang phụ thuộc vào người khỏe tay hay yếu tay trộn, nhưng rang không quá 5kg hạt dưa. Cách rang thủ công này, mỗi người chỉ đạt năng suất từ 20kg đến 40kg một ngày. Hạt dưa rang thế này rất thơm, giòn nhưng tốn nhiều thời gian và công sức, nhất là phải chịu đựng với sức nóng của lửa than, củi.

Công đoạn cuối cùng là việc nhuộm màu, đánh bóng. Để có được sắc màu rực rỡ, điều quan trọng là phải xác định đúng tỷ lệ và chất lượng phẩm màu. Được biết phải cần 250 gam pha 20 lít nước, rẩy và trộn đều cho 100kg hạt dưa. Sau khi tẩm màu, phơi thật khô, hạt dưa rang nóng thì trộn dầu thực vật 0,75 lít cho 100kg đồng thời gói bảo quản hạt dưa thật chu đáo và để ở những nơi khô ráo, thông thoáng...”

Chế biến hạt dưa công phu như thế, đến việc cắn hạt dưa cũng là một vấn đề. Cắn phải duyên dáng nhẹ nhàng, không sẽ làm nát cả vỏ lẫn ruột.

Hồi bé về Lạng Sơn, tôi tận mắt thấy một cô gái Hoa Kiều bỏ một nắm hạt dưa vào mồm rồi cứ dần dần nhằn, cho đến khi những thứ còn lại được nhổ ra bên ngoài chỉ là những đôi vỏ không lành lặn, đỏ tươi.

Người Việt Nam không ăn hạt dưa kiểu ấy, không vội vã như những người thợ Quảng Đông, không đài các, xa hoa như các thể nữ trong cung đình xứ Bắc mà thân thiện, nhỏ nhẻ. Từng hạt được kê ngay vào hàm ngọc, đợi từng tiếng tanh tách nhuộm son, lộ cái nhân vàng bùi ngùi, thương nhớ.

Có người dạy tôi cách cắn hạt dưa ngược, tức ăn hạt ở đầu lớn, cho khỏi bị vỏ hạt kẹp từng phen vào đầu lưỡi, đau điếng. Thế nhưng tôi vẫn cứ khăng khăng kiểu truyền thống, bởi chỉ đơn giản nghĩ rằng có ngọt ngon, hạnh phúc đợi chờ nào mà chẳng có khổ đau!


Nguyễn Hạnh



Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >