Trang chủ arrow Nghệ thuật ẩm thực arrow MỘT CHÚT LAN MAN CÙNG BÁNH CHƯNG
MỘT CHÚT LAN MAN CÙNG BÁNH CHƯNG
13/02/2008

 Bánh chưng là một món ăn truyền thống vào ngày Tết. Thứ bánh đã từng trở thành thứ lương khô của nghĩa quân áo vải Tây Sơn này đã chứa ngay trong đó bao hoài niệm vui buồn.


 

Ngày ấy, cứ đến dịp cuối năm, khi đôi mắt mẹ lại lo âu cho những toan tính như vào mùa giáp hạt, khi những đứa trẻ con cứ đứng trân trân bên đường nhìn những chiếc xe kìn kìn chở lá dong, khi bố chẻ lạt, chị đãi đỗ,,,thì trên đường phố Hà Nội không biết từ đâu mọc ra cơ man là những tấm biển đại loại như NHẬN GÓI BÁNH, NHẬN LUỘC BÁNH CHƯNG THUÊ. Lúc đó là lúc mà giờ nghĩ lại cứ thấy bồi hồi, cái bồi hồi có mùi thuốc pháo và những phen xếp hàng chối chết để nhận được gói quà Tết theo tiêu chuẩn Nhà nước một năm.

Thực ra trước đó nào có cơ sở gói và luộc bánh chưng thuê vì một gia đình không thể làm cả một nồi bánh chưng. Nghe mẹ tôi kể lại thì thông thường là mấy gia đình từ giáp Tết đã hẹn nhau chung luộc một nồi bánh. Bánh nhà ai nhà nấy tự gói và được đánh dấu riêng, cho đến tận chiều 28, 29 mới mang đến một nhà có sân, bắc lên bếp củi một nồi lớn, thay nhau canh suốt đêm cho đến khi chín.

Hồi đó tôi rất thích ăn bánh chưng rán, thấy người lớn hay khoe nhau nhà nào gói bánh chưng ngon nhất và nhiều đỗ, nhiều thịt. Gia đình nào càng giàu, bánh chưng thường được mặc định là phải ngon và có chất lượng hơn cả. Người thời ấy có cái tự hào như thế! Cái tự hào về một món lương thực chủ đạo vừa là nỗi lo trong ngày Tết.

Giờ thì những ký ức về những cái biển hiệu NƯỚC SÔI 5 XU, NHẬN LUỘC BÁNH THUÊ dường đã tạm phôi phai. Thế nhưng cái bồi hồi gần Tết lại trỗi dậy một kiểu khác.

Ngày nay, với nhịp sống hiện đại, đến Tết rồi mà lòng người vẫn còn mải miết, dường chẳng để ý đến những lo toan ngang ngửa như ngày nào. Cái lo toan của họ giờ đắm chìm trong công việc đến đỗi cái gì cũng đặt mua, đặt mua, thậm chí là qua cả điện thoại.

Thế là chỉ với 10.000 - 40.000/chiếc, nhà nào cũng có thể có chiếc bánh chưng ăn Tết mà không cần phải đụng tay chân đãi đỗ, vo gạo. Tất cả công việc đó đã có một lực lượng đáng tin cậy: Những người thợ gói bánh chưng thuê.

Ông anh rể tôi vừa từ Đà Nẵng về, gói quà trên tay là cặp bánh chưng của một thương hiệu nổi tiếng mà sản phẩm đang tràn ngập thị trường xứ Quảng: Bánh chưng Hoàng Công.

Trong khi ở Hà Nội, đi đâu cũng thấy người làng Tranh Khúc, xã Duyên Hà (Thanh Trì-Hà Nội) và làng Sầm Dương xã Ninh Xá, Quán Gánh (Thường Tín)- Hà Tây. Đây chính là hai nguồn cung cấp bánh chưng chủ yếu trong những ngày tết Nguyên Đán. Họ có khả năng tập họp một lực lượng gói bánh hùng hậu, kể cả những sinh viên xa nhà làm thuê.

Để kết thúc bài này, tôi muốn nhắc lại một câu đối chữ Nôm đã quá quen thuộc với mỗi người Việt chúng ta:

Thịt mỡ, Dưa hành, Câu đối đỏ
Nêu cao, Pháo nổ, Bánh chưng xanh.

Và tự nhiên đến đây, một cảm giác khó quên bỗng dâng lên, mơ hồ, ám ảnh.

 
 
 
 
 
 
                                                 

Tin liên quan

Các bài mới:

Các bài đã đăng:

 
< Trước   Tiếp >