Trang chủ arrow Tản mạn arrow KÝ ỨC CÙNG CON LỢN Ỉ
KÝ ỨC CÙNG CON LỢN Ỉ
20/02/2008

 Hồi còn trẻ con, tôi ghét nhất là những người thịt gà, ghét bởi sợ người ta thịt mất con Hoa Mơ oai vệ của tôi. Lớn thêm một chút, tôi lại thích người ta thịt lợn, thích bởi vì lát nữa sẽ có quả bồ dục nấu cháo, người lớn có bát tiết canh ăn.

Thế mà có lần tôi thương mẹ tôi quá, vì bà đã khóc khi bán đi chú lợn Ỉ chưa đến ngày xuất chuồng để lấy tiền chăm tôi trong cơn bệnh hoạn. Mẹ bảo mẹ già mới sinh con, nên con hay đau ốm, khoé mắt của người đàn bà tuổi trạc năm mươi tiếc chú lợn lắm nhưng cứ cắn răng chịu, chẳng than vãn điều gì.

Cái tuổi thơ quặt quẹo ấy đã qua đi, đất nước cũng đã đổi thay. Cái bánh chưng ngày Tết giờ tú ụ thịt. Vậy mà tôi vẫn không quên được con lợn Ỉ, nhớ tiếng sục cám eng éc đầu chuồng.

Con lợn Ỉ đối với tôi thì như thế, còn với người đời thì giờ phải để ý lắm mới thấy được dấu tích của nó.

Nhớ ông tôi kể ngày xưa, làm trai phải có nghĩa vụ nuôi lợn Ỉ. Công lao này được tính trong hai năm, cuối cùng để dâng vào Lễ Chạp.

Thịt lợn Ỉ xưa quý lắm, có nơi được dân muối ăn dần, cất quanh nhà như bảo bối truyền đời. Họ giữ bởi sểnh ra là đến kỳ đói, phải lấy nếp Tích cốc phòng cơ vậy.

Bà tôi rán Tàn Quyển, nhất quyết là phải đợi cho kỳ được mẻ mỡ đầu của con lợn Ỉ, phải là lợn Ỉ mới ngon, mới thơm và ý nhị. Đến làm bánh, bà cũng phải chọn mỡ lợn Ỉ, rán lấy nước trong. Tôi không biết mỡ lợn Ỉ thế nào nhưng rõ ràng món rau xào của bà lúc nào cũng ngon tuyệt, mẹ tôi cứ nói đùa là nhờ chú Ỉ trong chuồng.

Ngó quanh ngó quẩn đến ngày nay, chỉ thấy cái hình dáng béo tròn, mắt híp qua tranh dân gian bằng giấy. Đàn lợn ấm no sung túc kiểu nhà Ỉ cứ ít dần. Nghe đâu chỉ còn có một vùng còn nuôi lợn Ỉ là Thanh Hóa. Chúng không còn được ưu ái vì hiệu quả kinh tế không cao. Bán một tá lợn không đủ cho con ăn học. Sách đỏ đã liệt chúng vào những loài có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Vừa rồi đọc sách cứ thấy ngáo ngơ khi nghe thấy nào là Ỉ mỡ, Ỉ pha, Sống bương,... những từ chuyên môn như sắp thành một bề trầm tích. Lũ trẻ con thì mù tịt, chỉ thấy từ Ỉ trong cuốn sách Tập Đọc mà thôi. Chúng có biết đâu rằng, cha ông đã có thời đem lợn Ỉ ra thờ, ra rước (Ví như Hội rước Lợn Ỉ và đuổi Cuốc ở làng Trà Xuyên, Khúc Xuyên, Yên Phong, Bắc Ninh).

Tết vừa rồi, có họ hàng từ Lạng Sơn gửi xuống cho một túi thịt lợn Ỉ, mới biết rằng lại có thêm một địa chỉ vàng, ăn miếng thịt kho giòn ngọt, lòng vui như mở cờ rong hội.

Nguyễn Hạnh





 


 


Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >