Trang chủ arrow Tản mạn arrow QUẦN THỂ DI TÍCH ĐỀN ĐẠI CẠI
QUẦN THỂ DI TÍCH ĐỀN ĐẠI CẠI
14/02/2008

Quần thể di tích đền Ðại Cại thuộc xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên, cách thành phố Yên Bái khoảng 80km. Quần thể di tích lịch sử này bao gồm đình Bến Lăn, chùa tháp đất nung Hắc Y, đền Ðại Cại và thành nhà Bầu bao bọc quanh bãi đua ngựa huấn luyện kỵ binh. Bên tả là sông Chảy, bên hữu là núi Vua áo đen hùng vĩ. Đền được nhân dân tổng Lâm Trượng hạ dựng vào đời Hậu Lê.


 

Truyện kể rằng vào thời vua Hùng Vương thứ 18 có một vị thần rắn hiện hình người mặc y phục đen giúp nhà vua đánh giặc. Đó là lời giải thích nguồn gốc của ngôi miếu thờ trong quần thể di tích đền Đại Cại. Nằm dưới chân núi Vua Áo Đen hùng vĩ với hình tượng vị thần trên vách đá, bên dòng suối Đại Cại và sông Chảy quanh co, ẩn hiện dấu vết những bức tường thành đất, quần thể này là một kỳ quan thiên nhiên soi mình xuống thung sâu trùng điệp với vô số hang động, chìm trong màu xanh rì của rừng cây gỗ quý hiếm: Đinh, Sến, Lý..., nơi tung tăng bầy linh dương, lũ khỉ tinh nghịch...trong phong cảnh hoang sơ, thần bí mà hiểm trở.

Đi sâu vào nghiên cứu hệ thống phối thờ, có thể thấy các linh vị nơi đây đều là những người được coi là có công khai sơn lập thạch, mở mang chợ búa, lập ra làng bản, phố xá tại bản địa.

Vị thần được thờ chính ở đây là bà Vũ Ngọc Anh, con gái một vị quần thần nhà Lê bị nhà Mạc giết hại, một người được coi là có công đắp luỹ xây thành, lập ra các chợ. Tiếp đến đền còn phối thờ hai anh em họ Vũ là Vũ Văn Mật và Vũ Văn Uyển, hai tướng quân có công lớn trong việc chống quân nhà Mạc.

Khảo sát về giá trị nghệ thuật của quần thể, phải nhắc đến kiến trúc Đền Đại Cại và Đình Bến Lăn với hoa văn và cấu trúc từ bát hương, ngai vàng,đá kê chân cột nách, cột lòng với các họa tiết mặt trăng, hoa sen, lá đề, hoa sen 16 cánh. Ngoài ra ở đây còn có sự hiện diện của bệ tượng Phật hình hoa sen bằng đất nung, bát sứ, lọ sứ men ngà rạn trang trí hình cánh sen rất đặc trưng của nghệ thuật thời Trần. Hiện nay đền Đại Cại còn lưu giữ được hai sắc phong đời Cảnh Phong và Tự Đức.

Ngày 21/3/1997, bảo tàng tỉnh Yên Bái đã khảo sát khu miếu Hắc Y và đã tìm thấy tháp đất nung cổ. Ðây là một phát hiện rất quan trọng vì ở miền núi cao cũng có một chùa tháp đất nung đồ sộ. Vật liệu xây dựng là những viên gạch đất nung có kích thước 450x245x100 mm. Trên tháp có hoạ tiết hoa văn trang trí như lá đề, hoa cúc, hoa sen đều bằng đất nung.

Trươc đình Bến Lăn, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra dấu vết của một bãi đua ngựa dùng để luyện tập kỵ binh thời cổ.

Quần thể đền Đại Cại là một hệ thống di chỉ tiêu biểu còn lại của văn hoá thời Lý, Trần, Lê đang có ở một tỉnh miền núi phía Bắc, đóng vai trò quan trọng trong văn hóa của Yên Bái và cả nước.

Nguyễn Hạnh (Hưởng ứng tuần lễ du lịch mùa xuân Lào Cai - Yên Bái 2008)


 


Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >