Trang chủ arrow Tản mạn arrow HỘI KHOẺ PHÙ ĐỔNG
HỘI KHOẺ PHÙ ĐỔNG
16/02/2008

 Ngày 14/4/1979, Bộ Giáo dục nay là Bộ Giáo dục Đào tạo, Tổng cục TD-TT nay là Uỷ ban TDTT, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Uỷ ban Thiếu niên nhi đồng Trung ương ban hành chỉ thị liên tịch số 210/CT/LB phát động phong trào Hội khỏe Phù Đổng truyền thống hàng năm của học sinh các trường phổ thông để tiến tới Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc được tổ chức 4 năm một lần.

 

Biểu tượng đại hội là lá cờ nền trắng có chữ Phù Đổng ở góc trên bên trái, phù hiệu cuốn sách mở, măng non, cành lá, 5 vòng tròn và ngôi sao. Hội ca: "Hành khúc hội khoẻ Phù Đổng" của nhạc sĩ Văn Dung.

20 năm cuối thế kỷ 20, Hội khỏe Phù Đổng đã trở thành ngày Hội thể thao của tuổi trẻ học đường nhằm mục đích giáo dục thế hệ trẻ truyền thống anh hùng của dân tộc, yêu chủ nghĩa xã hội, ý chí kiên cường bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc; tổng kết, động viên phong trào luyện tập TDTT trong học sinh; tuyển chọn những mầm non có năng khiếu để bồi dưỡng xây dựng đội ngũ vận động viên ưu tú nòng cốt của địa phương và cả nước. Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc trong thế kỷ 20 đã qua 5 lần tổ chức:

* Hội khỏe Phù Đổng lần thứ nhất: Tổ chức tại TP Hà Nội từ 9 đến 17/10/1983, gồm 6 môn thi: Điền kinh, Bơi lội, Cờ vua, Vật tự do, Bóng bàn, Thể thao dụng cụ (Bóng đá chỉ đấu giao hữu). Số huy chương 108 (không kể các môn thi cấp II và cấp III của Thể thao dụng cụ chỉ có giải thưởng và bằng khen). Số VĐV tham gia: 737 (448 nam, 289 nữ). Số đơn vị tham dự: 36 tỉnh, thành phố và hai ngành Quân đội và Đường sắt; có 7 đơn vị có huy chương vàng, 7 đơn vị có huy chương bạc, 6 đơn vị có huy chương đồng. Số kỷ lục Hội khỏe Phù Đổng được xác lập mới và bị phá: 57 (32 về bơi lội, 25 về điền kinh. Số kỷ lục quốc gia: 2 (nhảy cao nữ và bơi tự do nam trẻ).

* Hội khỏe Phù Đổng lần thứ hai: Tổ chức tạo TPHCM từ 20 đến 27/7/1987, gồm 9 môn thi: Điền kinh, Bơi, Cờ vua, Vật tự do, Bóng bàn, Thể thao dụng cụ, Bóng đá, Bóng chuyền, Cầu lông. Số bộ huy chương 152. Số đơn vị tham gia: 40 tỉnh, thành phố và đặc khu. Số vận động viên tham gia: 1069 (635 nam, 434 nữ). Số đơn vị đạt huy chương: 30 (13 đơn vị có huy chương vàng, 11 đơn vị có huy chương bạc, 6 đơn vị có huy chương đồng). Có 57 kỷ lục Hội khỏe Phù Đổng được xác lập mới và bị phá (32 về bơi lội và 35 về điền kinh). Số kỷ lục quốc gia: 9 (4 về điền kinh và 5 về bơi)

* Hội khỏe Phù Đổng lần thứ ba: Tổ chức tại thành phố Đà Nẵng từ 20 đên 27/8/1992, gồm 9 môn thi đấu: Điền kinh, Bơi lội, Cờ vua, Cầu lông, Đá cầu, Vật tự do, Bóng đá, Bóng chuyền, Bóng bàn. Số đơn vị tham gia: 52 đoàn, 1845 người trong đó có 1701 vận động viên (1133 nam, 568 nữ). Số bộ huy chương: 117. Số đơn vị đoạt huy chương 32 (21 đơn vị có HCV, 7 đơn vị có HCB, 4 đơn vị có HCĐ). Về thành tích: phá 1 kỷ lục quốc gia, 35 kỷ lục HKPĐ, 53 thành tích đạt cấp kiện tướng, 154 thành tích đạt cấp 1 VĐV.

* Hội khỏe Phù Đổng lần thứ tư: Tổ chức tại TP Hải Phòng từ 4 đến 11/8/1996, gồm 10 môn thi đấu. Số đơn vị tham gia 53/53 tỉnh, thành phố với 2876 VĐV nam nữ và 971 trọng tài, huấn luyện viên và các thầy, cô giáo. Số bộ huy chương: 372, số đơn vị đạt huy chương 33/53, xác lập 84 kỷ lục HKPĐ mới.

* Hội khỏe Phù Đổng lần thứ năm: Tổ chức tại TX Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp từ ngày 21 đến 26/7/2000, có 4000 VĐV tham gia. Đây là một HKPĐ rất có ý nghĩa vì nó được tổ chức vào năm giao thời giữa hai thiên niên kỷ, đánh dấu chặng đường 10 năm đổi mới của ngành giáo dục nói chung và công tác giáo dục thể chất nói riêng, và thể hiện kết quả đầy đủ hơn cả của 20 năm phát triển phong trào HKPĐ - một phong trào được đánh giá như một sự kiện giáo dục tiêu biểu trong thế kỷ 20.


                                                                                           


Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >